Translate

Monday, October 3, 2016

SÀI GÒN NÓNG



SÀI GÒN NÓNG

               Hơn 20 năm xa quê, tôi ít khi trở về Việt Nam trừ khi có việc cần về thì mới thu xếp về. Vợ tôi vì có nhu cầu với nhiều lý do gia đình như mẹ vợ tôi đau, chị hoặc anh tôi đau hay cưới hỏi…Bà ấy về Việt Nam cứ như cách năm. Mấy lần đầu thì kệ nệ nhiều thứ. Sau nhiều lần thì vợ tôi nói : “Mang về Việt Nam nhiều thứ làm chi cho mệt, ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng có, chỉ cần mang tiền về thì khỏi lo kệ nệ cho mệt xác …còn bị các Ông Hải Quan kèo kọ đòi tiền lót trong các Passport mới yên thân”.
            Năm nầy tôi được báo tin sắp có đám cưới đứa cháu kêu tôi bằng bác. Tôi muốn về, luôn thể xem lại khu nghĩa trang  gia đình mà em gái tôi về lo xây sửa xong năm vừa qua, coi có cần bổ túc thêm gì không? Tôi nói với vợ tôi: “Năm nầy chắc tôi phải về một chuyến…lâu quá không về …về dự lễ cưới trước Tết vài ngày và sau đó ăn Tết tại quê nhà thử một năm xem sao. Từ ngày xa xứ tới giờ có hơn hai mươi mấy năm chưa có lần ăn Tết ở Việt Nam….vả lại anh em bà con cũng già yếu hết rồi, thăm nhau một chuyến nầy …chắc gì chuyến tới còn đủ mặt. Dịp đám cưới họ hàng qui tụ lại,  khỏi phải đi thăm hỏi từng nhà…”. Bà ấy làm thinh không nói gì…nhưng tôi đoán ý bà ấy cũng muốn về với tôi. Thường các bà kháo với nhau: “Đừng để các Ông về Việt Nam một mình…?” Tôi nghĩ vì dự đám cưới đứa cháu nên về có đôi hay hơn và có bà ấy theo thì chắc bà ấy yên tâm hơn. Tôi gợi ý: “Bà có muốn về với tôi không? Vợ tôi nhoẻn miệng cười…”Tôi chờ ông hỏi đó...!”

            Thế là chúng tôi chuẩn bị cho chuyến về Việt Nam. Từ đây đến lúc về còn hơn 6 tháng.Tôi lên Net mua vé. Làm chương trình xin nghỉ phép dài hạn ở chỗ làm. Bà xã tôi mua từ từ các món cần thiết? Cho tới vài ngày trước ngày khởi hành. Bốn cái Vali gởi đầy nhóc. Cân đi cân lại quá tải…Muốn thêm cái nầy, muốn bớt cái kia…Cái nào thấy cũng cần hết. Vợ tôi kệ nệ nào là xà bông tắm, nào là thuốc bổ…
         Tôi vừa cân kéo nhọc nhằn vừa nói:
              -Bà nói không cần mua đồ….thế mà…vẫn đầy ra đó.
Vợ tôi cười:
             -Chỉ là các món cần thiết…! Xà bông ở Việt nam không thơm, thuốc ở Việt Nam thường làm giả…?!
Mồ hôi mồ kê ra ướt áo bởi phải cân kéo lên, bỏ xuống 4 cái vali nặng nề. Bà xã tôi cẩn thận:
            -Phải cân kỹ cho đủ 25 ký, coi chừng dư... bị phạt uổng tiền lắm đó!
         Tôi lục đục cân đo. Cuối cùng tôi đẩy bốn chiếc 4 vali nặng trịch qua một bên. Tôi bật ra giường nằm thở dóc…Ôi! Tội nghiệp cái lưng già của tôi nó đau nhói. Con mắt tôi nhìn lên trần nhà thấy đơm đớm sao bay!!! Vợ tôi nói: “Anh mệt hả…cứ nằm nghỉ đi…mà anh xem kỹ… cân đủ chưa vậy…?”. Tôi nằm làm thinh!
           Mùa đông mới tới, thời tiết lạnh căm căm. Mây ngoài bầu trời như chì nặng xám.Tôi nhìn bầu trời loe loé vài vệt nắng vàng…vài cánh chim bay về phương trời xa tít. Tôi mơ màng một ngày về quê ăn Tết…Những ngày Tết năm xưa…Ôi vui thật là vui…!

