Translate

Tuesday, October 4, 2016

TREO NGANG THÁC LŨ



TREO NGANG THÁC LŨ


1-          Nắng buổi trưa gay gắt dội xuống mái tôn hừng hực. Vũ thức giấc trong một trạng thái mệt mỏi đến như đờ đẫn. Đôi mắt nặng trịch chàng muốn mở ra nhưng cứ bị trì hoãn khó khăn. Một vài tiếng động rời rạc và khô khan.Thật khó chịu! Chàng chửi thề một câu nhỏ. Xoay người lại. Mồ hôi dưới lưng ướt láp nháp như bị trét mỡ. Chiếc ghế bố nhà binh kêu kèn kẹt theo cái chuyển mình của chàng. Gió bên ngoài thổi tạt vào làm chiếc Poncho dùng để che nắng khua nghe phành phạch.Vũ thấy hơi dễ chịu và thíp đi  như mê. Đến khi chợp mắt thì trời đã xế chiều.  Ánh nắng tạt vào nhà. Chàng cảm thấy đôi mắt nằng nặng và hơi nhức. Vũ chớp mắt mấy cái nghe như cay cay, rồi đứng dậy đi ra ngoài, lại gần phi nước, một tay cầm cái ca múc nước, một tay vốc nước úp vào mặt, xoa vào cổ. Một cảm giác nhẹ bổng lâng lâng chạy rần từ cổ xuống lưng và dừng lại ở đó. Vũ uốn người về phía sau một cách khoái trá. Trên bầu trời những áng mây thật mỏng trôi lênh đênh, thỉnh thoảng một vài nơi trộn màu tạp lục. Trong cái bao la của bầu trời, trong cái rời rạc của buổi chiều, Vũ thấy mình như những áng mây trôi lạc lõng trên cao, cũng giống như miếng gỗ lập lờ trên sông. Nước lên xuống như muốn rã tan, như muốn chìm nghỉm xuống lòng sông, đáy nước. Bùn lầy sẽ chôn lấp trong im lìm. Nỗi mệt mỏi và chán chường làm cay đôi mắt, làm khô cứng cổ họng. Chàng thấy mình cô độc trong một thứ hạnh phúc bất chợt đến, tạm bợ chờ tung cánh bay đi. Bao lâu rồi chàng sống trong ngoi ngóp buồn rầu nầy? Vũ thấy như tức giận một cái gì đó mơ hồ không rõ. Chàng muốn xô đẩy, đạp đổ và bương chạy đến bất cứ một dấn thân nào đó, miễn sao thoát khỏi cái căn phần phiền muộn nầy.

