Translate

Monday, October 3, 2016

OAN THÁC HỒN VỀ NHỚ ĐẤT PHƯƠNG NAM _NGƯỜI Ở LẠI HOÀNG LIÊN SƠN



Oan thác hồn về
nhớ đất phương Nam
Viết về người bạn chết trong ngục tù Cộng Sản tại miền Bắc năm 1980
(Đại Úy Đoàn Văn Xường)
  

Oan thác hồn thiêng mãi dật dờ
Anh hùng bại trận lỡ sa cơ
Ngục tù đâu dễ giam chí cả
Vượt thoát không thành phải phơi thây
Dưới tay tra tấn loài man rợ
Thịt nát, dập xương chốn đọa đày
Đất Bắc vùi thân ngôi mộ lạnh
Uất thác hồn gào rung cỏ cây
Phương Nam hướng vọng về cố thổ
Trà Vinh chốn cũ một thời trai


           Chàng trai hào hùng đó là Đoàn Văn Xường sinh ngày 12/5/1945 tại Trà Vinh. Anh là học sinh Trường Trung Học Trần Trung Tiên.Trước đó tôi chưa quen anh vì tôi học trường khác. Niên học 60-61 tôi vào lớp Đệ Tam trường nầy và biết anh từ đó. Anh có dáng cao cao và hay nói tếu cùng với nhóm “Quậy” như Diệp Tuấn Khải, Trần Tử Quí, Lê văn Công, Tăng Bé….Hồi đó trường có hai lớp Đệ tam: Đệ tam A1 cho những người đậu trung học, đệ tam A2 cho những người chưa đậu trung học. Đoàn Văn Xường ở nhóm A1.Tôi ở nhóm A2 cho nên chúng tôi chỉ ngồi chung lớp với nhau trong giờ Anh văn và Pháp văn.
       Chiến tranh mỗi lúc mỗi sôi động, thầy trò chúng tôi lần lượt bị gọi nhập ngũ…đi đầu là anh Vĩnh Như Gia Lai, kế đến là thầy Lê dạy Anh Văn và lần lượt các bạn, thầy khác đi vào quân ngũ.
       Qua năm sau có nhiều bạn đổi trường. Trong đó có tôi lên Sài Gòn. Sau khi đậu Tú Tài Hai xong có người lên đại học có người đăng lính. Đoàn Văn Xường xin vào trường quân trường Võ Bị Đà Lạt Khóa 22A
        Với cái máu kiêu hùng của những chàng trai Võ Bị, anh xin vào binh chủng lực lượng đặc biệt, hậu thân của các nhóm biệt kích nhảy dù, chuyên trấn giữ biên phòng và đột kích vào các mật khu của VC. Sau nầy lực lượng đặc biệt giải tán và cải danh là lực lượng biệt động quân biên phòng.
          Vào khoảng năm 1970, tôi gặp anh tại Sài Gòn cùng một bàn nhậu với anh em cựu học sinh Trà Vinh:.Phan Công Minh Trung Úy cảnh sát thuộc bộ tư lịnh cảnh sát quốc gia, Thành Degaulle Đại Úy Đại Đội cảnh sát dã chiến đóng ở thành Oma(SG), Nhuận Trung Úy thuộc tiểu đoàn 1 nhảy dù…Với cái tánh khà khà bất cần cố hữu, anh cho biết lúc nầy toàn ở rừng, thiếu rượu chỉ nhậu bằng cồn pha nước lạnh…Rồi từ dạo đó đến ngày tan hàng. Tôi không có dịp gặp lại anh.
       Cấp bậc sau cùng của anh là Đại Úy Biệt Động Quân /Tiểu Đoàn Phó TĐ38 BĐQ. Vì là những người lính luôn trấn giữ ở miền rừng núi anh thường dùng cây gậy có đầu cong như cây gậy của người già để gạt mấy nhánh cây, lưới cỏ trên đường hành quân. Đôi khi đánh vào đích mấy anh lính chểnh mảng công vụ. Lính của anh gọi anh là Đại Úy cù hèo
        Cuộc đời chiến binh rày đây mai đó, sống chết trong gang tấc, Đoàn Văn Xương từ chối lập gia đình, mặc dù gia đình anh thúc ép. Trong thời gian đi đó đây, anh có quen một cô bé mà chắc rằng tình yêu giữa anh và cô bé nẩy nở tuyệt vời. Đó là lúc đóng quân vùng ven đô, có thời gian rảnh rổi, anh ghi danh vào trường luật. Nơi đây anh quen một cô bé sinh viên luật.Thời gian vừa đủ cho một tình yêu chớm nở. Anh lại đi xa và xa mãi…Người con gái ấy viết bài thơ cho anh khi biết tin anh đã nằm dưới lòng đất buồn phương Bắc …


