Translate

Tuesday, October 4, 2016

LỜI MỞ ĐẦU



                


 

  LỜI MỞ ĐẦU


              Thơ văn là dòng chảy của tâm hồn bằng chữ nghĩa. Những cảm xúc bật ra từ những trăn trở của cuộc sống trong đủ mọi dạng của tâm thức.Qua thơ văn dáng dấp của tác giả ẩn hiện trong từng tác phẩm có khi ít, có khi nhiều.Tất cả là một hòa nhập của cuộc đời lăn chảy vào chữ nghĩa trong tận cùng hơi thở và nhịp đập của con tim: Những khao khát một tình tự dân tộc, một tình nhân ái thực sự giữa người và người với nhau trong đại gia đình Việt Nam toàn vẹn, phát triển trong Độc Lập, Tự Do và Dân Chủ.
              Và dĩ nhiên về nội dung cũng như hình thức khó tránh khỏi thiếu sót trong vài khía cạnh nào đó qua cảm nhận của mỗi người đọc. Kính mong quý vị rộng lượng tha thứ cho.

Kẻ Đào Huyệt là một tập truyện thật dài hơi…
Nó bị treo cổ khi mới hình thành tập bản thảo đi kiểm duyệt năm 1970.
Nó bị thất lạc và cuộn mình trong nhiều ngày tháng dài trăn trở.
Nó được bồi đắp qua dòng lịch sử chiến tranh và hết chiến tranh.
Tập truyện “Kẻ Đào Huyệt” cuối cùng được tiếp nối và kết thúc trong bối cảnh đời tha hương.
HUỲNH TÂM HOÀI






Kính dâng lên hương hồn ba má.
Chia sẻ những ngày tháng trôi qua với vợ và các con.
Chia sẻ với các em thương yêu.
Chia sẻ cùng các đồng đội cũ còn sống và lưu nhớ những đồng đội đã nằm xuống trong cuộc chiến cũng như trong các trại tù « Cải Tạo » của Cộng Sản sau ngày 30-4-1975.



ĐÔI DÒNG GHI NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN THÂN

And Hiệp !Xin gởi đến hương hồn anh tập truyện « Kẻ Đào Huyệt » đã hoàn thành như sự nhắc nhở của anh….Bây giờ thì…không còn anh na, không còn những khi ngồi trò chuyện văn thơ….xin thắp nén nhang lòng cầu hương hồn anh sớm siêu thoát nơi miền cực lạc. HTH.
 E-Mail của bạn Nguyễn Bạch Dương

Anh Lê Trung Hiệp, anh còn có tên Nguyễn Kim Dũng, là người bạn thân thiết có nhiều kỷ niệm với tôi sau năm 1975. Thật ra tôi với anh của anh Hiệp là Đ/U Lê Kim Hùng mới là bạn cùng quân ngũ.Tôi làm Quản Lý Bệnh Viện Tiểu Khu Bạc Liêu, anh Lê Kim Hùng làm Phát Ngân Viên Đại Đội Hành Chánh Tiếp Vận Bạc Liêu.Tôi và anh Hùng đi tù cùng chung trại. Tôi về trước anh vài tháng. Sau nầy khi về lại gia đình anh bị bịnh chết. Tôi biết anh Hiệp từ dạo đó và thân nhau trong tình cảm anh em văn nghệ với nhau. Anh Hiệp trước đây sống bằng nghề giáo và làm báo. Anh có thơ đăng trong các tạp chí tại Sài gòn trước năm 75 như: Văn, Văn Học, Khai Phá, Trình Bày, Biểu Tượng, Thời Nay, Thời Báo….và đã xuất bản các tập thơ: Bí Mật của bé (thơ thiếu nhi), Lặng lẽ vần thơ yêu em, Thơ Anh và Tình em, Hoàng, Sau Cơn Địa Chấn. Anh mất năm 2008 vì bịnh ung thư phổi tại Sài Gòn.

Anh Huỳnh Tâm Hoài thân mến,
Vua nhan duoc qua cua anh, rat cam on, toi con lay lat den ngay hom nay la nho thuoc, chu yeu la truyen dich va dam, cu 3 hom 1 lan, co tien lo thuoc men, phan lon la nho anh em giup do (trong do co anh) chuyen viet lach cua toi dao nay cham lai. Du dinh chon mot so bai de in 1 tap tho ma cu lan lua mai. Phan anh da co tron viet chua? Nho co suc viet lai de anh em cung doc nhau cho vui. Hom roi anh Ngoc da co goi dien hoi tham toi, duong nhu anh ay vua di Chau Au ve. Toi bay gio nhu con cua gay ngoe nam yen mot cho chang di dau duoc. Ca ngay loanh quanh trong nha voi con dau nhuc vo chung, viet thu co anh chi cu ma phai nghi hai ba lan. Toi van luon mong cho de doc tac pham cua anh nhu nhung ngay xua, anh em minh luon doc cua nhau. Con tap “ke dao huyet” nen tiep tuc dao that nhieu tren trang giay cua minh. O ben ay anh nen tim doc cac tap chi: Hop Luu, Van, Khoi Hanh, Van Hoc.
      Lai met roi, xin tam dung nghe anh. Kinh chuc anh chi va
cac chau an vui phat dat.
                                              Nguyen Bach Duong