           Đang mơ ước đầy trong hồn phơi phới. Đường trước mặt rộng mở tương lai, khi chàng vừa đậu xong Trung Học. Bước chân chưa được đặt trên ngạch cửa trường Đại Học thì chiến tranh ập tới dữ dội. Bạn bè lần lượt bỏ sách vở đi vào quân trường theo lệnh động viên từng phần. Má chàng nói: Con nên chọn một cái nghề nào đó may ra được hoãn dịch hoặc được vào chuyên môn khi đi lính. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chàng thi vào trường  D.T Quốc Gia. Cái nghề chuyên môn có thể vào ngành Quân Y sau nầy và ít nhứt làm cho má vui lòng. Má thường nói má thích cái màu áo trắng của các cô y tá trong bịnh viện. Khi nhận giấy báo đậu, chàng dửng dưng. Trường gởi giấy báo hai lần chàng mới vào ghi danh. Ra trường sau hai năm học chàng  được phân phối nhiệm sở về Ty Y Tế Côn-Sơn. Chàng lại phân vân. Có đi ra chỗ ấy không? Tuổi còn trẻ mà chịu giam mình ở nơi cái ốc đảo tù đó sao? Má chàng lại dục: Cứ đi đi con.!.Và chàng xách chiếc va ly với mấy bộ đồ ra phi trường Tân Sơn Nhứt trong khu vực quân sự, leo lên chiếc phi cơ Caribu bay ra hải đảo.
            Bốn mươi lăm phút bay. Chiếc phi cơ bay vào vùng đảo. Trên không nhìn xuống thấy mấy hòn đảo chơ vơ giữa bốn bề sóng vỗ. Chàng nghĩ ngợi “Ôi! sao mà cô quạnh quá, bốn bề biển là biển…”. Từ những đốm chấm nho nhỏ  khi phi cơ còn bay vòng ở độ cao và hiện dần to hơn. Chàng thấy biển sóng vỗ trắng ở một góc núi khi máy bay chao nghiêng. Cuối cùng bánh máy bay chạy lùng bùng trên bãi đáp. Mọi người lục đục bước xuống, đa số là những quân nhân Hoa Kỳ, chỉ độ mươi người Việt Nam. Tôi nói chuyện với người ngồi bên cạnh, anh cho biết trên chuyến bay nầy đa số người Việt nằm trong phái đoàn của bà nghị viên Kiều-Mộng-Thu ra ủy lạo binh lính đồn trú ngoài nầy.Thì ra chuyến đi ấy của bà Thu là vận đông cho cuộc tranh cử của bà vào chức dân biểu sắp tới!.
                Khác với bốn mươi lăm phút trước đây còn ở Sài Gòn. Chàng nghe ầm ầm tiếng phản lực cơ trên không, tiếng ì ầm của bom đạn và bao nỗi lo sợ dồn dập xung quanh. Chiến tranh không có ở đây. Một nơi yên bình thật sự trong một đất nước đang có chiến tranh. Chàng nghĩ: Cám ơn má đã dục con đến đây!
               Bước ra khỏi lòng phi cơ, chàng thấy trước mắt là một vùng đồi núi bao quanh. Không khí yên lặng mênh mông, chỉ nghe sóng vỗ ì ào phía sau lưng. Chàng quay nhìn phía sau lưng mình. Một vùng biển xanh với hàng thông xanh dọc theo bờ. Cái yên bình tưởng như xa vắng ở một cõi nào không có thực.? Chàng đứng trên vỉ sắt làm đường bay. Phía trước mặt hàng chữ Phi trường Cỏ Óng to vắt ngang trên một dãy trại. Đó là những căn trại của các quân nhân Mỹ đồn trú ở đây. Những căn nhà ở đây là loại nhà tiền chế. Chàng thấy mấy chiếc xe nhà binh chở các quân nhân Mỹ chạy về hướng ấy. Chàng đứng tách xa phái đoàn của bà Thu. Người rước phái đoàn là một viên Thiếu Úy. Người liên lạc viên nói: “xe đang trên đường từ Côn Sơn ra đón  quí vị trong  vài phút nữa”. Chàng nhìn viên Thiếu Úy, nhưng hình như ông nầy chẳng để ý đến chàng bởi lẽ chàng đứng tách rời phái đoàn. Chàng thực sự thấy mình lạc lõng. Chàng định bước tới hỏi viên Thiếu Úy về phần chàng không nằm trong phái đoàn thì ai rước chàng? Nhưng thôi!  Chàng nhìn quanh quất. Cái không khí yên bình nầy hình như rất lâu và rất mơ hồ ở một khoảng nào đó trong đời chàng.
          Giã từ hải đảo, lìa bỏ miền biển gió, chấm ngang một khoảng đời công chức, khi chàng nhận cái giấy báo nhập ngũ và bước vào lòng phi cơ quân sự để trở về đất liền. Gần một năm chàng ngủ quên trong biển gió ngàn khơi. Chiều chiều nằm bên bờ đá nghe sống vỗ chập chùng. Chàng chợt lo sợ miên man khi cầm tờ giấy báo, chàng muốn nhầu nát nó trong tay, liệng nó xuống biển cho nó trôi và mất đi trong sóng vỗ. Nó đánh thức nỗi ám ảnh sự sợ hãi khốc liệt của chiến tranh mà chàng sẽ tham dự vào!. Trước ngày nhận giấy báo nhập ngũ, chàng cũng nhận đươc cái thư của Ngọc người bạn thân lúc còn học ở trường D.T cho hay Diễm đã lấy chồng. Hồi đó nàng nói sẽ chờ, khi nào chàng nói thôi yêu nàng thì lúc đó sẽ tính. Nhưng nàng đã làm cái việc bỏ chàng khi chàng chưa nói cái câu đó! Chàng mất Diễm từ đây, mất mối tình tràn đầy hạnh phúc trong những ngày học ở trường D.T. Mất những kỷ niệm dấu yêu trên từng viên gạch sân trường. Mất dấu những buổi đi chơi ngoài phố Sài Gòn. Mất dấu những nụ hôn nồng cháy. Mất cái ran nóng của hai cơ thể quấn quít yêu thương. Chàng sẽ lăn lóc vào cuộc chiến. Chàng sẽ mất hết mọi bình yên từ đây!

