TRONG NỖI RÃ RỜI
Cho Th/Úy
Cần, Bùi, Hữu,Lô,Hùng
và các bạn ở khu ngoại khoa 4
T.Y.V Cộng- Hòa năm 1967
Dòng nước
trôi lờ đờ và lặng lẽ. Màu nước đục đen ngòm. Hai bên bờ nước rút để lộ bãi
sình đen đầy rác rến đủ loại mắc víu vào các cột cừ làm sàn nhà. Trước đây các
cột cừ làm bằng gỗ tạp cây xiêu, cây vẹo lấn ra ngoài mặt sông
độ vài thước. Nhưng từ ngày có chiến tranh, người ta
đổ dồn về thành phố mỗi ngày mỗi đông. Các sàn nhà thi nhau bò thêm ra ngoài
sông. Dòng sông càng lúc càng bị thu hẹp dần.Và để chắc chắn hơn hầu chứa bà
con thân thích về sống chung đụn nhau càng lúc càng đông. Các cột đúc xi măng
được thay vào các cột gỗ làm trước đây. Hai dãy nhà hai bên dòng
sông có nơi như gần đâu đít vào nhau. Nước chảy luồn lẩn dưới chân người. Lấp xấp khi nước lớn và cạn quánh khi
nước rút. Một lúc nào đó rất mau, có lẽ dòng sông sẽ mất hẳn, bị lấp đầy. Một
nền móng mới sẽ úp chụp lên. Quá khứ về dòng sông chỉ còn là một chuyện kể.
Tú ngồi
mấp mé trên sàn gỗ, chân thả lỏng xuống bên ngoài. Một chiếc ghe gắn máy đuôi tôm vừa chạy qua. Chàng nhìn
dòng sông nước dạt đùa ra hai bên bờ. Có lúc chàng thấy mình như bị
lắc lư. Mùi hôi thối từ dòng sông hắc lên tanh tưởi. Chàng bỗng dưng thấy muốn nôn mửa, nhưng có cái gì đó chận cứng lại ở cổ. Bực bội. Khó chịu. Cái ứ đọng dồn trong
cơ thể như sự vướng mắc của cuộc đời. Tú bây giờ không lối thoát như vứt bỏ thừa thãi. Từ ngày bước ra khỏi T.Y.C Cộng Hòa
với đôi nạng gỗ. Bây giờ là thằng Tú tật nguyền, thằng vô tích sự, thằng báo đời. Tú muốn quay đầu trở vào nằm lại với
bè bạn trong trại. Ở đó chung quanh là bạn bè thương tật, là đồng bạn dừng chân chiến cuộc, là thời khắc nghỉ ngơi trong đau đớn
thân thể, là những nỗi buồn bã rã rời! Có những đứa quơ quơ cánh tay cụt, có
đứa ngúc ngoắc khúc chân cưa. Đứa ngồi nghiêng ngả, đứa thiêm thiếp hôn mê, đứa nhảy cò cò, đứa ngồi xe lăng. Đứa…Đứa…Tất cả
cùng hội ngộ trong bản hợp tấu bi thương cười nắc nẻ khóc vỡ trời. Thằng Cần hét lớn “Trời ơi đau
quá, cho tôi xin một phát súng…” Thằng Hữu đưa hai tay ôm chiếc đùi mím môi chịu đựng cho
y tá đổ thuốc rửa vào đầu thịt đã bung chỉ, khúc chân phía dưới từ bàn chân lên
tới gần đầu gối bị dập nát vì đạp mìn đã bị cắt rời thân thể nó từ hơn một tuần
nay.Từng giọt máu chảy thấm xuống miếng vải lót. Đôi mắt nó nhấm nghiền, đầu
thịt run run như khúc đuôi con thằn lằn bị đứt ra. Mồ hôi rịn ướt sau lưng. Thằng Hùng
vừa mới đẩy từ phòng mổ ra. Mặt tái
xanh, đôi mắt nhấm nghiền bởi thuốc mê chưa hết. Người yêu của nó vào thăm khóc
thút thít. Những giọt nước mắt lăn chảy nhẹ
nhàng. Tú chợt nghĩ không biết cô gái kia có phải khóc thật không? Mấy lúc gần
đây Tú đâm ra nghi ngờ mọi thứ. Bởi vậy tình cảm của chàng đâm ra hời hợt và lơ
đễnh. Thằng Bùi sinh viên năm thứ hai Văn Khoa bị động viên vào Thủ Đức. Ra
trường đổi về Sư Đoàn 21 Bộ Binh được hai tháng, đạp phải mìn của V.C ở Cà-Mau
bị cưa cụt hai chân gần tới háng, một tay gần tới nách, còn một tay lăn xe thơ thẩn ngoài hành lang. Nhân diện
hóa kiếp dị hình. Người yêu đến gặp một lần để rồi đi mất dạng. Bùi đã tự lăn mình cho rơi xuống đất mấy lần, nhưng chưa
chết được. Dần dần với lời khuyên của bạn bè. Nhất là má của Bùi khi vào thăm
thường nói với nó “Con ơi! bây giờ má tin
rằng con không phải đi lính nữa, con sẽ về ở bên má. Má sẽ lo cho con, con ơi!... .