 Huynh Tam Hoai than men,
            Rat vui khi nhan tin ong. Ong van theo doi cac tap chi ben ay, co gang viet di, mot luc nao do ngoi viet se het set va viet mot cach tron tru nhu truoc day (o cai thoi Chim Viet) Mang tin nay den ong, cach day ba hom toi tuong qua tham ong bang con duong tam linh roi. May nho mot phep mau cua Chua Phat nen toi duoc nan lai mot it thoi gian nua. Nhu nhung thu truoc toi nam tren giuong benh doc cho ba xa toi ghi, nho con danh email gui di. Nho nghe Huynh Tam Hoai viet ..viet.. va viet, cho den luc nao N.B.D khong con co the nhac nho ong duoc nua.
            Chuc gia dinh an khang va nhat la ngoi but dung ngung viet.
                                                           Nguyen bach Duong


*Xin cám ơn bạn Nguyễn  Thành Thụy là một Nhà Thơ-Nhà Văn và là một Kỷ Sư Điện đã hành nghề ở Úc đã bỏ công  sức trong sự bận rộn của mình để hiệu đính cho tập truyện được hoàn hảo hơn.
    “Đọc những  mẩu truyện ngăn ngắn của Nhà Văn-Nhà Thơ Huỳnh Tâm Hoài, tôi có cảm tưởng mình đang du ngoạn qua làng quê miền Nam Việt Nam trước 1975. Với ngòi bút linh động và chân thực, tác giả đã đem lại rất nhiều niềm cảm xúc trong tâm hồn tôi về những nỗi khổ của dân quê thời ấy và những tình cảm thành thực của bản tính dân Việt chúng ta”.

   Rất đáng đọc, xin giới thiệu cùng quý vị xa gần.

Nguyễn Thanh Thụy (John Thụy)
Melbourne, Úc Đại Lợi


*Xin cám ơn anh Nguyễn Duy Quang người bạn thân trên diễn đàn Thơ Văn đã trợ giúp thực hiện mẫu bìa của tập truyện.

*Xin cám ơn các bạn hữu xa gần đã khuyến khích để tôi có thêm niềm phấn chấn hoàn thành tập truyện và đem in ấn.



MẬU THÂN TẾT ĐẦU ĐỜI LÍNH



Mậu Thân Tết đầu đời lính

      Tôi được lệnh gọi nhập ngũ khóa 24/SQTB/TĐ khi đang làm việc ở Ty Y Tế Côn Sơn, có lẽ thư từ chậm ra hải đảo cho nên khi tôi về trình diện thì khóa học đã bắt đầu. Tôi được trả lại Côn Sơn tiếp tục làm việc cho tới khi nhận được lệnh nhập ngũ K.25/SQTB/TĐ. Côn Sơn là phần đất bình yên trong một đất nước chiến tranh. Khi nhận nhiệm sở ngoài nầy, tôi nghĩ chắc mình sẽ được lưu dụng làm việc ở đây khỏi phải đi lính. Tôi chưa muốn tham dự vào cuộc chiến lúc nầy, cho nên khi nhận lệnh gọi nhập ngũ, tôi bị hụt hẫng lo lắng. 
Xin bấm đọc tiếp

ĐEM CHI XUÂN ĐẾN GỢI THÊM BUỒN




ĐEM CHI XUÂN ĐẾN GỢI THÊM SẦU


1-          Mặt trời ngả trên hàng cây mờ nhạt. Nắng chen chúc sau đám mây màu xám tối.Mùa đông đang về. Không khí ui ui như sương xuống. Một nỗi buồn hoang vắng nào đó vương vất trên cánh đồng mênh mông cỏ lúa.Những cây lúa mọc hoang từng bụi chen trong đám cỏ lát u du. Có những khoảng trườn dài dấu xích xe. Bên con đê khuất dưới đám cây trăm bầu nổi lên những mô đất. Đây là hầm hố của Việt Cộng hồi sau Tết Mậu Thân. Những dấu xích và hầm hố đó đã hiện lên trăm xa, ngàn cách tình người. Chiến trận hôm nào đến đây đã phanh thây biết bao nhiêu đời sống. Bây giờ tất cả trơ ra quạnh quẽ sầu thương. Mái tranh cửa vắng phên rêu, trước sau hoang tàn đ nát. Người dân sống giữa hai lằn đạn đã lần hồi dồn thúc về phía phố làng, phố quận hay dọc theo những con đường liên quận, liên tỉnh. Chỉ còn một số người ở lại vì nuối tiếc mồ mả ông bà, cha mẹ, miếng ruộng, khung vườn. Họ sống chui rúc đắp đổi qua ngày tháng trong nỗi chết vờn quanh hơi thở.