Em, Anh và Cuộc Chiến
Tịnh Nhiên
Viết cho anh, Đại Uý Đoàn Văn Xường,
khóa 22A VBĐL, Tiểu Đoàn Phó TĐ 38 BĐQ, KBC 3508

Anh sinh ra, lớn lên trên giải đất
Miền Nam hiền hòa, chân tình mộc mạc
Nên tình anh chân thật, giản đơn
Trong chuyến ghé Cao Nguyên, thăm chị
Gặp được em, cô bé mới lên mười
Đôi mắt thơ ngây, má phúng duyên cười
Trong nhung lụa, em như công chúa nhỏ
Nào ai biết cuộc đời sẽ thay đổi
Rồi một hôm, Cao Nguyên kéo cờ rủ
Cha cô bé đã nằm xuống cho Cao Nguyên
Thương cô bé vành khăn tang khi tuổi vẫn còn thơ
Để rồi …
Trường Võ Bị Quốc Gia
Anh, người chiến sĩ mũ Nâu
Gót giầy Saut trên bốn vùng chiến thuật
Bảo vệ yên bình cho cô bé và quê hương
Lần trở về thủ đô năm ấy
Nhìn quán bên đường với địa danh quen
Anh dừng xe, thử vào dọ hỏi
Cô thiếu nữ xinh tươi, nụ mỉm chào
“Ông cần mua chi ạ?”
Anh chỉ món hàng rồi nhắc đến địa danh
Cô bé mắt tròn xoe, kinh ngạc
Bí mật của mình, sao ông í biết
Có lẽ ông đã quen với mẹ, rồi
lớn tiếng gọi, mẹ ơi
Anh tiếp chuyện với nguời mệnh phụ, năm xưa
Bà đã già theo nhọc nhằn, năm tháng
Nhưng nét lịch thiệp, tinh anh vẫn đó
Hỏi thăm đôi chuyện, xin phép cáo từ
Đuợc biết cô bé giờ, sinh viên Luật
Anh cũng tập tành làm sinh viên Luật, như ai
Để cùng cô bé dạo quanh
Tháp Rùa, Duy Tân, đường lá me bay
nơi chốn cho những ngày về phép
nhưng chiến tranh không chỉ là như thế
Tháng Tư đó, khắp nơi nơi khói lửa
Lệnh ban ra, phải bảo vệ thủ đô
Ghé thăm em, lúc lên đường trách nhiệm
Da đen sạm, bụi đường bám quân phục
Dù mệt mỏi, anh vẫn lời thăm hỏi
“Gia đình có định di tản không em?”
Ôi quê huơng, khắp nơi đều loạn lạc
Còn nơi nào bình yên nữa hở anh
Di tản, từ ngữ sao xa lạ quá
Ngày cuối tháng Tư
Lệnh ban ra, bỏ súng, đầu hàng
Nước mắt tuôn rơi, tim như đã nghẹn rồi
Cha, anh và bao người hy sinh khác
Sao thế nhỉ, sao lại phải đầu hàng?
Thế đó, người ta nói chiến tranh chấm dứt
Có thật không, sao vẫn phải trả thù
những sáo từ che dấu một âm mưu
ngụy quân, ngụy quyền, cải tạo….
hòa bình rồi, máu không phải tuôn rơi
Và như thế anh lên đường, đi “cải tạo”
Thư nhận đuợc, địa danh không là miền Nam nữa
Em bặt tin anh mãi đến giờ
Rời quê hương qua đuợc xứ Tự Do
Vẫn luôn ngóng tin anh từ đó
Nhiều nguồn tin nghe nói anh đã
Thân xác gửi, nơi núi rừng Nghệ Tĩnh
Cô bé ngày xưa vẫn,
luôn nhớ mãi về anh

