Translate

Monday, October 3, 2016

NHÚM TÓC CÒN LẠI CỦA MÁ



NHÚM TÓC CÒN LẠI CỦA MÁ
              Kính dâng hương hồn má.

       Má tôi, người mẹ miền đất giồng. Tôi nói như vậy là vì vùng đất nơi má được sinh ra, lớn lên cho đến khi có chồng con và đến cuối đời vẫn ở đây: Miền đất giồng. Gọi là miền đất giồng vì vùng đất ở đây là vùng ven biển. Qua sự bồi đắp của nhiều năm tháng, những con giồng hình cong như lưỡi sóng, cộng với sự lắng đọng của dòng Cửu Long từ vùng sâu chảy về, gặp sức dội của áp lực biển Đông bẻ ngoặt, chia nhánh chằng chịt khắp một vùng rộng mênh mông. Vùng đồng bằng Sông Cửu Long được thành hình qua nhiều năm tháng. Một cánh đồng Nam Bộ phì nhiêu định hình từ bên trong, ăn dần ra với những con giồng bao giáp biển. Những loại cây rễ thân như mấm, vẹt, tràm, ráng, bần…giữ phù sa và cát biển làm nên những cù lao, cồn, láng, bãi…dài suốt từ Cà Mau, Trà Cú, Long Toàn, Cầu Ngang…. Vùng đất ngày xưa “Chim kêu, vượn hú” dần dần được di dân từ miền Bắc, Trung, cả những di dân từ Trung Hoa đi qua ngõ biển tấp vào, cộng lại với dân bản địa Cao Miên, quần tựu thành nhóm dân trộn hoà từ lâu đời, thành một vùng cá biệt: Dân Nam Bộ.