TRONG NỖI RÃ RỜI



                           TRONG NỖI RÃ RỜI
                          Cho Th/Úy Cần, Bùi, Hữu,Lô,Hùng
              và các bạn ở khu ngoại  khoa  4 T.Y.V Cộng- Hòa năm 1967

       Dòng nước trôi lờ đờ và lặng lẽ. Màu nước đục đen ngòm. Hai bên bờ nước rút để lộ bãi sình đen đầy rác rến đủ loại mắc víu vào các cột cừ làm sàn nhà. Trước đây các cột cừ làm bằng gỗ tạp cây xiêu, cây vẹo lấn ra ngoài mặt sông độ vài thước. Nhưng từ ngày có chiến tranh, người ta đổ dồn về thành phố mỗi ngày mỗi đông. Các sàn nhà thi nhau bò thêm ra ngoài sông. Dòng sông càng lúc càng bị thu hẹp dần.Và để chắc chắn hơn hầu chứa bà con thân thích về sống chung đụn nhau càng lúc càng đông. Các cột đúc xi măng được thay vào các cột gỗ làm trước đây. Hai dãy nhà hai bên dòng sông có nơi như gần đâu đít vào nhau. Nước chảy luồn lẩn dưới chân người. Lấp xấp khi nước lớn và cạn quánh khi nước rút. Một lúc nào đó rất mau, có lẽ dòng sông sẽ mất hẳn, bị lấp đầy. Một nền móng mới sẽ úp chụp lên. Quá khứ về dòng sông chỉ còn là một chuyện kể.

TREO NGANG THÁC LŨ



TREO NGANG THÁC LŨ


1-          Nắng buổi trưa gay gắt dội xuống mái tôn hừng hực. Vũ thức giấc trong một trạng thái mệt mỏi đến như đờ đẫn. Đôi mắt nặng trịch chàng muốn mở ra nhưng cứ bị trì hoãn khó khăn. Một vài tiếng động rời rạc và khô khan.Thật khó chịu! Chàng chửi thề một câu nhỏ. Xoay người lại. Mồ hôi dưới lưng ướt láp nháp như bị trét mỡ. Chiếc ghế bố nhà binh kêu kèn kẹt theo cái chuyển mình của chàng. Gió bên ngoài thổi tạt vào làm chiếc Poncho dùng để che nắng khua nghe phành phạch.Vũ thấy hơi dễ chịu và thíp đi  như mê. Đến khi chợp mắt thì trời đã xế chiều.  Ánh nắng tạt vào nhà. Chàng cảm thấy đôi mắt nằng nặng và hơi nhức. Vũ chớp mắt mấy cái nghe như cay cay, rồi đứng dậy đi ra ngoài, lại gần phi nước, một tay cầm cái ca múc nước, một tay vốc nước úp vào mặt, xoa vào cổ. Một cảm giác nhẹ bổng lâng lâng chạy rần từ cổ xuống lưng và dừng lại ở đó. Vũ uốn người về phía sau một cách khoái trá. Trên bầu trời những áng mây thật mỏng trôi lênh đênh, thỉnh thoảng một vài nơi trộn màu tạp lục. Trong cái bao la của bầu trời, trong cái rời rạc của buổi chiều, Vũ thấy mình như những áng mây trôi lạc lõng trên cao, cũng giống như miếng gỗ lập lờ trên sông. Nước lên xuống như muốn rã tan, như muốn chìm nghỉm xuống lòng sông, đáy nước. Bùn lầy sẽ chôn lấp trong im lìm. Nỗi mệt mỏi và chán chường làm cay đôi mắt, làm khô cứng cổ họng. Chàng thấy mình cô độc trong một thứ hạnh phúc bất chợt đến, tạm bợ chờ tung cánh bay đi. Bao lâu rồi chàng sống trong ngoi ngóp buồn rầu nầy? Vũ thấy như tức giận một cái gì đó mơ hồ không rõ. Chàng muốn xô đẩy, đạp đổ và bương chạy đến bất cứ một dấn thân nào đó, miễn sao thoát khỏi cái căn phần phiền muộn nầy.

NGÀY CUỐI ĐỜI LÍNH



NGÀY CUỐI ĐỜI LÍNH
                                       Viết riêng nhớ đến anh linh Y Sĩ Thiếu Tá  Trịnh-Văn-Tạo
                                                    Y Sĩ Trưởng bệnh việnTiểu Khu Bạc-Liêu

             30 tháng Tư! Cái ngày luôn dội vào lòng những cảm xúc ngổn ngang, buồn đau, tủi hận. Hơn 30 năm trôi qua, nhưng những ngày tháng cởi áo lính trong bàng hoàng, tức tưởi, những năm tháng tuyệt vọng qua các trại tù “Cải tạo” vẫn theo vào trong nhiều cơn mơ và thức giấc trong những giọt mồ hôi ướt áo. Trong cơn tỉnh ngủ chợt thấy ra mình đang sống giữa đất nước tạm dung, đang nằm trên chiếc giường êm ả. Cảm giác buồn một khoảnh khắc qua đi. Tôi thầm nói: “ Ồ! Ta đã được tái sinh hơn 20 năm rồi!” Nhưng lòng tôi vẫn không quên hội chứng đau thương cuộc đời lính của mình qua năm tháng nơi xứ người.
             Ngày ấy tôi ở chức vụ Sĩ Quan Quản Lý kiêm Sĩ Quan An Ninh Bệnh Viện.Vào những ngày chiến cuộc các tỉnh miền Trung dần dà đi đến khúc quanh quyết liệt. Hoa Kỳ ngưng viện trợ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ miền Trung với ý đồ co cụm lực lượng lại để cố giữ miền Nam trong chiều hướng ngân sách không còn đủ, súng đạn không còn nhiều cho một vùng đất trải rộng quân. Có người cho rằng ông Thiệu giận Mỹ và rút quân như một thấu cáy? cho dù do đâu, nhưng với sự rút quân nầy đã đưa miền Nam đến sự sụp đổ sớm hơn như những dự tính của Cộng Quân!