 2.      -  Trời tối quá! Em đốt đèn nghe anh.?
            -Cứ để vậy đi em, bên ngoài trời còn sáng mà. Anh thích nhìn em trong bóng mờ ảo nầy. Em cho anh hôn đi! Quay mặt lại em!. Im lặng-chơi vơi-cổ họng ngọt mát như ăn đường phèn-lênh đênh-đảo lộn. Đôi chân nhón cao. Nàng nhón thật cao. Co quấp ôm chặt lấy chàng.
           -Nhưng buông em ra đi. Em muốn ngộp thở nè. Để em đi đốt đèn. Nàng nhắc chàng một lần nữa .
          -Thôi em, anh không thích mấy cặp mắt của mấy thằng lính kế bên luôn nhìn trộm qua kẽ hở. Em thấy đó...chàng chỉ cho nàng mấy cái khe của vách lá. Mình vào nằm trên giường đi. Bộ em muốn đứng hoài ở đây sao?.Chàng bế nàng và đặt nàng trong tư thế nằm ngửa người. Trong ánh sáng mờ nhạt của căn phòng, với mái tóc ngắn che một bên gương mặt trong nàng như một bức tranh. Hình như bức tranh cô gái ngủ trưa của một nhiếp ảnh gia nào đó mà chàng có dịp nhìn qua. Chàng nằm xuống cạnh nàng và hỏi:
             -Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi?.
             -Em mười sáu.
             -Em còn nhỏ quá! Anh cứ tưởng...Chàng dừng lại ở đó.
               -Mười sáu mà nhỏ à? Các bạn anh nhìn em như muốn nuốt tươi đó! Thân thể em đây nè. Đôi môi em đây nè, và cả tâm hồn em nữa. Nhỏ chỗ nào? Anh vẫn ôm em và hôn em mà. Các anh không dám sống. Các anh than thở cô đơn. Các anh đạo đức giả. Em hỏi thiệt, anh có yêu em không.? Chúng ta đã có bao nhiêu lần ân ái. Em là người lớn. Anh hiểu không?. Nàng khóc thúc thít. Chàng ôm nàng và nói:
                - Không phải ….anh xin lỗi đã làm em khóc. Nàng lấy tay chùi nước mắt và hỏi  tỉnh queo:
               - Ủa sao hôm nay lại hỏi tuổi em chi vậy?
               - Má anh viết thư bảo anh cưới vợ.
               - Anh tính sao? Chắc má anh hỏi cưới cho anh người nào đó rồi phải không?
               -Chưa.
               -Anh có định cưới em không?
          Chàng không trả lời và nhìn đăm đăm lên khoảng đêm mờ .
               -Chắc chờ vài năm cho em đủ mười tám.
        Nàng sung sướng ôm chàng. Hình như có vài giọt nước mắt, chàng hôn nàng nghe mằn mặn trên môi. Chàng nuốt vào lòng nỗi sung sướng của người con gái mà chàng nghĩ nàng thương yêu chàng một cách thực tình. Nàng đã dâng hiến cho chàng một cách tự nguyện cái trinh nguyên của đời con gái. Nàng chợt nói:
                  -Em sung sướng quá, chúng mình sẽ là vợ chồng, em sẽ là vợ của anh. Em sẽ đẻ cho anh một bầy con.
        Chàng mơ màng: “ Chúng mình sẽ có một căn nhà nhỏ xinh xinh. Chung quanh là vườn cây ăn trái. Anh sẽ hôn em vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm. Mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều anh đi qua những cánh đồng nhìn người nông dân cày cấy yên vui. Đời sống thanh bình êm ả. Anh là thầy giáo. Anh bước vào lớp học. Bọn học trò hô nghiêm và đứng dậy chào thầy. Anh bảo tụi nó ngồi xuống và bắt đầu giảng bài học lịch sử…chàng ngừng. Nàng dục: Rồi sao nữa anh nói tiếp đi…anh kỳ ghê, lại sờ soạng em, lúc nào anh cũng tham lam…Rồi tụi mình có con. Anh dạy cho chúng nó biết yêu quê hương, yêu đồng bào ruột thịt, thương những người nghèo khổ, những người tàn phế, cụt tay, cụt chân đang lê la kiếm sống bằng mọi cách trong một quê hương thanh bình. Họ là những người đã một thời dâng hiến cuộc đời cho quê hương. Họ đã hy sinh một đời trai trẻ để cho nó có cuộc sống yên lành. Anh sẽ dạy nó yêu đất, vì ở dưới đó là thịt, là xương máu của hàng hàng, lớp lớp người nằm xuống để gìn giữ quê hương…và nhiều thứ nữa… để cho có ngày yên bình. Chàng thở nhẹ: Thôi kể ngang đây đủ rồi. Nàng trườn người lên chàng. Hai thân thể nóng rực trong hôn mê ái ân hạnh phúc!
              Có tiếng súng nổ một loạt dòn tan nghe như ở xa xa. Một vài người lính trong trại binh la. “Ê-coi chừng tụi nó pháo kích!”  Chàng nằm yên. Nàng nhổm người ngồi dậy. Chàng hỏi: Em sợ à?…ờ.. ờ em sợ một chút thôi. Tối quá rồi, thôi em về nghe anh?. Nàng bước xuống giường tìm đôi dép, rồi đến hôn môi chàng. Thôi em về!.Mai anh không đi hành quân em sẽ vào thăm anh nữa. Chàng không trả lời. Chàng nằm yên. Nàng ra về. Ngoài trời tối đen như mực.
                            