           Tịnh Nhiên

      Cũng như hầu hết các sĩ quan miền Nam, anh trình diện theo lệnh chiêu dụ của họ “Học 10 ngày cho biết chánh sách Nhà Nước rồi cho về đoàn tụ với gia đình”.Thật sự hầu hết không ai tin, nhưng không còn cách để chọn lựa.
        Qua một đoạn hồi ký viết về anh Đoàn văn Xường, ông Kiều Công Cự, người bạn tù chung trại đã viết:
“Tôi không nhớ chính xác cái ngày chúng tôi bị đưa xuống tàu chuyển ra Bắc, chỉ nhớ vào khoảng tháng 5/77, ba tháng sau tết Đinh Tỵ (2/77), cái ngày vợ tôi đưa hai con lên thăm gặp tại trại Tân Hiệp, Biên Hòa (tức là Trại giam tù binh phiến cộng cũ). Địa điểm tập trung thì rất quen thuộc, từ trại đoàn xe chạy về hướng Biên Hòa, thẳng ra xa lộ rồi đổ về hướng nam, đến cầu Sài gòn quẹo trái đi vào bến Tân cảng (New Port), một địa điểm bốc dỡ tiếp liệu, đạn dược của quân đội Mỹ trước khi được chuyển về căn cứ Long Bình. Phương tiện chuyên chở là những chiếc tàu chở gạo hay chở hàng mà chúng chiếm được ở bên kho 5 Khánh Hội. Lòng tàu dài khoảng 25m, rộng 10m và cao 5m. Thời gian xuống tàu vào sau nửa đêm. Chúng dùng một cái thang để đưa người xuống bên dưới. Đến người cuối cùng thì chúng kéo thang lên. Chỉ có một cái lổ thông hơi duy nhất ở ngay phía trên được đậy lại bằng một cái lưới mắt cáo. Tôi không biết bao nhiêu người bị nhét vào đây nhưng dứt khoát là không thể nằm hoặc ngồi thoải mái được. Không khí ngột ngạt, khó thở. Cũng may vào ban đêm khí trời còn lành lạnh.
Rồi cái bửng mắt cáo lại được mở lên, cái thang được thòng xuống để chúng nhét thêm hai người. Hai người này hành lý nhẹ tơn. Chỉ có cái ba lô lép xẹp mang phía sau lưng. Thế nhưng anh chàng đi đầu vừa đi vừa nhún nhảy làm cho vài người la lên sợ cái thang gỗ sẽ gãy đến nơi. Nhưng anh chàng lại nở một nụ cười “bất cần”. Chính cái nụ cười này làm tôi thấy ngờ ngợ, hình như mình có gặp anh chàng này ở đâu rồi. Rồi tôi buột miệng kêu lên: “Ê Xường, Đoàn văn Xường!” Anh chàng hướng về nơi có người vừa gọi tên mình. Dĩ nhiên không nhận ra trong cái ánh sáng lờ mờ này. Tôi đứng thẳng người dậy, gọi tiếp: “Kiều công Cự nè, lại đây!” Tôi đang ở trong cái xó trong cùng của khoang tàu, nơi để thùng cho tù đi tiểu và đại tiện. Có lẽ nhờ thế mà còn trống vài chỗ. Nhiều người bạn đang đứng dạt ra cho Xường và người bạn đồng hành đi tới chỗ của tôi. Tôi hơi ngạc nhiên chuyến này ra bắc mà hai anh chàng không mang theo cái gì hết trơn. Xường nói ngay:
- Hôm chuyển lên Long Giao được vài ngày thì tao với thằng Thắng, Bùi Quang Thắng -Đại Úy BĐQ, dọt liền. Ra khỏi trại ngon ơ. Định dọt lẹ ra đường đón xe lam về Sài gòn không ngờ gặp mấy thằng du kích... Tụi nó dữ quá, chúng nó trói lại và đem trả lại cho trại. Mấy thằng bộ đội đập cho một trận tưỡng tiêu rồi... Tao bị chúng đem nhốt vào trong conex cho đến bây giờ. Ra ngoài bắc coi bộ yên yên là tao dông. Nhất định không ở với tụi này. Chết thì bỏ. Cứ coi như mình đã... “anh dũng đền nợ nước” rồi...
Cả hai người bị nhốt, bị đánh đập hằng ngày, bị còng tay xích chân hơn một năm, bằng cái thời gian mà chúng tôi từ trại Long Giao về Tân Hiệp, thân thể chỉ còn da bọc xương, nhưng tinh thần vẫn còn cứng cõi, nụ cười vẫn chưa tắt. Xường hỏi tôi:
- Mày có gì cho hai đứa tao ăn đi! Đói quá...
- Dĩ nhiên là có rồi. Nhìn hai người bạn ngồi ăn mà ứa nước mắt. Có bao giờ con người bị đẩy vào tình trạng đói khổ cùng cực như thế này đâu. Đúng là thời đại của “ma vương quỉ dữ” mà. Hồi ở trong Trường những ngày đi học chung ỡ bãi tập, sân bắn có biết nhau nhưng không thân lắm vì Xường ở Đại Đội F (Tiểu đoàn 2), còn tôi ở Đại Đội D (Tiểu đoàn 1)”.
  