ÔNG TẬP ĐOÀN TRƯỞNG



ÔNG TẬP ĐOÀN TRƯỞNG

           Tư Lượng sinh ra và lớn lên ở ấp Đầu Giồng nầy từ đời ông tới bây giờ, sống bằng nghề làm ruộng rẫy. Đây là đầu của con giồng của xã Phước-Hưng, có người gọi cho đầy đủ là Ấp Đầu Giồng Phước-Hưng. Phía ngoài con giồng là khoảng ruộng ăn liền với ấp Giồng-Trôm. Ấp nằm trên trục lộ liên quận. Đường xe hơi chạy từ tỉnh lỵ Trà-Vinh vắt ngang qua Ấp Đầu Giồng đi xuống Xã Tạp-Sơn. Từ đây có hai ngã rẽ, đi thẳng ra Bắc-Trang, ngõ quẹo qua Quận Trà-Cú. Từ Trà Cú đi suốt tới Trà Kha, ăn vòng qua Cầu-Ngang, Long Sơn, Long Toàn. Đất gia cư ở  Quận Trà Cú đa số được lập thành bởi những giồng cát hình cong như lưỡi sóng ăn tận ra biển. Đất canh tác ở sâu phía xa sông Hậu là những khoảng đất giữa những con giồng. Nhờ nằm dựa bên nhánh sông Hậu cho nên đất pha cát và phù sa làm thành một vùng đất trộn sốp. Đất ruộng rộng hơn từ phía giáp với sông Hậu như miệt Cầu Kè, Cầu Quan, Bắc Trang, Trà Cú, Trà Kha. Ấp Đầu giồng là đất gia cư nằm sâu, xa sông Hậu . Người dân sống quần tựu trên đất giồng. Đất thì không nở ra mà con cháu thì mỗi ngày mỗi đông đem chia tam chia tứ ra nên nguồn lợi tức con cháu mỗi ngày mỗi hẹp. Cho nên hầu hết cư dân ở đây không bà con gần cũng bà con xa với nhau, có khi xa quá, đàn hậu sanh gọi nhau bằng cô chú, cậu mợ, ông bà mà nghĩ nát óc cũng không biết dây mơ, rễ má từ chỗ nào- nhưng chắc có bà con? Có đứa học hành đỗ đạt không nhận phần cho mình hoặc có đứa bung ra đi làm ăn xa cũng xin nhường phần cho người còn ở lại. Nói tóm lại mọi người nhường nhau để  được sống còn. Ở vùng đất giồng thì đâu có nhiều ruộng lúa canh tác, đa số là những giồng cát trải dài. Phải ở tuốt miệt gần nhánh sông Hậu như Trà-Cú,Tiểu Cần mới có nhiều ruộng và đất màu mỡ hơn.Còn cái ấp đầu con giồng này thì cát là cát,cát nóng rát bàn chân, cát rút nước nhanh như gió thổi, mới tưới qua một bận, trở lại thấy khô queo. Ruộng lúa thì bằng bụm tay và chỉ làm được có một mùa. Cho nên cư dân ỏ đây sống chật vật lắm. Những người sống ở gần chợ thì làm nghề buôn bán và lo cho con cái học hành đỗ đạt tiến thân nơi xứ khác. Tư Lượng vì nhà nghèo chỉ mới học tới lớp nhứt thì thôi học ở nhà lo làm ruộng rẫy giúp gia đình. Hồi đó Tư Lượng phải đạp xe đạp mấy cây số tới Phước Hưng để học. Sau nầy khi có trường tại ấp thì thì Tư Lượng đã có vợ con. Tư Lượng thường nói với mấy đứa nhỏ: “Hồi đó tao đi học vất vả, tụi bây giờ sướng lắm chỉ đi bộ mấy phút là tới trường, phải ráng học cho giỏi để nhờ tấm thân sau nầy. Đất ruộng chỉ bằng cái chiếu lát không đủ sống đâu mấy con!

TỰ SÁT



                               TỰ SÁT


 1-     Gã đàn ông mặt tai tái vì bịnh sốt rét rừng, hắn ta là Trưởng Phòng Tổ Chức của trường Trung Học mà Thúy đang dạy.Vào gần cuối giờ của tiết dạy cuối. Hắn đứng ngoài cửa lớp nói vói vô: Sau giờ, mời cô đến văn phòng tôi làm việc. Lúc nầy trường tan học, học sinh đã ra về. Thúy đi suốt dãy hành lang vắng và suy nghĩ miên man, không biết thằng cha nầy có việc gì mà lại gọi mình đi họp lúc trường tan học. Mấy lúc nầy tin đồn các cô giáo có chồng đi học cải tạo bị cho thôi việc. Thúy nghĩ chắc hắn nói với mình về việc nầy vì chồng Thúy là sĩ quan chế độ cũ đang bị nhốt ở trại “ cải tạo” ? Phòng làm việc của hắn ngoài cái bàn cái ghế còn có cái giường ngủ được kê một bên đối diện với cái bàn. Trên tường hắn đóng đinh mắc vài bộ đồ cũ và cái nón cối. Khi bước vào phòng Thúy đứng lơ ngơ ngay khung cửa, chưa dám bước vào hẳn vì thấy hắn đang nằm trên giuờng.Thúy chợt nhớ mình quên gõ cửa từ bên ngoài. Thấy cô, hắn ngồi dậy và nói: Mời cô vào.Thúy đứng ở một góc phía gần cánh cửa. Hắn đứng dậy bước sang ngồi trên chiếc ghế và nói : Cô ngồi đây, hắn chỉ cái giường mà hắn vừa rời, cô cứ tự nhiên vì còn mới quá tôi chưa được phân phối chỗ ở nên tạm ngủ luôn ở đây. Thúy nói: Để em đứng được rồi. Hắn nói: Chuyện dài dòng cô nên ngồi vào đi.