        Năm học lớp nhì hai năm má tôi vâng lời ông bà ngoại lấy ba tôi lúc tóc còn để kẹp. Má dùng dằng một mình mà không dám cãi ý Cậu. Má gọi ông ngoại bằng Cậu, trong gia đình ít ai chú ý tới. Thường khi dân miền Nam chánh cống thì gọi ba, má. Chỉ người vùng ngoài Bắc mới gọi là Cậu. Trong các dịp Thanh Minh về quê ngoại tảo mộ. Tôi thấy bộ bia ông ngoại ghi họ Trịnh. Tôi có thắc mắc và hỏi má: Má ơi! Má họ Trần, sao mộ bia ông ngoại lại họ Trịnh?”. Má nói má cũng không biết, chỉ làm theo lời trăng trối ông ngoại muốn như vậy. Sau nầy khi học qua lịch sử Việt thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Chúa Trịnh hùng cứ phương Bắc. Chúa Nguyễn thua Chúa Trịnh chạy dần về phương Nam. Tôi đoán chắc ông bà tổ tiên bên ngoại trước đây họ Trịnh ở tận ngoài Bắc, vì sợ Chúa Nguyễn trả thù nên đổi lại họ Trần. Luận cứ nầy rất phù hợp với lịch sử và lời trăng trối của ông ngoại. Tôi đoan chắc là đúng, mặc dù má nói là không biết.
       Ông ngoại ít nói nhưng cả quyết. Khi được dượng Hai, chồng của dì Hai, chị ruột của má giới thiệu gia đình ông bà nội là người khách trú làm ăn buôn bán ở làng Long Hiệp, Quận Trà Cú, muốn xin cưới má cho người con lớn trong gia đình, ông ngoại nói: Được!”. Ít tháng sau là đám hỏi và năm sau đó làm đám cưới. Cuộc hôn phối của ba má rất thuận thảo và mau chóng.
      Ông bà ngoại sống bằng nghề làm rẫy. Miếng đất giồng hơn ba công và thêm mảnh ruộng bốn công nằm kề. Miếng đất rẫy là một vùng đất pha cát màu hơi sậm, nhưng vì cát nhiều nên việc tiêu tưới rất cực nhọc. Miếng ruộng thì chỉ làm được một mùa. Mùa khô nứt nẻ, mùa mưa nước sấp lún tới gối. Đời sống vất vả quanh năm mà chỉ đủ ăn không dư giả. Ông ngoại muốn gả má về chợ buôn bán cho đỡ cực hơn.
      Trước ngày đám cưới bà ngoại dạy má nấu vài món ăn thường nhật đơn giản như kho cá, nấu canh. Ngoại nói: Gia đình người Tàu Lai người ta không khó đâu nhưng ít nhứt phải biết nấu vài món ăn. Năm ấy má tròn 18 về sống với ba ở Long Hiệp. Làng nầy cách xa nhà ông bà ngoại một con giồng lớn. Nếu đi tắt xuyên qua những đám rẫy, một cánh đồng thì đến con giồng mang tên Xã Mỹ Hoà. Nếu đi đường xe đò thì đánh một vòng hơi xa. Thời đó xe đạp còn hiếm, đi bộ thì quá lâu mặc dù đường ngắn, nên nếu có dịp về nhà ngoại thì má dùng xe đò đi từ Long Hiệp lên Trà Vinh và từ Trà Vinh qua chợ Quận Cầu Ngang đến Xã Mỹ Hòa.
        Ngày sinh ra tôi, ông nội không cho má làm gì cả. Ông nội mới có đứa cháu đích tôn nên muốn má chỉ lo giữ tôi cho chu toàn. Ông nội có một đời vợ ở bên Tàu. Những năm miền đất ông nội sống ở bên Tàu đói rách, ông một mình quảy gánh tìm đất sống về phía Việt Nam. Cuộc trôi dạt theo các thương thuyền người Hoa của ông đã tấp vào bờ biển phía nam và định cư tại đây. Ông có một đời vợ bên Tàu nhưng chưa có con. Ông nội không thố lộ việc nầy cho đến khi bà nội sinh chú Năm, em trai kế của ba thì bà nội bên Tàu tìm đường liên lạc được với ông nội. Bà nội trước có ý xin chú Năm đem về Quảng Đông nuôi. Bà nội đẻ chú Năm không chịu. Bà nội trước trở về Trung Quốc và bặt tin luôn cho tới cuối đời ông nội.
        Lúc còn non trẻ, ông nội đu đưa tôi trên tay suốt ngày. Ba tôi gánh vác hết việc mua bán cái tiệm chạp phô nhỏ ở xóm Chùa cách Xã Long Hiệp chừng một cây số. Má chỉ lo dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng những bữa cơm cho gia đình. Bà nội cũng hiền lành, cho nên cuộc đời làm dâu của má không mấy vất vả. Khi có tôi thì má được ông bà nội thương nhiều hơn. Tôi thường được má ôm vào lòng, ngồi trên chiếc võng đan bằng vỏ cây bố đu đưa. Má đọc như hát bài thơ bằng Pháp ngữ “Voici ma main” mà má học lúc còn nhỏ, đôi lúc là những câu ca dao ngọt ngào trầm bổng: “Má ơi! đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu” hoặc “Cây khô tưới nước cũng khô, vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”. Ông nội thì hát tiếng Tiều Châu và dạy tôi bập bẹ “khìa cai úa chìa pừng ( lấy đôi đũa ăn cơm)…