          Chiếc máy bay hạ dần độ thấp…Tiếp viên Hàng Không nhắc nhở mọi người cài thắt dây an toàn. Tôi nhìn ra qua khung cửa sổ máy bay. Một vùng mây đục xám. Bây giờ chiếc máy bay đang ở trên không phận Việt Nam. Trời chập tối. Máy bay hạ dần. Tôi nghe ù ù trong lỗ tai…Một vài cơn xốc nhẹ…Máy bay nghiêng cánh. Tôi thấy nhiều ánh đèn lấp loé phía dưới. Tôi sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt.. Tôi thực sự đặt chân xuống quê mình trong vài phút tới… Đèn phía dưới rực sáng hơn. Tôi thấy những con đường lớn với hàng dài xe đủ loại như đàn kiến đang bò nhanh phía dưới… Sân bay hiện ra. Những ụ đất ngày xưa làm phòng tuyến an ninh còn rải rác…những bãi cỏ lém nắng vàng còn nhấp nhô lên những mảnh vụn của một thanh sắt rỉ hoặc một phần nhỏ của một bộ phận nào đó của một chiếc xe GMC nhà binh. Đã 38 năm…chiến tranh đã dường như bị quên lãng. Nhưng dấu vết chiến tranh vẫn còn đâu đó quanh đây. Còn trong đầu tôi…còn trong đầu của người chiến thắng... Chiến tranh bao giờ thực sự được quên trong đất nước và con người Việt Nam.
               Chiếc máy bay chạy dần về phía chỗ đậu. Chiếc máy bay tắt hẳn động cơ. Một sự im lặng mơ hồ trong lồng phi cơ. Tôi lần lượt đi theo mọi người ra ngoài. Vừa ra khỏi lồng phi cơ, cái nóng ùa chụp phả vào người…tôi vội cởi bỏ thêm áo, mặc dù tôi đã bỏ đi chiếc áo khoác trước đó vài phút…
               Đứng xếp hàng chờ Hải Quan kiểm soát. Tôi nhìn vào các khung chờ. Các nhân viên Hải Quan với gương mặt lầm lì…đôi lúc nhìn lên xoi mói một vài người nào đó. Tôi có cái cảm giác mình bắt đầu đi vào cửa của một vùng trấn áp…Trấn áp từ mọi phía…! Cơn nóng bức làm tôi rịn ướt mồ hôi sau lưng…Tôi mơ hồ lo sợ một điều gì đó không rõ lý do có thể đến với mình. Một tên lính “Ngụy” về nước…
               Đến lượt tôi bước đến Khu Vực Trình Xét. Tôi đưa passport…Tên Hải Quan nhìn tôi sau khi mở passport…Tôi đoán mò chắc hắn không thấy tôi lót tiền trong ấy chăng? Một phút trôi qua, hắn áp sổ thông hành của tôi lên khung máy…hai phút trôi qua…Tôi bình tĩnh nhìn vu vơ vào khung máy…Hắn ngả lưng ra ghế và nói với tôi: “Anh chờ tí nhé, Cái máy hôm nay quét chậm quá…”
              Vợ tôi nhìn tôi lo lắng…Một vài chị trọng tuổi người miền Nam xếp hàng kế bên nói nhạo giọng Bắc: “Các Anh ơi! Em chờ các anh gọi em tới mà sao các anh chẳng gọi em… thế lầy là thế lào…”. Vài viên Hải Quan ngước lên nhìn chị và cười. Cái không khí nằng nặng dường như trôi qua. Cuối cùng tên Hải Quan đưa lại giấy thông hành cho tôi…
            Nóng trùm phủ cả không gian tôi đang đứng chờ để lấy hành lý…Tôi thực sự đã đặt chân vào Sài Gòn…Sài Gòn nóng…! Cơn nóng trùm kín người tôi. Cơn nóng muốn cháy thịt da tôi. Tôi có cảm giác tôi đang đi vào lò nung…Lò nung của Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa…!
           Cái háo hức về quê ăn Tết, về quê nhìn lại anh em, bà con ruột rà, về quê nhìn lại làng xóm nơi mình lớn lên…Tôi bỗng nghe nghèn nghẹn trong cổ…! Cái bước đầu tiên nơi đặt chân đến làm hoa đôi mắt, làm khản khát nơi cổ họng. Giây phút ấy trôi qua. Tôi chợt mừng vui khi thấy các em, các cháu tôi đứng vẫy tay bên ngoài… Chúng tôi đẩy nhanh chiếc xe đồ đến chỗ người thân và ôm chầm lấy từng người. Hình như tôi quên hết cái nóng hừng hực nơi phía ngoài nầy vì niềm vui trào dâng muốn rơi nước mắt, vì những trái tim cùng hòa nhịp tình thân ruột rà. Ôi! Đây mới là giây phút ấm áp, đây mới thật sự là động lực làm tôi muốn quay về…!

          Ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhứt, chiếc xe chở chúng tôi vào luồng xe chật ních trong thành phố. Các xe Honda chạy dọc, chạy ngang, lao lách vô tội vạ…Tài xế phải bóp còi inh ỏi. Mồ hôi tôi lại rịn ướt sau lưng vì tốc độ xe chạy chậm với lại cái máy lạnh của xe bị trục trặc, lúc có, lúc không. Cái nóng bên ngoài ép vào lòng xe…Chiếc xe len chạy trong ngổn ngang của cái nóng trên đường. Tới ngã tư, ba bốn tên Công An Giao Thông thổi còi bắt xe không tuân thủ luật lệ…Chiếc xe chúng tôi vừa qua nửa đường ngã tư. Một tên công an cầm gậy chỉ về hướng xe chúng tôi, một tên khác bắt xe chúng tôi dừng lại. Chú tài xế nói: “Tết…tụi nó kiếm tiền ăn Tết”. Xe tấp vào lề. Tôi hỏi chú tài xế xe mình bị lỗi gì?. Chú cầm chiếc cặp giấy tờ xe và kẹp vào đó giấy một trăm ngàn tiền Việt Nam và nói: “Tụi nó đòi tiền ăn Tết chớ xe không có lỗi gì đâu chú”. Tôi ngao ngán nhìn chú tài xế. Chú mở cửa xe và bước xuống đi đến chúng để trình giấy tờ. Vài phút sau chú tài xế quay lại xe. Tôi hỏi: “Nó cho đi hả chú. Chú tài xế lắc đầu. Tụi nó nói: “Tết gần đến rồi mà chung chỉ có một Xị (Ám chỉ 1 trăm ngàn)” Chú tài xế nói:”Chắc phải thêm cho đủ 2 Xị. Đúng như lời chú tài xế nói. Sau khi lấy 2 trăm ngàn, chúng cho xe tiếp tục chạy. Chú tài xế cho chúng tôi biết thêm là tụi nó thường nhìn các bảng xe từ dưới các tỉnh lên Sài Gòn đón rước khách nước ngoài về, hoặc khách du lịch. Để tránh rắc rối và chờ đợi, các người mướn xe thường cứ kêu tài xế chung tiền để khỏi phải mất thời giờ…Nếu không chung cho tụi nó thì nó hoạnh hẹ tìm ra mọi cớ để giữ xe hoặc đưa vụ việc về Cơ Quan Công An thì còn phiền hơn nữa… Chú thở dài…cũng may thường các vị khách bao đều trả cho tụi tôi khoản tiền nầy. Tôi định bụng sẽ chi trả lại cho chú về khoảng tiền vô tội vạ nầy khi về đến quê. Chú tài xế nói: “Lệnh trên không cho tụi Công An Giao Thông có tiền mặt trong túi hơn 5 trăm ngàn, nhưng trong cốp xe của tụi nó lúc tan ca thì tiền cỡ  gần bạc tỉ đó chú ơi!”
            Cơn nóng trên đường như nhét vào đầu tôi nỗi nhức nhối buồn đau cho những người dân thấp cổ bé họng, cho những mảnh đời cơ cực dưới sự cai trị của một tập đoàn Ăn Cướp từ trên xuống dưới. Họ sống trong những dinh thự hoành tráng, nhung lụa phủ phê. Họ đi trong những chiếc xe bạc triệu đô la…Họ ăn mặc sang trọng. Họ du hí thừa dư. Họ đưa con cái ra nước ngoài. Họ mua nhà, đầu tư ở ngoại quốc…Họ chia nhau đáp cánh an toàn…! Tiền từ đâu??? Ôi! những công bộc, đầy tớ của nhân dân…!
“Nắng Sài Gòn…em đi mà chợt mát
Bởi vì em…mặc áo lụa Hà Đông
Tôi vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”
                            (Nguyên Sa)