Tú ngồi dựa lưng vào tường đưa cái chân cụt
lên nhìn. Mũi khâu đã sạch, vết thương đã lành. Có lẽ vài hôm Tú được đưa qua
khu chỉnh hỉnh để đo làm chân giả. Ôi đoạn chân của ta bị cắt đi và chắc bị vất
vào đống rác thối tha. Đoạn chân mà ta đã chạy trên đồng cùng bọn trẻ trong xóm.
Đoạn chân ta nhảy cò cò với đám con gái trong sân lúa. Đoạn chân đạp xe đi học
trên đường làng. Đoạn chân được mẹ cha ve vuốt tròng trành trong nôi. Đoạn chân
được mẹ đâm lá dăm bụt đắp mụn nhọt. Đoạn chân ngày xa mẹ đi vào đời với lời
dặn dò :“Ráng giữ gìn thân nơi xứ người
nghe con”. Má ơi! thân thể của con
ngày xưa mẹ cha ôm ấp, nâng niu. Mỗi khi trượt ngã, chỉ một vết nhỏ trầy ba má
cũng đã xót dạ xuýt xoa. Bây giờ thân
con đã thoát khỏi vòng tay ba má, đã đi vào đời, đã lăn vào cuộc chiến. Má luôn
cầu nguyện Trời Phật phò hộ cho con được bình an trong bước đường quân ngũ. Nhưng khi biết được con đã bị mất một
đoạn chân. Má nói trong lần đến thăm và
an ủi Tú: “May cho con tôi còn sống, mất
một đoạn chân không sao đâu con! biết bao nhiêu người chết mất xác! “Ôi nỗi
chịu đựng của má cũng như không biết bao nhiêu sự chịu đựng của muôn người mẹ
Việt Nam trong quê hương chiến tranh nầy. Tất cả cam lòng cúi mặt. Đến bao giờ
cho lòng mẹ “Bao la như biển Thái Bình”
được ôm các con của mình từ muôn chiến trường về.?!
Chiều
tối mà Hùng vẫn chưa tỉnh. Thằng Lô lăn xe đến bên giường Hùng đưa tay vào mũi
nó để xem nó còn thở không? Thằng Cần nói: “Nó cũng gần tỉnh rồi, ba lần mổ, chắc lần nầy đánh thuốc mê hơi nhiều”. Tú nói vói: “Chắc là vậy và chống gậy đi ra ngoài
hành lang. Buổi tối T.Y.V yên lặng, đèn vàng lù
mù buồn bã. Gió lạnh hơi se se da thịt.Có
tiếng chim cú kêu cú cú ở một ngọn cây nào đó nghe rợn người. Bùi ngồi trong
một khoảng tối của dãy hành lang hút thuốc. Một vài người đi thơ thẩn trên con
đường mù mù như những bóng ma . Tú đến gần Bùi và nói:
-Đêm ở
đây thảm như bãi tha ma.