         Khi tiếng mõ cùm cum gõ mỗi đêm, khi những tiếng chó sủa oăng oẳng trong xóm thì xóm làng bắt đầu xao động. Bộ đội Việt Minh bắt đầu tuyên tuyền, cổ động chống Pháp cứu nước. Cán bộ Việt Minh khuyến khích thanh niên tham gia đoàn thanh niên cứu quốc. Đêm đêm vác tầm vông tập bước đi một hai. Ba tôi và chú tôi cũng có đi tập dợt vài lần nhưng sau đó tìm cách thoái thác. Cũng vì chuyện nầy, khi người Miên theo lính Tây nổi lên phong trào “Cáp Duồn” (giết người Việt) ba và chú Năm bị bọ họ cột tréo tay lôi ra đồng với chiếc phản kéo ngay định chém. Rất may lúc đó ông Củ của tôi có người con tu Lục ở chùa xin với Lục Cả can thiệp kịp thời nên được chúng tha.
        Ông nội mất vài tháng sau đó vì cơn bạo bịnh. Cả xóm chùa ùn ùn sơ tán vì sợ bọn Miên giết hại. Ba má đành bán tuôn, bán tháo cửa tiệm, thu gom đồ đạc, gánh gồng chạy tản cư theo sự hướng dẫn và kêu gọi của Phong Trào Việt Minh về vùng “Giải Phóng”. Một số người chạy dạt lên Trà Vinh. Ba má chạy tuốt xuống Cồn Cù. Sau nầy ba cứ chặc lưỡi là đã lầm đường đưa gia đình vào nơi nguy hiểm, cơ cực. Má thì sao cũng được cứ tin nơi ba.
         Những năm tháng nơi đất Cồn, má vất vả hơn vì phải lo cho anh chúng tôi và lo kiếm sống hằng ngày ở chợ bằng nghề lăn bột chuối chiên. Ba thì mướn ghe xuôi ngược chở hàng mướn, có lúc chở muối từ Cồn Cù về Long Toàn hoặc xa hơn là Trà Vinh để bán và mua một số đồ bán cho lối xóm ở đất Cồn. Chuyện chèo chống từ vùng ngoài vào vùng trong rất nguy hiểm vì các nút chặn của bộ đội Việt Minh và các trạm kiểm soát của Lính Tây.
          Sau thời gian quân Nhựt Bổn thắng Pháp trong trận Thế Chiến, quân Pháp thúc thủ để cho quân Nhựt Bổn chiếm toàn Đông Dương. Khi Mỹ thả hai trái bom trên Trường Kỳ và Quảng Đảo, Nhựt đầu hàng Đồng Minh. Pháp trở lại Đông Dương. Lần nầy Pháp mở toàn lực ruồng bố phong trào Việt Minh. Cồn Cù dậy sóng. Máy bay đầm già quần bay ngày ngày trên các vùng như Cồn Cù, Cồn Ngao, Mé Láng…Cà nông từ Long Toàn thụt về Cồn ầm ầm mỗi đêm. Máy bay khu trục trút bom hằng ngày. Có khi lính Tây cùng lính khố xanh đổ bộ lên Cồn bắn giết mọi người dân ở đây. Mỗi lần như vậy bọn họ đốt phá nhà cửa tan hoang. Ba quyết định đưa gia đình trốn khỏi đất khổ để về thành tìm sống. Má lo thu xếp đồ đạc và cùng ba chèo chiếc tam bản với ba anh em chúng tôi trốn khỏi đất Cồn. Hồi đó Việt Minh không cho dân bỏ đi, mặc dù họ chẳng bảo vệ được ai. Cồn Cù cách Long Toàn không bao xa, nhưng vì phải vào các xẻo rạch và len lỏi tránh các chốt trạm bộ đội Việt Minh nên cả đêm mới ra đến một xẻo nhỏ gần chùa Miên. Chú Năm được ba liên lạc trước chờ đón ở đó và đưa gia đình tôi về ấp chợ Long Toàn. Lúc chạy loạn chú Năm, chú Sáu và bà nội ở đây. Ba vì nghe theo ông thầy dạy học lúc còn nhỏ khuyên nên về vùng giải phóng. Một điều lầm lẫn mà ba sau nầy cứ tiếc hùi hụi vì những người chạy lên Trà Vinh sinh sống trở nên giàu có. Má có cằn nhằn ba đôi chút nhưng với tính chịu nhẫn má ít khi cãi cọ với ba. Má chỉ lâm râm cầu Trời niệm Phật khi gặp nhiều vấn nạn. Anh em chúng tôi nằm trong vòng ôm của má, lùi trong bùn dưới đám bần và ô rô trong vùng trũng lầy khi máy bay khu trục vần bay trên đầu thả bom, nhả đạn vèo vèo. “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm bồ Tát Ma Ha Tát….” và nhiều nữa….. Anh em tôi thì thiếp ngủ dưới bùn ngập ngang mũi, quên nghe tiếng thét gào của bom đạn. Tôi như thuần thuộc những câu niệm của má. Hình như cho đến khi lớn lên đi vào đời, tôi cũng thường niệm những câu như má tôi thường đọc khi có một điều mong muốn nào…cả khi trong tình yêu cũng vậy.