          Ôi! Cái nắng Sài Gòn dịu mát...Cái nắng hoàng kim soi bước em đi trên hè phố. Cái nắng hồng hào da thịt con gái buổi sớm mai. Cái nắng môi son của những thiếu nữ giữa sân trường.  Cái nắng ấm trông mắt nhìn ai xuyến xao vời vợi …Cái nắng hực hở môi kề, má áp một thuở yêu người….Hết rồi cái nắng năm nao….! Nắng bây giờ đổ lửa toát mồ hôi. Nắng đang thiêu đốt da thịt mọi người chạy tất bật trên đường. Nắng làm tôi ngộp thở trong cơn buồn vỡ vụn!
           Chiếc xe thoát ra đến Phú Lâm, Bình Chánh, trước đây khu vực nầy hoang trống với những thửa ruộng chia khuôn, mút mút màu xanh của lúa. Bây giờ là những dãy nhà liền nối ngổn ngang, cái cao, cái thấp, xen lẫn những tòa cao ốc chỏi trời. Các cửa hàng ăn uống, các thương hiệu bán buôn che khuất màu xanh của những thửa ruộng lùi dần về phía sâu, có nơi như mất hẳn. Xe rẽ chạy vào đường Cao Tốc. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn vì hai bên đường có cây xanh, có ruộng lúa. Chú tài xế nói với chúng tôi: “Trên con đường nầy cũng dễ bị bọn công an núp bắn tốc độ. Khi bị bắn tốc độ thì phải chung tiền cao gấp nhiều lần…khoảng vài triệu đồng. Nếu không chung tiền cho chúng thì tài xế bị treo bằng lái…Làm nghề tài xế mà bị treo bằng lái thì cả nhà đều bị đói chú ơi…! “
            Tôi nhìn ra bên ngoài cố hình dung lại các khoảng đường ngày trước tôi đi qua, nhưng không đoán được gì cả. Hồi còn đóng quân ở Quận Bến Tranh khi về lại Sài Gòn tôi nhớ mình đi ngang Long An, rồi Bến Lức…Tôi hỏi chú tài xế:”Mình tới Long An chưa? Mình qua cầu Bến Lức chưa?” Chú tài xế chỉ tay về bên trái….”Phía trong kia kìa chú. Mình đi trên đường Cao Tốc nên không qua các chỗ ấy, đường được làm phía ngoài không qua các thị trấn đó”.
          Rồi xe vào Ngã Ba Trung Lương. Nơi đây bây giờ lạ hoắc. Phố nhà chật ních…Xe rẽ vào Mỹ Tho. Xe không còn dừng lại để nghe tiếng gọi mời của các em bé bán mận Hồng Đào, ổi xá Lị, bánh mứt. Thay vào đó là các cửa hàng trưng bày bánh kẹo, trái cây đủ loại. Ngã Ba Trung Lương bây giờ là một ngã ba phố. Xe vào thị Xã Mỹ Tho. Xe qua cầu Rạch Miểu. Xe chạy qua cầu Hàm Luông. Xe xuyên Tỉnh Bến Tre. Xe rẽ về Cái Mơn, Chợ Lách…Xe chờ qua Bắc Cổ Chiên. Xe chạy thêm hơn tiếng nữa. Xe đỗ lại quê tôi. Đoạn đường về lần nầy không qua Cầu Mỹ Thuận, không qua Vĩnh Long, không qua Lồng Hồ. Khoảng đi thu ngắn hơn 60 kí lô mét.