                                                             

         Sau cùng anh bị đưa ra Bắc và bị cầm giam tại trại trại tù C.T6 Thanh Chương ( Nghệ Tĩnh).Với ý chí can trường bất khuất, Đoàn Văn Xương bàn tính cùng một số bạn bè cùng chí hướng chuẩn bị cho cuộc trốn trại. Kế hoạch được vạch ra và hai nhóm bắt đầu thực hiện.Trời chẳng chiều lòng người, hai nhóm anh em bị bắt lại và bị tra tấn thật dã man. Thấy mọi người bị hành hạ, anh nghĩ đa số anh em đó có vợ con, còn anh thì độc thân có chết cũng không làm ai khổ lụy. Đoàn Văn Xường can đảm nhận hết mọi hành vi tổ chức là do mình.Thế là mọi đòn tra tấn dồn hết vào anh. Anh bị biệt giam, anh la lối chống trả.Chúng bắn anh gẩy đôi chân…máu người hùng loan chảy đầy mặt đất, thân thể bầm dập bởi những báng súng AK đập dần nhừ nhão. Đoàn Văn Xường vẫn ngẩng đầu lên. Bọn cai tù điên tiết biệt giam, bỏ đói cho đến khi sức anh cạn kiệt và trút hơi thở cuối cùng trong ngục tối ngày 10 tháng 10 năm 1980.
          Xác anh bị vùi dâp trong rừng núi miền Bắc. Hồn anh linh ứng cho bạn bè trong cách cầu hồn. Anh cho biết trước đây anh chưa muốn về vì chuyện lấn cấn với một người anh ruột trong nhà. Bây giờ người anh đã chết. Anh muốn về lại đất quê. Anh em trong hội tìm kiếm anh em chết trong các trại tù miền Bắc đã nỗ lực tìm rất nhiều ngôi mộ anh em và liên lạc với gia đình họ để lo cải táng về đất quê.Chị ruột của anh  là chị Đoàn Thị Nhản hiện ở Thụy Sĩ cũng cố liên lạc với hội để tìm mộ em mình.Cho đến nay,theo lời của anh Võ Trung Tín (Anh Tín cũng là bạn của Đoàn Văn Xường, là người rất năng nổ trong việc tìm hiểu và liên kết mọi người trong Hội Ái Hữu Trà Vinh) nói là chị đã tìm ra tông tích ngôi mộ Xường và sẽ đi bốc mộ anh về lại Trà Vinh trong một ngày rất gần. Chắn chắn rồi đây Đoàn Văn Xường cũng sẽ trở về đất Vĩnh như Chung Hữu Hạnh đã được vợ con mang hài cốt về chôn ở Đầu Bờ, Trà Vinh từ năm vừa qua.