-Bọn
mình là những bóng ma hiện hình
-Lúc
trước tao nghĩ nếu bị thương như thế nầy đành chết cho xong! Mày thấy đó tao
mấy lần muốn chết mà chết không được. Bây giờ...Bùi thở dài và nói tiếp: “Bây giờ thì thôi!”
Tôi thẫn
thờ:
-Chúng
ta còn ruột rà thân thích. Chết đâu
dễ?
-Đó là
nỗi đau đớn của chúng ta phải cắn răng chịu đựng trong hoàn cảnh buồn nầy.
-Chúng ta là kẻ báo đời
-Ừ là vậy!
- Chúng ta đang hít thở, nhưng đã
chết bên đời.
Bùi búng đoạn thuốc còn lại xuống mương nước. Buổi tối xuống đen ngòm với vài tiếng
dế kêu the thé ở đám cỏ, hình như có mùi hoa sứ thoang thoảng
đâu đây.? Trong yên lặng não lòng nầy bỗng ngân lên tiếng sáo trúc bản nhạc “Tiếng
Xưa” của Dương Thiệu Tước. Tú hát
khẽ theo: “Hoàng hôn, lá rơi bên thềm, hoàng hôn… tơi bời lá thu… sương mờ, ngậm ngùi sử xanh...bâng khuâng…tím loang bên thềm. Đâu bóng trăng xưa ..rặng liễu mơ
màng...phai tàn một thời liệt oanh…ai đó tri âm biết cùng?”.
Chị
Cưỡng đã về. Tú nghe tiếng chị nói chuyện
với bác Dốn ở phía trước nhà. Bác Dốn là người cùng quê với
Tú. Khoảng sau năm 60 chiến tranh bắt đầu lan
rộng. Du kích nổi lên khắp nơi. Các cuộc chạm trán giữa lính Quốc Gia và Việt Cộng ban
đầu ở xa xa, càng ngày càng sát làng Quận. Pháo binh được kéo về Quận hai
cây 105 ly bắn ì ầm. Bác Dốn bàn với ba Tú:
-Phải
đi à anh Hai. Ở đây có ngày chết không toàn
thây đa.
Ba Tú nói:
-Đi
đâu bây giờ anh nhà cửa, ruộng nương của mình bỏ lại cho ai coi đây, đi đâu
phải dễ đâu anh!
-Thời
buổi giặc giã hơi đâu mà lo giữ của, ráng giữ lấy cái thân, còn người thì còn
của mà anh hai.
-Đành
vậy rồi, nhưng vào thành biết làm gì ăn.
Mình quen làm ăn
với ruộng vườn rồi. Đi vào đó chắc chết đói!
-Người ta sống được mình sống được hơi đâu mà lo.
Ba Tú suy
nghĩ một hồi lâu rồi nói:
-Thôi
anh, tôi quyết định ở lại. Đánh nhau rồi cũng có lúc thôi chớ đánh nhau hoài sao?!
-Tôi
thấy cái điệu nầy chắc còn lâu lắm anh Hai. Nghe đâu Mỹ bắt đầu vô rồi
đó Ngoài Bắc thì có Trung Cộng và Liên Sô….Bác Dốn rầu rĩ tiếp : “Ôi cái ngữ giặc từ đâu đem tới rồi xúi tụi mình đánh với nhau”. Nói rồi bác lắc đầu ra vẻ ngao
ngán buồn rầu. So với ba Tú, bác Dốn theo dõi thời cuộc nhiều hơn, nên bác có vẻ rành rẽ. Ba Tú ngồi rê rê điếu thuốc và
nhìn ra ngoài cánh đồng lúa mênh mông.