          Suốt dọc đường hình như nhà cửa mọc lên dầy kín…vườn tược, cây trái bị đẩy lùi về bên trong. Người dân vùng quê chường ra mặt đường với những hàng quán: Trạm Xăng nhỏ, quán ăn, quán cà phê võng, nhà trọ…Gần các thị trấn thì có thêm chỗ nghỉ tắm hơi, massage, quán nhậu, tiệm uốn tóc…Bề mặt của thành phố, bề mặt của những con đường đầy vẻ phồn hoa sung mãn. Những phía sau là gì? Là những ngõ hẹp ngập nước. Những mái nhà xiêu vẹo, những mảnh đời cơ hàn lê kéo cuộc đời không có ngày mai. Những bà mẹ bán con cho người nước ngoài. Những em gái 18, 20 làm bé cho các đại gia, hoặc làm gái gọi, gái bao. Đa số các em gái đã tự nguyện hiến thân mình để cứu nợ nghèo cho gia đình. Rồi qua cơn lưu lạc các em bị cuốn vào dòng “nham nhở cuộc đời” với phồn hoa đầy cám dỗ ở các thành phố.  Những cậu em mài lưng trần làm thuê, làm mướn hoặc ma cô, ma cạo để tìm miếng ăn qua ngày. Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam một trời một vực.
       Qua những ngày về quê thăm bà con, dự đám cưới.Tôi cùng các em tôi làm một chuyến du hành về Phan Thiết, Bà Rịa, Long Hải, Vũng Tàu…Chúng tôi qua các khách sạn, quán ăn. Chúng tôi mới thấy sinh hoạt ở Việt Nam không phải rẻ mà đắt đỏ. Chúng tôi đã gặp những người dân mỗi ngày lao nhọc chỉ kiếm chừng vài trăm ngàn, các em bán vé số cũng chỉ hơn trăm ngàn. Lương công nhân mỗi tháng chừng hơn 2 triệu. Các con cháu chúng tôi thấy các quán ăn Burger King, KFC, McDonald là nhào vô vì chúng quen hơi các món ăn nầy. Mỗi chiếc bánh sandwich giá 170 ngàn đồng, 3 miếng thịt gà ở KFC giá 190 ngàn đồng. Khi vào đây chúng tôi ngỡ chắc vắng khách vì giá quá cao so với đồng lương mọi người…Nhưng lạ thay các cô ấm, cậu ấm ngồi ăn đầy…có cả mấy người lớn nữa.
          Qua những ngày luồng lấn cùng người bạn thân ở Sài Gòn vào các tụ điểm cà phê, ăn nhậu…Tìm hiểu qua những câu chuyện trao đổi tình cờ, tôi mới thấy bọn nhà giàu, các quan chức, các cậu ấm nhà quan…phung phí tiền bạc một cách vô tư. Một buổi ăn với rượu đắt tiền có hơn ngàn đô cho vài người. Chúng đi trên những chiếc xe hiệu nhập từ bên ngoài như: Mercedes, Lexus, Acura… Nhà chúng nó là những ngôi biệt thự hoành tráng kín cổng cao tường. Nguồn tiền của bọn họ từ mọi cách ăn cướp có bảo chứng, từ gian lận mưu mô, từ cửa quyền chức tước. Trung ương ăn theo cách trung ương, tỉnh, huyện, làng, ấp ăn theo kiểu tỉnh huyện làng ấp. Khẩu hiệu “Nhân Dân đi trước, Nhà Nước theo sau” hoàn toàn là ngụy ngôn lừa bịp.
         Trên đường xuôi ngược: Những chiếc xe Honda rẻ tiền của các công nhân đi làm xen với những chiếc xe hơi bóng nhoáng. Những người gù lưng ướt áo trên đường bên những người ngả lưng trên chiếc ghế nhung trong chiếc xe hạng sang. Những ngôi nhà mái tôn xen những cao óc chỏi trời… Những ngõ hẻm ngập nước, những mái nhà tôn rỉ xét thâm đen…những mùi hôi thối nồng nặc của cống rãnh đen ngòm…Che lớp bên ngoài là những cửa hàng sang trọng với mùi nước hoa thơm lừng. Ở khắp mọi nơi: hiện rõ, lẫn lộn hai thế giới giàu nghèo cách biệt thật lớn lao.