3-      Mình đến anh dũng bốn chưa thẩm quyền, bộ chỉ huy gọi. Vũ đứng một chân trên bờ thấp, một chân dưới ruộng, đưa tay vào ngực lôi tấm bản đồ hành quân trải trên chân. Mầy báo còn hơn 200 mét nữa..Tiếng máy PC. 25 kêu rè rè
                -Phụng Hiệp đây Phụng Hiệp 1 gọi -trả lời.
                -Phụng Hiệp nghe-một nói đi.
                -Còn hai trăm đồng-trả lời.
                -Cẩn thận đội hình-chiếm mục tiêu-hết.
                -Đáp nhận.
       Người hiệu thính viên bước đến bên Vũ. Vũ bảo: Mầy báo cho tụi nó biết, phía trước có “Chuột” sẵn sàng chiếm mục tiêu. Vũ thường nói như vậy để bọn lính cẩn thận hơn. Mặc dù trên đuờng hành quân có trăm ngàn hiểm nguy đang chờ sẵn, nhưng đám lính cứ tỉnh bơ coi thường. Một hầm chông cắm phập vào người. Một quả lựu đạn gài, nổ tung banh xác. Những viên đạn bắn sẻ cắc cùm, vài mạng người nằm xuống . Còn trăm nỗi chết chực chờ, nhưng họ quen coi thường những trắc trở chết người đó. Họ chụm đầu nhau nói chuyện. Họ binh xập xám khi đang đi và chửi rủa ăn thua khi ngồi lại trên đường dừng quân. Họ vác súng như đi dạo đường phố. Vũ quát tháo họ phải đi thưa ra trong đội hình. Nhưng vẫn vậy. Họ chai lì trước nỗi chết!
        Người hiệu thính viên ngồi khuất dưới đám cây trăm bầu. Vũ nói:  mầy báo đã đến Anh-Dũng 4. Ra lịnh cho tụi nó kiểm soát, tìm hầm hố, bố trí và vá bao tử. Mồ hôi chảy dài sau lưng áo và từ bên trong chiếc nón sắt rơi vã xuống mặt. Chàng lấy chiếc khăn tay  từ túi quần nhà binh ra lau mặt. Mùi khen khét, chua chua của những giọt mồ hôi làm chàng hơi khó thở. Bây giờ tháng mấy rồi nhỉ?.. Ờ mùa hạ đang về. Mấy con ve sầu kêu rang trên hàng cây trăm bầu. Ngày tháng bây giờ đến rồi đi như vô tâm. Chàng lao vào cuộc chiến không ngừng nghỉ sau trận Tết Mậu Thân. Ngày vừa mới ra trường Thủ Đức. Ngày giáp mặt thực sự với súng nổ ngang thân. Ngày chàng bò trườn dưới lằn đạn tung bụi mịt mù. Ngày chàng chẳng biết phải làm gì khi giáp trận. Ngày Trung Sĩ Sáng la to: Chạy nhanh, nó thấy Chuẩn Úy đó. Chàng đứng dậy chạy tõm xuống cái mương gần chỗ anh Trung Sĩ. Thực sự lúc nầy tâm trí chàng bị hoảng loạn không còn bình tĩnh để điều động đội hình. Chàng là Trung Đội Trưởng sữa mới ra trường. Tất cả mọi việc lên máy liên lạc với bộ chỉ huy Đại Đội nhất nhất do Trung Sĩ Sáng làm hết. Chàng bối rối, chàng mất hết tâm thần. Lần đầu ra trận…!
           Cũng nhờ Vòng-A-Sáng chỉ dẫn từng bước cùng các tiểu xảo chỉ huy, chàng lấy được phong độ sau đó trong vài tháng hành quân.Và cũng lúc ấy chàng phải vuốt mắt giã từ người chiến binh gan dạ, sành sỏi chiến trường trong một cuộc hành quân giải tỏa đồn.