Cảm nghĩ cuối cùng:
         
Những người đã chết trong các trại tù CS từ Nam chí Bắc hơn 30 năm trôi qua vẫn còn xem như là những kẻ thù từ trong tim óc người Cộng Sản. Chính phủ Mỹ đã giúp khoảng tiền lớn để
tìm hài cốt cho cả hai phía, nhưng bọn chúng lấy tiền bỏ túi và chỉ lo tìm hài cốt của các chiến binh CS. Họ nói hòa giải dân tộc…! Với người đã chết mà họ còn thù địch thì nói gì đến những
quân nhân còn sống trên đời. Họ chỉ nhoẻn miệng cười với ĐÔ LA…”Khúc ruột nối dài…?”.Họ chỉ lo nối vòng tay với ĐÔ LA. Tôi nghĩ giá mà lúc đó Đoàn Văn Xường vượt thoát được ra nước ngoài. Đoàn Văn Xường sẽ là khúc ruột của họ chứ đâu phải bị chết tàn nhẫn trong tù như họ đã đối xử với anh. Bao giờ? Bao giờ vết thương chiến tranh được hàn gắn thực sự? Bao giờ mọi trái tim cùng mở ra hòa giải thật lòng để mọi người cùng xây dựng tổ quốc và chống lại ngoại xâm phương Bắc là Trung Cộng đang dần dần xâm lấn biển đảo và đất liền của nước Việt Nam ta.

 ***Hình ảnh và trích đoạn từ bài viết của Ông Kiều Công Cự.
                                    (Sacramento cuối năm 2011)                           

                                               
           

NGƯỜI Ở LẠI HOÀNG LIÊN SƠN

Thân tặng bạn Tín, Diệu, Quí, hai bạn Thi Mai và Nguyên Nhung.
Riêng tặng cho vợ và con anh Chung Hữu Hạnh là chị Bích Phương và ba cháu.