      Má thường gội đầu bằng nước tro. Má dùng tro nhà bếp, bỏ vào thao nước ngâm một hồi lâu, chắt nước trong vào cái tô to. Má xõa búi tóc, khom lưng cuối gập người về phía trước cho tóc rủ hết xuống, một tay cầm cái tô nước trong màu hơi xẫm đổ từ từ vào  đỉnh đầu. Má dùng tay còn lại vò từ đỉnh đầu xuống dòng tóc. Sau khi đổ hết tô nước, má dùng cả hai tay vò chùm tóc rỏ nước. Cuối cùng má vói tay cầm cái cán chiếc gáo múc nước, múc từng gáo xối từ đỉnh đầu để rửa sạch nước tro gội. Sau nhiều lần xoa rửa và vuốt nước, má dùng cái khăn rằn tiếp tục vuốt cho dòng tóc tạm ráo. Sau cùng má đứng thẳng người lên, hất mớ tóc ra phía sau. Nước còn đọng trong tóc làm ướt vã lưng áo. Nắng buổi trưa hâm hấp nóng. Má bước vào mái hiên ngồi trên chiếc ghế đẩu. Má tiếp tục nghiêng đầu hong nắng cho khô tóc và dùng chiếc lược làm bằng sừng trâu chải cho tóc suông. Thường khi như vậy tóc bị tẻ hoặc bị đứt ra dính vào kẽ lược. Má dùng hai ngón tay kẹp vuốt ra mớ tóc rời và quấn lại từng chụm nhỏ. Trong căn nhà vách lá tôi thường thấy vài nơi có vài chụm tóc được má nhét vào kẽ vách. Đôi vì bận rộn má quấn vội mớ tóc, trùm chiếc khăn rằn quấn túm lại và tất bật với công việc nhà. Sau nầy có khi má dùng trái bồ kết nấu trong nồi nước cho sôi, để nguội, gạn nước trong để gội đầu. Suốt một thời tuổi nhỏ gần má, tôi quen mùi với mái tóc má như một cái gì thân thiết lắm. Sau nầy gia đình khá giả và sản phẩm xà bông gội được phổ biến. Má không còn gội đầu với nước tro hoặc trái bồ kết thường như trước đây nhưng đôi lúc má lại gội đầu theo lối cũ. Má nói: Gội bằng nước tro, hoặc trái bồ kết sạch hơn và không bị ngứa. Cho dù thế nào, tôi vẫn thoảng nhớ mùi hương từ mái tóc má mỗi lần có dịp ngồi gần má.
           Năm tháng dài trôi qua, từng đứa con ra đời. Than lửa hong từng đứa. Mái tóc má thưa dần qua chín đứa con. Má cùng ba cơ cực trong cửa tiệm bán vải. Mái tóc má thưa dần. Má dùng mớ tóc mượn để búi thêm vào tóc. Anh em chúng tôi lớn dần. Cho tới đứa em gái út của tôi vào trường học thì mớ tóc má tôi bạc đi nhiều cọng.
          Chiến tranh mỗi lúc mỗi hung hãn. Tôi vào lính, kế đến hai đứa em kế tôi cũng vào lính. Các em còn lại đứa vào Trung Học, đứa vào Đại Học. Má cùng ba tiếp tục những ngày tháng với công việc mua bán.
           Chiến tranh kết thúc. Tôi bị đi tù. Sản nghiệp của ba má dành dụm bấy lâu nay phút chốc đã tiêu tan. Tiệm bị đóng cửa niêm phong vài ngày rồi cho mở cửa lại bán với giá qui định của Nhà Nước “Cách Mạng”. Sau đó một ngày Nhà Nước “Cách mạng” đổi tiền. Ba má cầm $200 tiền đổi với đôi mắt khô trao tráo, không còn giọt nước mắt nào để chảy cho sự đau đớn đến tột cùng nầy! Các em tôi bước vào tương lai mù mịt! Tóc ba bạc trắng. Tóc má bạc trắng.
           Trong những ngày đi tù, khi gia đình có cơ hội đến thăm nuôi. Tôi nhìn hai đứa con vô tội đang trong tuổi ngây dại, nhìn vợ tôi buồn rầu, nhìn mái tóc má bạc thưa, nhìn đôi mắt quầng thâm mờ mây vì âu lo của má. Tôi nuốt dòng lệ chảy, rủ lòng tê dại đớn đau. Ôi cơ khổ nầy ai bày ra cho cả nhà tôi và cả miền Nam thắm thiết!?