Ít
tháng sau đó gia đình bác Dốn dọn về Quận ở, rồi khi chồng chị Cưỡng đi lính địa
phương quân bị tử trận. Sau khi chôn cất chồng xong,
chị theo người bà con lên Sài Gòn đi làm công cho tiệm bán hủ tiếu của một
người Tàu ở Chợ Lớn. Lần hồi bác Dốn và cả gia đình
cùng lên sống luôn ở Quận 6. Nhờ chắt mót, tằn tiện và có đươc vài cây vàng
tích lũy. Bác Dốn mua một căn nhà trong cái hẻm dài sâu bên trong, gần sát con
sông nhỏ.Sau nầy khi bị động viên đi lính, vào những ngày cuối tuần Tú thường
ghé nhà bác Dốn và ở lại đó. Bác rất thương Tú. Bác thường nói với Tú: “Cháu nên tự nhiên, bác xem cháu như là cháu ruột của bác. Đi đâu thì đi, hễ về
Sài gòn là cứ ghé nhà bác. Hồi ở dưới quê bác với ba cháu
coi nhau như anh em vậy. Ở trên nầy ồn ào, lạt lẽo lắm
không như ở dưới mình. Giặc giã bây giờ không chừa ở
đâu cả. Lên trên nầy tưởng được yên đâu dè
cũng ầm ì như ở dưới. Mìn nổ tùm lum, pháo kích tùm lum không biết đâu mà
tránh!Biết như vầy thà ở dưới đó”. Tú nghe bác than thở mà ngậm ngùi và nhớ làng quê vô cùng. Ôi đường về! Tú nhìn cái chân cụt của chàng và nghĩ
ngợi “Ta phải sống thế nào đây trong
những ngày tháng sắp tới?!”
Từ lúc có nhà riêng chị Cưỡng không còn đi phụ việc cho tiệm hủ tiếu nữa. Chị nấu chè gánh đi bán trong xóm. Chị nói làm nghề tự do thì có thì giờ
cho gia đình hơn và nhất là khỏi bị người ta la rầy. Công việc của chị là sáng
thức thật sớm nấu xôi gánh đến bán
trước một tiệm cà phê ở đầu con hẻm. Trưa
về nhà lo cơm nước cho gia đình và nấu một nồi chè cho buổi bán từ xế chiều đến
tối. Sau khi xếp gióng gánh vào một góc chị
nhìn Tú và hỏi:
-Hôm nay có chuyện gì mà trông Tú ngồi buồn hiu vậy?
-Ngồi ngoài nầy cho mát…và Tú ngập ngừng. Cưỡng cười và nói:
-Và
nhớ nhà chứ gì?
Tú gật đầu và nói:
-Ờ Tú đang nhớ nhà và nghĩ về
tương lai của mình. Với cái
thân tật nguyền nầy không biết rồi sẽ ra sao?! Và làm gì để sống?
-Tú
đừng buồn, mọi việc rồi cũng đâu vào đó. Hồi khi Cưỡng mới lên trên nầy, thấy
cũng khó khăn lắm, nhưng từ từ rồi mọi thứ cũng
xong. Trời sanh voi, sanh cỏ
mà Tú. Tú nhìn chị Cưỡng và thầm nghĩ chị là con người rất có nghị lực và rất
đơn giản. Chồng mới chết một thân một mình lên Sài Gòn sống. Hôm nay với tài
xoay sở của chị, cả nhà có cơ ngơi như thế nầy quả là đáng thán phục. Tuổi gần
30, nhưng trông thấy chị còn rất trẻ. Khuôn mặt chị lúc nào cũng ánh lên sự vui
tươi và đầy tự tin. Có lúc Tú
hỏi:
-Sao chị không tái giá?
Chị cười và lắc đầu:
-Ở
như vầy sướng hơn Tú ơi!
Tú nghĩ, tuy nói
vậy chứ Tú thấy trong chị chắc vẫn còn một nỗi ước ao thầm kín nào đó chị còn
trẻ và với sắc diện còn đầy mặn mòi, chị làm sao tránh khỏi những bướm ong. Chị đang chờ thôi!? Trong ý nghĩ đó vô tình Tú đăm đăm
nhìn chị. Cưỡng ngước mặt về hướng Tú. Thấy Tú nhìn mình, chị bẽn lẽn nói:
-Tú đói bụng chưa…? để Cưỡng dọn cơm cùng ăn cho
vui nha?
-Chưa đói lắm …nhưng ...tối rồi ..
Cưỡng đứng dậy và đi vào bếp. Cưỡng hỏi vói:
-Vài hôm nữa Tú về quê phải không? Cưỡng nghe ba nói.