                    Như một canh bạc, như một trận đấu gà, kết cuộc hưởng lợi là những kẻ  với lòng ham hố, lừa bịp, háo thắng của bọn bên ngoài, của kẻ có quyền bên trong. Cuộc chiến Việt Nam cũng vậy, nó xuất phát từ lòng tham muốn thống trị, từ sự lừa bịp, dối trá ở các  thế lực bên trong, bên ngoài, từ sự o ép bắt tay nhau vì quyền lợi của các thế lực quốc tế. Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam là một bức tử đau nhục khi người bạn đồng minh Hoa Kỳ vì nội tình bất ổn, vì quyền lợi riêng cho quốc gia mình, đã để chiến tranh mất cân bằng thế lực của miền Nam đối với miền Bắc. Một kết thúc đau buồn cho số phận chánh quyền Miền Nam và bao thảm trạng kéo theo sau. Một tập thể quân đôi hùng mạnh, đang chiến đấu kiên cường đã buông súng đầu hàng, để Bắc phương cướp lấy miền Nam trên tay mình! Một lớp người đi vào vòng tù tội mà họ gọi là “Cải Tạo”, bị trả thù bằng dưới mọi hình thức trong lừa mị rất tinh vi. Người dân bị cuớp tài sản, bị đày đi vùng kinh tế mới, một tập thể sĩ quan QL/VNCH bị đưa vào tù….bị đày ải, người ra Bắc, kẻ về phương Nam. Họ bị hành hạ đến tàn tạ thân xác lẫn tinh thần. Họ chết theo đủ mọi cách và bị vùi dập đâu đó nơi rừng thẳm, núi cao. Cũng như nhiều người bạn khác, anh Chung Hữu Hạnh, cựu Đại Úy Pháo Binh thuộc QL/VNCH, đã bỏ thân ở vùng rừng núi Yên Bái, Hoàng Liên Sơn ….
                Sau nhiều tháng nhốt trong các trại tù ở mỗi tỉnh địa phương. Cuối cùng toàn bộ sĩ quan cấp Đại Úy đã bị dồn tập trung về  hậu cứ Trung Đoàn 33 bộ binh cũ ở Trà Nóc thuộc tỉnh Cần Thơ. Tôi gặp lại anh, người bạn học lúc còn trẻ ở tỉnh nhà với biết bao kỷ niệm thời hoa mộng của tuổi học trò. Anh là người vai u thịt bắp vì gia đình anh sống trong nếp lao động chân tay, nhưng anh lại có tài làm thơ rất tình tứ mượt mà. Một thuở mới yêu của thời niên thiếu, Hàn Giang là bút hiệu của anh được gán với người mộng thuở ấy….
                  Môt thời yêu mơ mộng đi qua, một thời e ấp trong tim, những tình yêu vụng trộm đi qua. Bây giờ Hạnh, anh có được một tình yêu thực sự với sư rung động con tim dâng hiến và được đáp lại, đó là Phượng một cô em gái của người bạn học chung trường Trần Trung Tiên trước đây, bây giờ là cô học trò thuỳ mị với mái tóc huyền dài và đôi mắt đẹp. Tình thầy trò len lén được ít lâu thì Hạnh phải từ giã trường học, từ giã người yêu lên đường nhập ngũ theo đà chiến tranh càng lúc càng hung hãn. Cả một lớp trẻ thời đó đã bị cuốn vào trận chiến khốc liệt mà sự tiên đoán cho ngày dừng lại là mù mịt tương lai. Những ngày ở quân trường Thủ Đức với những ngày gian nan khổ cực để học thành những người đi vào chiến trường. Nơi đây là sự bắn giết để dành chiến thắng. Chiến thắng với anh em cùng chủng tộc…một cuộc chiến đẩy lùi tình cảm ra ngoài, chỉ còn mũi súng hướng về phía trước….Hạnh kể chuyện quân trường cho người yêu bé bỏng:

Kể chuyện quân trường,

Từ gi em, anh vào đời quân ngũ
Áo thư sinh giờ gởi lạ
i sân trường
Vai ba lô, đường trường xa nặng trĩu
Một hai đều-ba-bốn-bước ca vang

Buổi sáng chuông reo năm giờ báo thức
Anh giựt mình vừa sực tỉnh cơn mê
Mùng gắp lại nệm giường cho thẳng nếp
Giày bóng xi ra ngăn nắp chỉnh tề

Giờ tập hợp...chuối bánh mì làm chuẩn
Hai chục bôm dành tặng kẻ ra sau
Nhanh như gió ôi chao là đau khổ
Nghe rã rời và thiên địa xôn xao

Con đường vui bài tình ca di chuyển
Một, hai, ba, ngang dọc bước cho đều
Giờ thao diễn, đàng sau quay trước bước
Trái một lần, im lặng, nghỉ, nghiêm, chào

Trong giờ học, huấn luyện viên trẻ tuổi
Bài giảng hay thường kể chuyện vui buồn
Vài ba anh, tay chống càm, mắt ngủ
Ông thầy kêu ...anh đứng dậy...ba vòng.

Bãi 33, 34 món bò kỷ niệm
Bò thấp, cao, ngửa…đến khuỷu tay trầy
Một lần sai- ba mươi bôm như gió
Cứ thế mà nhơn lại 4, 3, 2.