          Sau ngày đi tù về, tôi là tên ngoại loại với cái xã hội thành kiến của bọn chiến thắng đang cầm quyền. Ba má thúc dục tôi và cả mấy đứa em tôi phải tìm đường vượt biên. Với một mớ vàng còn lại, ba má lo cho các em tôi lần lượt đi vượt biển bằng hai chuyến đi. Chúng gặp nhau ở đảo Galang Indonisia. Các em tôi gồm đứa em gái thứ năm, vợ chồng thằng thứ sáu, thằng em thứ tám và thằng em thứ chín vượt thoát được sang Úc. Tôi vì mới đi tù về nên rất sợ không dám đi. Ba tôi lo cho vợ con tôi đi mấy lần mà không có kết quả. Đến lượt tôi quyết ra đi vì bị bức hiếp và phân biệt đối xử quá ngộp hơi. Chuyến đi thất bại. Tôi bị bắt. Tôi bị đưa vào trại lao động cưỡng bách hơn một năm rời rã thân xác. Sau cùng tôi được ra đi với diện con lai. Miếng ván trên dòng nước xoáy. Tôi vớ được và bám vào nó. Tôi xuất cảnh.
        Nỗi mừng vui khôn tả vừa đến là theo sau tin má chết trong một tai nạn ở quê lúc tôi vừa nhận được giấy xuất cảnh. Tôi khóc thảm thiết vì sự ra đi bất ngờ của má. Lúc đó ba má và đứa em gái út thứ mười cũng được giấy xuất cảnh sang Úc đoàn tụ với mấy đứa em vượt biên năm 1979. Sau khi chôn cất má. Ba cùng đứa em gái út đáp phi cơ sang Úc.
        Ba sang Úc được gần một năm định cư. Vào tháng 2 sau Tết, mấy đứa em gọi điện thoại cho hay ba bị bạo bịnh. Ba mất sau cuộc giải phẫu gan chừng  hơn hai tuần sau đó. Tôi không đi sang Úc để nhìn ba lần cuối vì tôi mới vào đất Mỹ. Hai cái chết của ba má đều vắng tôi. Đó là lý do làm tôi xót xa và bị dằn vặt mãi khi nhớ đến ba má.
       Hơn mười năm tôi mới có dịp trở lại Việt Nam. Nhìn quanh quất căn nhà thân yêu, tôi mơ màng hình bóng ba má và các em tôi như còn thoảng đâu đây với khung giường, chiếc bàn, chiếc ghế…Tôi lần đi nhìn từng nơi. Tôi sờ từng chỗ. Căn nhà vắng lặng! Tôi ngồi khóc một mình. Con cắc kè ở ở đâu đó trong một góc nhà kêu “Cắc kè” ba tiếng. Tôi mơ hồ kêu: Ba má ơi!
         Chiếc tủ quần áo đặt kế khung giường ngủ của ba má ngày nào. Tôi mở cánh cửa nhìn vào. Một số quần áo cũ còn đó, mùi hương cũ phảng phất thoát ra. Tôi nhm mắt mơ màng da diết nhớ thương những ngày tháng đã qua! Kéo một ngăn kéo nhỏ trong tủ áo, tôi bắt gặp một gói vải mà lớp vải bao đã vàng ố. Đây là chiếc khăn tay của má gói một số giấy tờ căn cước, vài manh giấy ghi kinh Phật. Giữa hai thẻ qui y của ba má có lẫn một nhúm tóc bạc. Tôi nhớ có lần má nói với tôi là sẽ xuống tóc xuất gia. Tôi xin má: Má ơi! Con biết tính má rất lo lắng cho gia đình, má chưa dứt được mọi chuyện đời, xin má đừng xuất gia vội! Có lẽ má nghĩ lại và bỏ ý định xuống tóc xuất gia. Má để nhúm tóc nầy như một lời nguyền xuống tóc? Má tụng niệm kinh kệ hằng ngày, trường chay từ khi bà ngoại mất. Lúc đó má chỉ mới chừng hơn 45 tuổi. Má sẵn sàng giúp đỡ, phát chẩn cho người nghèo. Mỗi mùa Lễ Vu Lan má mua từng bao bố gạo để trước nhà phát cho các gia đình nghèo khó. Ở chùa thì má chi trả cho mọi chi phí chay đàn cho bá tánh thập phương đến chùa. Má sống rất đơn giản. Mớ quần áo của má trong chiếc giỏ mà đi đâu má cũng mang theo cứ lấy dần ra cho những người thiếu thốn. Ngày má mất, ba soạn cái giỏ đồ của má ra chỉ còn lại một bộ đồ duy nhất. Ba lắc đầu: Má con có nhiều đồ, bả cho hết...bây giờ chỉ còn có một bộ!”. Trước đây tôi cũng không để ý. Mỗi lần má tắm xong thay đồ sạch thì má đem giặt ngay bộ đồ dơ. Bây giờ nghe ba nói tôi mới vỡ lẽ!
         Tôi bốc ra những sợi tóc bạc ngày xưa của má để lên bàn tay. Tôi đưa bàn tay với nhúm tóc lên mũi. Tôi nhắm nghiền đôi mắt. Mùi hương thoảng nhẹ mơ hồ trong ảo giác. Tôi khóc òa lên như một đứa trẻ trong căn nhà cũ quạnh vắng buồn hiu!