-Chắc phải về thôi chị. Ở đây hoài làm phiền chị và bác nhiều quá rồi.
-Tú đừng nói vậy có gì mà phiền.
Chỗ quen biết chứ
xa lạ gì đó mà Tú ngại.
Cưỡng có vẻ buồn buồn vì câu nói của Tú. Có lẽ chị cũng
nhớ làng quê-với xóm nhà-với liếp cải vườn rau đã bỏ hoang trong lửa đạn. Cũng có thể chị nhớ nấm mồ của chồng chị ở đó bây giờ có
còn không hay đã bị bom đạn cày xới mất rồi? Từ cái máy
cassette của nhà bên cạnh vừa phát lên: “Người chết hai lần thịt da
nát tan”
Cưỡng ứa nước mắt “Anh ơi! Anh có chết
thêm một lần nữa không?Nhang khói nào đâu cho phần mộ bỏ hoang. Em bây giờ xa cách bên trời. Hồn anh
có đi tìm em không? Em hứa với lòng khi nào yên chiến tranh em sẽ về quê lo vun
đắp lại phần mộ cho anh. Sống ở giữa đô thành bon chen giả trá nhiều hơn chơn
chất nầy làm em sợ quá anh ơi!”
Sau
bữa cơm Tú lại ra phía sau ngồi hút thuốc và nhìn dòng sông về đêm
lấp lánh ánh đèn từ các ngôi nhà dọc theo hai bờ sông hắt xuống làm những khoảng
tối sáng không đều .Bên trong nhà sáng lòa. Bóng chị Cưỡng hắt lên vách, mái tóc dài của chị làm một vệt đen che lấp
khuôn mặt. Chị đang đứng quay lưng về phía Tú.
Ánh đèn làm thân hình chị lộ ra mờ ảo sau lớp áo mỏng những đường cong tuyệt đẹp.
Tú ngẩn ngơ nhìn chị không chớp mắt. Chị quay lại nói: “Về dưới ấy thỉmh
thoảng lên đây chơi nghe Tú?” Tú nói: “chắc là vậy”. Chị Cưỡng vói tay lấy cái
khăn và bộ đồ máng ở cái móc trên vách.
Chị đi vào buồng tắm gần đó.Tú nghe chị dội nước xào
xạc bên trong sau đó. Hình như Tú vừa trải qua một cơn cảm xúc nhẹ nhàng.
Đêm hôm
đó Tú nằm trằn trọc mãi đến quá nửa khuya. Một lúc nào đó Tú chìm đi trong giấc
ngủ say vùi. Chàng nằm mơ thấy chị Cưỡng cùng Tú về
quê trên chiếc xe đò. Khi xuống xe bác Dốn đi trước,
chị Cưỡng dắt tay Tú đi trên con đê cỏ mọc xanh rì. Hai bên đường là đồng lúa, có vài miếng ruộng đã trổ đòng
đòng. Chim bay lượn dập dìu. Gió mát thổi lồng lộng. Khi
vào tới xóm bà con chạy ra mừng đón rối rít. Tú bước vào căn nhà cũ của mình. Khi bước vào tới ngạch cửa Tú thấy bên trông hoàn toàn xa
lạ. Tú nhìn ra phía sau thì không thấy bác Dốn và chị Cưỡng nữa, hình như không
còn thấy ai hết. Mồ hôi rịn đầy áo. Tú quay quắt nhìn
mọi phía, chỉ còn trơ một mình. Tú bước lùi lại thì Tú không thể nào lùi được vì một màng
lưới đan dầy ở khắp phía. Lựu đạn giăng mắc đầy trên từng mắt lưới. Chàng hốt
hoảng chạy ra phía trước, cũng không được. Bây giờ màng lưới bao vây
khắp mọi nơi. Tú la cầu cứu “Ba má
ơi! bác Dốn ơi!chị Cưỡng ơi!. Chàng vụt thoát chạy, nhưng lựu đạn mắc dính quanh người,
tiếng nổ-ầm-ầm
vang lên. Chàng thấy tê cứng rã rời. Máu trong người chàng tuôn ra, chàng kiệt quị. Chàng la hốt hoảng…Chị Cưỡng vén mùng hỏi:Tú ơi! Tú ơi! Làm gì mà la dữ vậy. Tú vụt ôm chầm lấy chị. Vì không dè
trước, chị bị ngã chúi vào và nằm trong vòng tay của Tú. Chị Cưỡng ú ớ…Tú!..Tú ơi!..làm gì
vậy?… Đừng!… Đừng!... Cưỡng mềm nhũn nằm yên trong vòng tay cứng ngắc của
Tú. Một lúc lâu, chị thấy mình như muốn rã
rời ra từng mảnh. Đêm trở đời xuống mau trong những giọt tình ấm áp rót vào
thân.