         Vũ Nhìn con đường vừa đi qua loáng thoáng nắng.Vùng đồng khô mù mịt im lìm. Vũ cúi xuống gỡ từng bông cỏ mai ghim vào ống quần và đôi giày bố vàng ố. Với cái không gian im vắng, với tiếng ve sầu kêu vang vang làm Vũ nhớ lại một thời nào đó tuổi thơ như mới gần đây thôi. Bây giờ chàng lớn lên lại bị đưa vào cuộc chiến. Chàng làm được gì đây khi vận mạng của mình nằm trong tay người khác. Mệnh lệnh! Mệnh lệnh! Chàng phải tuân thủ di quân từng ngày trong cam go, chết chóc. Chàng phải cố gắng! Cố gắng để sống còn. Chàng phải chiến đấu! phải bắn về kẻ thù trước mặt.
 4-      Binh 1 Tưởng đứng trước một căn nhà gọi réo: Chuẩn Úy ơi! Ăn cơm. Tôi mệt mỏi đứng dậy đi về hướng căn nhà.  Ăn cơm xong tôi ra ngồi ngồi trước hiên nhà, đặt bản đồ hành quân xem lại hướng mục tiêu sắp tới. Hạ Sĩ Bỉ đi từ hướng căn nhà cách chỗ Vũ ngồi một vuông đất. Hắn bước gần bên Vũ và nói: Nhà bên kia chỉ có một bà già, bà ta ra chiều tử tế và trong cách của bà , em nghi quá Chuẩn Úy. Em nói tụi nó xem xét kỹ, nhưng chưa thấy gì. Vũ đứng dậy và đi về hướng căn nhà kia.Trong khi đi Hạ Sĩ Bỉ nói:  Em hỏi chồng bà đâu thì bà  ta nói chồng bà chết, con bà đâu thì nói không có. Em thấy cái nồi cơm tổ cha còn nóng, ở một mình….em nghi ….Đang đi gần tới nhà, thì  Vũ nghe súng nổ nhiều loạt, tiếp theo là một tiếng nổ lớn. Hạ Sĩ Bỉ nói chắc tìm được hầm rồi. Vũ gọi người mang máy và chạy nhanh về hướng căn nhà.
       Đám lính cũng đã chạy túa bao quanh căn nhà. Một anh lính chạy từ trong căn nhà ra nói:
           - Thẩm quyền ơi có hầm…nhưng thằng Đỡm bị rồi!
           - Thế nào?
           - Thằng Đỡm chui vô hầm bị tụi nó bắn. Em bò tới tung lựu đạn mới yên.
           - Tụi bây dễ ngươi. Sao ngu vậy?
           -Cũng tại bà già nầy hết….mà nó bắn một loạt đạn rồi mới thò đầu nhìn vào…Tại cái bà nầy. Binh Hai sấn lại định đánh bà lão đang đứng gần đó. Bà lão ôm mặt khóc nức nở. Vũ cản tay hắn và hỏi:
        -  Có đứa nào lục bên trong chưa?
       Trong lúc đó binh 1 Tám đưa lên một khẩu AK, hắn bò ra ngoài và nói nát bấy hết ở dưới ấy. Chắc ba bốn tên gì đó. Vũ bước tới bà lão và quát to :  
       - Tại sao bà chứa chấp Việt-Cộng?
Bà lão khóc rống lên thảm thiết: Tụi nó là con cháu của tôi mà ông ơi….!!!!!          
                                                            Tân Hiêp
                                                         (Bến Tranh năm 1969)


No comments:

Post a Comment

Đoản Văn