            Sài Gòn với tôi trong chuyến về nầy là những cơn nóng buồn phả vào mặt, lẫn vào hồn, những bụi cát len vào lưng, rơi vào mắt… mờ mờ nhân dạng. Đi đâu cũng thấy các khung vải đỏ với chữ to “Mừng Xuân, Mừng Đảng Quang Vinh”. Ôi! đúng chỉ là mùa Xuân của đảng, còn nhân dân thì đã mất hết mùa Xuân từ ngày có Đảng cai trị. Khi Đảng làm sai, các ngài làm sai, nhân dân đứng lên phản đối thì các ngài quy chụp họ là phản động, nghe theo lời xúi dục của các thế lực thù địch bên ngoài. Đảng chưa bao giờ nhận làm sai, các ngài chưa bao giờ dám nhận tội về việc mình làm sai, làm trì trệ bước tiến của dân tộc. Tôi đoan chắc rằng không có thế lực bên ngoài nào đủ mạnh để lật đổ được chế độ của các ngài (Lực lượng người Việt hải ngoại). Chỉ có nhân dân trong nước, chỉ có những người trong hàng ngũ các ngài đứng lên chống lại các ngài. Thưa các ngài: “Bao giờ các ngài mới từ bỏ quyền lực…để cho nhân dân Việt Nam thực sự có mùa Xuân NHÂN QUYỀN-TỰ DO-HẠNH PHÚC-ẤM NO thực sự? Bao giờ? Xin các ngài hãy sáng suốt nhường quyền cho một vận hội mới thì cái họa mất nước trước bọn giặc Tàu sẽ được cứu vãn. Cơ may đất nước mới thực sự vươn mình trổi lên ngang hàng với các nước tiến bộ trên thế giới. Các chất xám của thế hệ thứ hai, thứ ba của thuyền nhân Việt Nam trên toàn thế giới cộng với chất xám của tuổi trẻ trong nước sẽ là chiếc đũa thần đẩy đất
nước đến chỗ vinh quang thật sự. Các ngài sẽ còn có chỗ đứng trong lòng nhân dân Việt Nam. Các ngài nghĩ sao???”
           Về quê ăn cái Tết nhạt nhẽo. Một cái Tết mà tôi mong muốn được về hơn 20 năm. Thế mà Tết đến tôi nằm co ro với mồ hôi ướt áo. Trong đêm trừ tịch tôi chờ nghe tiếng pháo…Nhưng
không…!  Nhà nước cấm dân đốt pháo, nhưng đã bỏ ra cả tỉ đồng để bắn pháo bông. Cả tỉ đồng lẽ ra giúp cho các gia đình nghèo có một ngày xuân đầm ấm, các cháu nhỏ có được một trang phục mới. Trên bàn thờ nhà nghèo có được miếng bánh, dĩa trái cây.
     “Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã thay tên”…Tôi trả cái nóng lại cho Sài Gòn. Tôi trở về Cali nắng ấm. Người cảnh sát Hải Quan tại Phi trường San Francisco nhận cái Passport từ tay tôi với nụ cười và câu nói: “Well come back to United State”.
Tôi nghĩ trong đầu: Tôi đang trở về nhà, nơi chốn thực sự có Tự Do-Dân Chủ -Nhân Quyền.
  
                                                  
                                     (Sacramento Tháng 2 năm 2013)









No comments:

Post a Comment

Đoản Văn