*********************
Sài Gòn..Tháng..Năm 1971.
Các bạn
thương mến của tôi,
Nhân vật
Tú là một người nào đó lẫn lộn, chung đụng với chúng ta trong khung Bệnh viện. Tôi
đã sống những ngày buồn vui với các anh trong T.Y.V Cộng Hòa cũng với những
thương tích do cuộc chiến nầy gây ra. Cái may mắn của tôi là vẫn còn vẹn toàn khi
bước ra khỏi cổng Bệnh Viện. Từ ngày trở lại đơn vị đến nay, tôi có ý muốn ghi lại những hình ảnh kỷ niệm khắc sâu vào
tâm khảm tôi trong những ngày ở trại Ngoại Khoa 4, những người bạn khắp 4 vùng chiến thuật đã trở về đây với
thương tích trên xe Hồng Thập Tự hoặc trên từng chuyến trực thăng “Sơn màu tang trắng” nửa đêm khuya-hay
bình minh sớm- từ mọi chiến trường về đây.Tôi e sợ mình không đủ ngòi bút để
diễn tả cho đúng, cho đầy đủ ở cái khung của T.Y.V nầy. Tôi cố gắng ghi lại đây
như một nỗi nhớ, một kỷ niệm, có dịp chúng ta đọc lại để nhớ nhau. Chúng ta cũng như Tú đều ao uớc có
cuộc sống yên vui trong một đất nước thanh bình. Chúng ta ra đi chiến đấu cho cái ước vọng đó.Thế nhưng cho tới thân tàn ma
dại mà vẫn chưa đong đầy bụm tay hạnh
phúc. Chiến tranh càng lúc càng khốc
liệt hơn và bọn người ăn trên, ngồi cao vẫn ung dung nhàn hạ. Chỉ có riêng chúng ta, những người trẻ bị cuốn hút
vào chiến tranh. Chúng ta không có quyền chọn lựa!
Trong những ngày trốn cái không khí
buồn bã trong bệnh viện. Chúng ta đi ra phố với chiếc xe lăn, với đôi nạng gỗ, với
khúc bột quấn trên thân, trên tay, trên chân. Chúng ta mới thấy được nỗi lạc loài khủng
khiếp. Tôi còn nhớ đêm Noel-chúng ta lẫn lộn với đám người thành phố. Họ đi đứng hí hửng vô tâm. Chúng ta âm thầm đi bên họ như những hình nhân xa lạ. Hùng chửi thề, Lô hát nghêu ngao, Bùi ngồi trên xe lăng im lắng, Hữu khổ sở
cò cò với cặp nạng khua lộp cộp. Tôi cố đẫy một lúc hai chiếc xe lăn. Có ai ngó
ngàng đến chúng ta đâu!. Những ngày
ở trong bệnh viện chúng ta cố vui để khỏa lấp cơn buồn. Những giọng ca của các em gái như Liên
dịu dàng tha thiết, của Ánh mật ngọt êm đềm, của
Thu bùi ngùi da diết, của…của những người em tinh
thần cứ mỗi chúa nhựt vào hát ở đầu giường. Xin có lời
cám ơn các em có trái tim tình người. Xin nhớ bạn bè đã có những ngày qua
thương cảm vô cùng!.
( Sài
Gòn mùa hè năm 1971)
No comments:
Post a Comment