Monday, October 3, 2016

GÃ BẤT CẦN



  BẤT CẦN
                                                 
          Trước khi làm bản tự khai, tên Quản Giáo ngồi một chân để thõng, một chân chỏi trên mặt ghế. Hắn ngồi bật ngửa hút thuốc. Vài đám du kích mặt non choẹt mang vũ khí đủ loại đứng vòng ngoài phòng họp của trường Trung Học. Hắn từ từ đứng lên nói: Tất cả hồ sơ các anh chúng tôi đã nắm. Tội các anh theo Mỹ Ngụy đánh phá Cách Mạng là tội chết, nhưng nhờ lượng khoan hồng của Nhà Nước cách mạng các anh được tha và cho tập trung về đây để học tập chánh sách của Nhà Nước một thời gian ngắn rồi cho về với gia đình, làm công dân tốt của một nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa và đảng Việt Nam quang vinh….. Hắn nói tràng giang đại hải như con vẹt, cuối cùng hắn gằn giọng: Các anh phải thật thà khai báo, các không qua mặt được chúng tôi, nhớ đó… Mọi người được cấp hai mảnh giấy trắng làm tờ khai lý lịch.

Ở CƠI NĂM



CƠI NĂM
Tặng N/S Hồ văn L, D/S Khưu Hoàng H và D/S Lâm Khả Đ

                 Ba chiếc tàu đóng theo kiểu Thái Lan chạy suốt mấy ngày mới tới chỗ “Đổ quân”. Chặng đường 2 ngày ba đêm, người tù cải tạo nằm chật ních trên sạp tàu, lù mù trong bóng tối dưới khoang hầm. Mọi người tự hỏi: Đi đâu? Họ đem mình đi đâu?”. Có vài anh bạn phục vụ cho các cán bộ được lên xuống rỉ tai: Tàu đi về hướng Rạch Giá …tàu ra đến sông Ông Đốc…. Tàu chạy chậm lại và cặp đất. Khoang hầm được mở ra. Ánh sáng tràn xuống làm hoa mắt. Một “Anh đội” non chẹt quát xuống: Các anh chuẩn bị đổ quân…Mọi người buồn bã thu xếp gói quần áo và vật dụng cá nhân ngồi lên chờ đợi. Mấy ngày nằm vã với mùi hôi hăng hắc của nước lẫn dầu phía dưới sạp của khoang tàu, gió và ánh sáng lùa vào làm mọi người dễ chịu đôi chút…Một cái thang cây được bỏ xuống. Đoàn tù lần lượt leo lên. Ngoài xa xa là một vùng nước mây mù mù. Một anh bạn nói: Ngoài kia là cửa sông Ông Đốc chạy ra biển Đông.

OAN THÁC HỒN VỀ NHỚ ĐẤT PHƯƠNG NAM _NGƯỜI Ở LẠI HOÀNG LIÊN SƠN



Oan thác hồn về
nhớ đất phương Nam
Viết về người bạn chết trong ngục tù Cộng Sản tại miền Bắc năm 1980
(Đại Úy Đoàn Văn Xường)
  

Oan thác hồn thiêng mãi dật dờ
Anh hùng bại trận lỡ sa cơ
Ngục tù đâu dễ giam chí cả
Vượt thoát không thành phải phơi thây
Dưới tay tra tấn loài man rợ
Thịt nát, dập xương chốn đọa đày
Đất Bắc vùi thân ngôi mộ lạnh
Uất thác hồn gào rung cỏ cây
Phương Nam hướng vọng về cố thổ
Trà Vinh chốn cũ một thời trai

NHÚM TÓC CÒN LẠI CỦA MÁ



NHÚM TÓC CÒN LẠI CỦA MÁ
              Kính dâng hương hồn má.

       Má tôi, người mẹ miền đất giồng. Tôi nói như vậy là vì vùng đất nơi má được sinh ra, lớn lên cho đến khi có chồng con và đến cuối đời vẫn ở đây: Miền đất giồng. Gọi là miền đất giồng vì vùng đất ở đây là vùng ven biển. Qua sự bồi đắp của nhiều năm tháng, những con giồng hình cong như lưỡi sóng, cộng với sự lắng đọng của dòng Cửu Long từ vùng sâu chảy về, gặp sức dội của áp lực biển Đông bẻ ngoặt, chia nhánh chằng chịt khắp một vùng rộng mênh mông. Vùng đồng bằng Sông Cửu Long được thành hình qua nhiều năm tháng. Một cánh đồng Nam Bộ phì nhiêu định hình từ bên trong, ăn dần ra với những con giồng bao giáp biển. Những loại cây rễ thân như mấm, vẹt, tràm, ráng, bần…giữ phù sa và cát biển làm nên những cù lao, cồn, láng, bãi…dài suốt từ Cà Mau, Trà Cú, Long Toàn, Cầu Ngang…. Vùng đất ngày xưa “Chim kêu, vượn hú” dần dần được di dân từ miền Bắc, Trung, cả những di dân từ Trung Hoa đi qua ngõ biển tấp vào, cộng lại với dân bản địa Cao Miên, quần tựu thành nhóm dân trộn hoà từ lâu đời, thành một vùng cá biệt: Dân Nam Bộ.