HƯƠNG NHỚ
   
Thưở nhỏ hay nép mình bên má
Mỗi lần ba la mắng con hư
Vòng tay má đón con che chở
Những làn roi nhè nhẹ đánh nư

Hương tóc má thơm mùi bồ kết
Vừa mới gội còn thấm áo vai
Con khẽ liếc nhìn lên tóc má
Một vừng đen thẫm rẽ đường ngôi

Tóc má tháng ngày soi ánh nắng
Cơ cực nuôi con tóc úa màu
Những sợi hoe vàng đầu chót tóc
Từng mấy gian nan má gánh vào

Ba năm từng đứa con nối gót
Chín đứa bòn hơi sức má gầy
Hương tóc một mùi thơm bồ kết
Thấm hồn mỗi đứa một bầu thương

Con lớn vào đời làm lính trận
Xa má những năm tháng phiêu bồng
Mỗi bận có về thăm làng xóm
Con ghiền hương tóc má gần con

Rồi cuộc thăng trầm đau vận nước
Tù tội con đành gãy súng gươm!
Lưu đày rừng lạnh U Minh vắng
Lặn lội đường xa má đến thăm

Nhìn tóc mẹ giờ đầy đớm bạ
Đôi mắt má buồn thương nhớ con
Áp vào hương tóc con hỏi má
Má ơi! Hương tóc cũ không còn!

Những giọt mồ hôi đường xa đến
Hương nào xót mặn má tìm con
Vạt áo ướt đầy mồ hôi chảy
Hương bay chắc má lắm mỏi mòn

Má ơi! Giờ cách xa viễn xứ
Má về thiên cổ bóng hạc xa
Mộ lạnh bên kia bờ quê cũ
Bồi hồi con nhớ tóc hương xưa

                       ( Sacramento mùa Lễ Vu Lan năm 2011 )

No comments:

Post a Comment

Đoản Văn