VỀ VƯỜN



VỀ VƯỜN
Bài viết để kính dâng đến hương hồn Cậu Má.
Riêng tặng Chích Chi để kỷ niệm đúng 40 năm vợ chồng-


            Sau năm 1978…Sau khi từ trại tù cải tạo về. Tôi như bước vào một nhà tù lớn hơn. Với sức ép của xã hội mới sau ngày ”Giải Phóng”, đời sống của người tù cải tạo tôi bị cài đặt vào khung mới. Ông Phường Trưởng là chỗ thân quen bạn bè với ba tôi. Ông khuyên tôi nên đăng ký về quê lo sản xuất. Ông nói với tôi; “cháu nên xin về quê ba má cháu đi…trong chánh sách, với diện của cháu là phải tự nguyện xin trước sẽ được chấp thuận theo ý nguyện, còn không thì đến lúc cưỡng bách thì khó mà muốn đi đến nơi mình muốn”. Nghe lời giải thích của chú Phường Trưởng, tôi ký vào giấy xin về quê ba má để lo sản xuất. Thật sự khi về quê ba má, thì tôi chẳng biết phải làm gì vì ba má tôi là tiểu thương, việc buôn bán bị hạn chế và đóng cửa luôn sau đợt đổi tiền. Thương nghiệp lo phân phối hàng hóa cho dân chúng. Ba má tôi xoay sở mua 6 công đất gần chợ để anh em chúng tôi cày cấy kiếm lúa gạo để ăn. Gia đình đông người với 6 công ruộng làm một vụ mùa thì làm sao đủ ăn và sau vụ mùa thì làm gì…? Gia đình chúng tôi vất vả để kiếm miếng ăn cho đủ căn hộ gồm vợ chồng con cháu hơn 15 người. Sẵn còn một số vốn, ba má tôi mua một chiếc xe cũ và vô Hợp Tác Xã Giao Thông Huyện để anh em chúng tôi chạy vạy lo cho miếng ăn gia đình. Nhờ vậy mà sau đợt đổi tiền mỗi hộ chỉ được $200 cho dù trước đó có bao nhiêu, đã tạm sống với số tiền thu được qua các chuyến chuyên chở hành khách lên xuống từ huyện tỉnh. Ba tôi thường than vắn than dài vì cơ ngơi làm ăn gần suốt cuộc đời không còn nữa. Ba cầm cái sổ ký thác Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín có hơn mấy triệu đồng không còn giá trị mà chặc lưỡi. Nước mắt ba tôi ứa ra khoé mắt. Má thì luôn an ủi ba và nói với ba: “Ông ơi! Ai cũng vậy mà…chuyện thời cuộc thì phải chịu vậy thôi. Có người còn nhiều hơn nhà mình nữa….!”

TÔ CANH NẮM MỐI



 TÔ CANH NẤM MỐI


         Qua giữa tháng Năm chôm chôm chín rộ. Chị Năm thức sớm lo nấu cơm. Khói nhà bếp pha trộn sương sớm là là quanh khu vườn nhà. Tiếng gà gáy đã tạnh. Đàn vịt xiêm rời tổ dẫn đàn con chim chíp ra vườn sau. Con chó mực sủa gâu gâu khi chị phụ việc bước vào sân nhà kêu “chị ơi! em tới”. Má ngồi bên chiếc bàn tròn nhà trước vừa nhai trầu vừa nói: “Vô đi Hai, chị Năm mầy ở nhà sau”. Anh Năm thì lục đục dưới xẻo mương lo đổ thêm dầu vào máy ghe và bỏ những cần xé xuống khoang. Tôi cũng thức sớm ngồi uống tách cà phê tự pha. Hai thằng con trai đứa lên bốn, đứa lên năm còn ngủ say. Đứa con gái mới sinh vài tháng oa oe khóc. Vợ tôi ru khe khẽ. Mùi hương thơm hoa bưởi hoa cam theo cơn gió len vào mái lá thơm ngào ngạt. Con chim chìa vôi vừa hót chuyền trên nhánh cây xoài tượng phía trái trước nhà. Vợ tôi ra khỏi giường khi đứa con nhỏ ngủ lại hỏi tôi: “Hôm nay anh muốn đi hái chôm chôm với anh Năm hả?”. Tôi nói: “Ừ! Đi phụ với anh chị Năm cho vui, nằm nhà buồn quá”.
         Từ ngày về đây đến nay gần hai tháng, tôi chỉ quanh quẩn quanh nhà, bứng vài cây chuối con trồng ở khoảng đất trống bên hè, đem nhánh mận hồng đào đá chôn xuống đất ở phía sau nhà. Phần lớn trong ngày là nằm võng ôm con hát, bắt hoàn từ tân nhạc qua vọng cỗ....

NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI



Ngã rẽ cuộc đời
Viết theo một câu chuyện thật, thêm vài hư cấu.
Tên tuổi nhân vật trong truyện là một ngẫu nhiên do tác giả đặt.
Nếu có sự trùng hợp là ngoài ý muốn tác giả.HTH

           Sau mấy tháng trời bị giam ở trại giam Tỉnh Cần Thơ, Vinh bị đưa về tập trung ở hậu cứ Trung Đoàn 33 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 21 cũ gần phi trường Trà Nóc. Trong thời gian ở đây, anh được vợ tiếp tế đồ ăn theo từng tháng. Lần cuối cùng vào tháng 11 năm 1976, Vinh nhận được giỏ đồ ăn của vợ kèm theo bức thư:
                Anh Vinh yêu quí của em,
          Đây là giỏ đồ ăn cuối cùng em gởi cho anh…em đã khóc mấy đêm liền với nỗi giằng co đau khổ đến tột cùng để đi đến quyết định…cái quyết định rất khó khăn với em và rất tàn nhẫn với anh: Đó là em quyết tiến một bước nữa, nghĩa là em bỏ anh và đi lấy người khác….Anh đừng vội trách em và mắng nhiếc em vì trong tình thế nầy em không còn chọn lựa nào khác. Như anh đã biết trong thời gian chung sống với anh. Chúng ta có năm đứa con sinh liền năm. Khi anh đi rồi không có gì để lại cho em để lo cho các con và cho anh. Em đã bán hết các tư trang và một số vốn nhỏ để dành để tiêu xài cho việc thăm nuôi anh và nuôi các con thơ dại. Phải chi gia đình ba má em còn thì em có nơi nương tựa…như anh đã biết cả gia đình em được anh Hai em bốc đi sáng ngày 30 tháng Tư. Bởi chờ đợi anh mà em đã lỡ cơ hội cùng đi. Em cũng chẳng tiếc rẻ về chuyến đi đó. Nếu không có anh, em cũng chẳng đi! Thôi thì cũng là số phận.!
         Gần hai tháng nay em không có tiền để trả tiền mướn nhà vì phải dành để lo cho anh và các con. Ông người Tàu góa vợ, chủ căn nhà mình mướn đã không lấy tiền mướn nhà mà còn phụ giúp em trong mấy tháng gần đây. Ông ấy cảm cảnh khổ nhọc của em. Ông hỏi ý em bằng lòng ở với ông ta thì ông sẽ lo bảo bọc mẹ con em đầy đủ. Ban đầu em tức giận và đuổi ông ta ra khỏi nhà, nhưng chẳng những ông ta không giận mà còn tiếp tục hỏi han và giúp đỡ em. Mỗi ngày nhìn năm đứa con ăn cháo để nhín tiền mua đồ ăn đem tiếp tế cho anh mà em đau lòng quá….Cuối cùng em gật đầu…
         Anh ơi! vì các con mà em phải hi sinh đời em để cho các con sống được trong thời buổi cùng khổ nầy. Mong anh thông cảm và đừng trách em. Em biết em bỏ anh lúc nầy là vô cùng tàn nhẫn, nhưng để các con chết trong đói rách thì còn tàn nhẫn hơn anh ơi! Thôi chào từ biệt anh. Mỗi tháng em sẽ nhờ chị bạn gởi đồ ăn đến anh…
Tha thứ cho em….
                                                                     Vĩnh biệt anh,
                                                                          Phượng  

GIÓ MÂY NGẬM NGÙI



GIÓ MÂY NGẬM NGÙI


         Hồi đó Thu Hiền là một cô gái khá đẹp. Má Thu Hiền là vợ thứ của một quan viên hoàng tộc trong triều đình nhà Nguyễn nên nàng có họ tên theo như dòng họ nhà Nguyễn:Tôn Nữ Thu Hiền. Sau khi học xong trung học Thu Hiền có một việc làm ở Nha Thuế Vụ tỉnh. Ngoài giờ làm việc Thu Hiền phụ giúp mạ ở tiệm cơm của má nàng.Tiệm cơm rất ngon, giá lại rẻ nên hầu hết các chàng độc thân đều đến đây ăn, có cả một số sĩ quan trẻ. Mỗi lần Thu Hiền xuất hiện với chiếc áo dài màu hoàng anh ra vào phụ giúp mạ như đưa thức ăn hoặc tính tiền cho thực khách. Các chàng trai trẻ đều hướng mắt về nàng. Có người nhìn len lén, có người đuối mắt thẩn thờ …tất cả hàm ý một lời xưng tụng với vẻ đẹp quí phái mà dịu dàng của nàng. Trong những ánh mắt đó, Thu Hiền nhận ra có một ánh mắt…đôi lúc cuối gập khi vô tình nàng hướng về chổ người đó. Một chàng sĩ quan trẻ với cấp bậc chuẩn úy, trông anh có vẻ như là người lính mới ra trường.Tóc còn ba phân ngắn và bộ đồ nhà binh còn thẳng nếp. Anh mới xuất hiện ở quán cơm của mạ cách nay vài ngày. Hôm có dịp đến bàn cơm anh đang ăn trong một buổi chiều.Thu Hiền bạo miệng hỏi anh:

NỒNG ẤM XỨ KANGAROO



NỒNG ẤM XỨ KANGAROO
    *Thân tặng đồng hương Trà Vinh ở Úc Châu

                Chiếc máy bay lượn trên bầu trời ÚC. Từ trên cao tôi thấy trùng trùng đồi núi lẫn mây mù và cây xanh ở phía dưới.Tôi thực sự nhìn đất ÚC như hình cái nấm tay đặt trên mặt biển rộng giữa trùng dương bao quanh sóng vỗ. Chiếc máy bay hạ dần khoảng cách và đôi bánh lăn chạy trên đường băng. Tôi đến đất ÚC vào cuối thu, mây trời một vùng trong vắt, cái êm ả và nồng ấm của  những vạt nắng buổi sớm mai, cái hơi se se lạnh của buổi hừng đông làm tôi mang cái cảm giác rất lạ khi đặt chân xuống phi trường Sydney.
                 Tôi có những đứa em đi vượt biển từ năm 1979, một khoảng cách từ đó đến nay đã 30 năm, 30 năm cách biệt rất dài và rất nhớ nhung. Tôi ao ước đến đây để gặp lại những đứa em của tôi mà trước đây khi đưa các em xuống ghe rời quê hương là vào muôn trùng hiểm nguy chực chờ ngoài biển khơi, là cách xa miên viễn ngoài tầm uớc ao gặp lại…! Bây giờ chúng tôi gặp lại nhau, cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt chảy ròng vì bao nhiêu cảm xúc ùa vào tim, tràn lên vòng mắt. Ôi những đứa em ngày xưa ra đi chỉ là những cậu bé, cô bé nay đã có vợ, có chồng, có con. Tôi lại có thêm em dâu, em r, có thêm mấy đứa cháu trai, gái ngoan hiền. Tôi đứng giữa đàn em cháu, nghe lòng mình chứa chan hạnh phúc, cái hạnh phúc thật tuyệt diệu! Ân sủng nầy  như  một nhiệm mầu mà Phật Trời ban cho chúng tôi! Chúng tôi cám ơn ba má ngày xưa đã quyết định, đã cắt lòng chia xa để anh em chúng tôi có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.

SÀI GÒN NÓNG



SÀI GÒN NÓNG

               Hơn 20 năm xa quê, tôi ít khi trở về Việt Nam trừ khi có việc cần về thì mới thu xếp về. Vợ tôi vì có nhu cầu với nhiều lý do gia đình như mẹ vợ tôi đau, chị hoặc anh tôi đau hay cưới hỏi…Bà ấy về Việt Nam cứ như cách năm. Mấy lần đầu thì kệ nệ nhiều thứ. Sau nhiều lần thì vợ tôi nói : “Mang về Việt Nam nhiều thứ làm chi cho mệt, ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng có, chỉ cần mang tiền về thì khỏi lo kệ nệ cho mệt xác …còn bị các Ông Hải Quan kèo kọ đòi tiền lót trong các Passport mới yên thân”.
            Năm nầy tôi được báo tin sắp có đám cưới đứa cháu kêu tôi bằng bác. Tôi muốn về, luôn thể xem lại khu nghĩa trang  gia đình mà em gái tôi về lo xây sửa xong năm vừa qua, coi có cần bổ túc thêm gì không? Tôi nói với vợ tôi: “Năm nầy chắc tôi phải về một chuyến…lâu quá không về …về dự lễ cưới trước Tết vài ngày và sau đó ăn Tết tại quê nhà thử một năm xem sao. Từ ngày xa xứ tới giờ có hơn hai mươi mấy năm chưa có lần ăn Tết ở Việt Nam….vả lại anh em bà con cũng già yếu hết rồi, thăm nhau một chuyến nầy …chắc gì chuyến tới còn đủ mặt. Dịp đám cưới họ hàng qui tụ lại,  khỏi phải đi thăm hỏi từng nhà…”. Bà ấy làm thinh không nói gì…nhưng tôi đoán ý bà ấy cũng muốn về với tôi. Thường các bà kháo với nhau: “Đừng để các Ông về Việt Nam một mình…?” Tôi nghĩ vì dự đám cưới đứa cháu nên về có đôi hay hơn và có bà ấy theo thì chắc bà ấy yên tâm hơn. Tôi gợi ý: “Bà có muốn về với tôi không? Vợ tôi nhoẻn miệng cười…”Tôi chờ ông hỏi đó...!”

LA MAN ĐÊM GIAO THỪA


LAN MAN ĐÊM GIAO THỪA Ở CALI



             Đêm giao thừa năm nay rơi vào ngày thứ năm, ngày hôm sau phải đi làm…. mà có đi làm hay không thì đón giao thừa năm nào cũng vậy, chỉ có hai vợ chồng tôi thôi.Thường giao thừa là lúc nửa đêm, hai đứa con còn ở chung với vợ chồng tôi thì đi ngủ sớm, đứa thì lo đi làm, đứa thì lo đi học sáng hôm sau. Mấy đứa khác thì ở riêng. Chúng nó cũng đi ngủ sớm.Tết với tụi nhỏ giống như ngày thường, chỉ có người lớn thì quan tâm và cố gắng duy trì trong chừng mực nào đó có thể làm được. Cộng hưởng với sinh hoạt của của xã hội Mỹ, mọi người phải chạy theo vòng quay không thể dừng lại được. Tuy nhiên gần Tết mọi người cũng phải cố gắng bỏ chút ít thời gian để lo chuẩn bị đón Tết.

Đoản Văn