Sân số 4 bắn Garant điều chỉnh
Ba viên đầu bia vẫn đẹp và nguyên
Cò 2 nấc, bóp đều theo nhịp thở
Đường nhắm từ ngay giữa l
chiếu môn

Ra phải xuống tìm số không biểu xích
Vào trái lên xạ thủ thế bắn nằm
Sân A xong, sân B xong, thôi bắn!
Khóa an tòan, cơ bẩm mở đừng quên

Ngày thứ bảy giờ thanh tra doanh trại
Giừơng anh dơ, giày còn đất, ba đêm
Phạt dã chi
ến coi anh chừa không biết
Để súng dơ nòng súng vẫn còn đen

Đêm ứng chiến trời mưa buồn muốn khóc
Ôm trung liên anh ngồi gác đêm rừng
Ai? đứng lại, nếu còn đi ...tôi bắn
Cơ bẩm khua và tiếng súng lên nòng.

Viết cho em bài quân trường tám ch

Buồn không Phượng hai đứa cách xa rồi
Đêm thương nhớ linh hồn không bến đổ
Còn đâu em...ngày vẫn lạnh lùng trôi...

Chung Hữu Hạnh
 
(Tháng 8 sáu sáu)

          Đến lúc thực sự ra chiến trường.Tất cả những người lính xa nhà đều mang mang trong lòng nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ người yêu:

Bài mùa xuân

Mùa xuân nầy anh không về thăm được
Quà cho em anh ép cánh hoa rừng
Hoa thì đẹp, bàn tay anh vụn
g dại
Hoa âu sầu từng cánh mỏng bay tuôn

Dòng suối, buôn sim, mây rừng Dục Mỹ
Chim đèo cao, lời nhắn gió quê hương
Trời cao nguyên cây rừng vương tay với
Anh phiêu lưu nên bỏ mộng thiên đường

Thơ em đó, anh đọc hoài thương nhớ
Ôi! lời em, ôi! một khối tim sầu
Làm con gái phiên tình yêu thứ nhất
Đến bao giờ cho trọn nghĩa thương yêu

Và phương em trời buồn hơn kỷ niệm
Và phương anh nhung nhớ mọc trong hồn
Mình hai đứa hai phương trời cách biệt
Nghĩ gì em...ngày tháng vắng tình thương

Em không viết cho anh từ dạo ấy
Lính quê nghèo ôm súng gi
biên cương
Mảnh đất cằn khô vết hằn bom đạn
Bùn quê hương muôn thuở vẫn thơm nồng

Chung Hữu Hạnh
Dục Mỹ 1967


          Chiến tranh cứ tiếp diễn, chúng tôi những người lính trẻ vẫn miệt mài với chiến trường.Tôi người lính bộ binh ở chiến trường phương Nam, Hạnh người lính pháo binh trú đóng vùng miền Trung heo hút. Chúng tôi vẫn một lòng tin nơi các cấp chỉ huy lo chu toàn nhiệm vụ, trấn giữ và chiến đấu để bảo vệ miền Nam tự do. Nhưng hỡi ơi! Chiến tranh đang tràn đầy khói lửa, đôi bên còn ngang ngửa giành chiến thắng, thì có lệnh di tản miền Trung. Hạnh cùng đoàn quân rút lui trong một tình huống vô cùng bi thảm trên huyệt lộ 13 trở về Nam…Một cuộc di tản tàn khốc bi thương nhất, hỗn độn nhất vì là một cuộc di tản vội vã, chưa có kế hoạch hoàn hảo. Cho nên một đoàn quân, cùng đoàn người chạy nạn, hỗn độn dẫm đạp lên nhau trên tuyến đường đầy máu và nuớc mắt, là cơ may cho đối phương thừa thắng xong lên, là nỗi tuyệt vọng rã tan theo từng mảnh của các quân binh chủng, là nỗi thất vọng rã rời của quân dân, là mầm móng bấn loạn cho sự suy sụp tinh thần của các đơn vị trấn giữ miền Trung. Đà Nẵng, Pleku, Buôn Mê Thuột… lần lượt rơi vào tay địch.
            Rồi 30/4/75!!! Một lưỡi dao cắt ngang cổ quân lực VNCH…! Lệnh đầu hàng buông súng ban hành! Lệnh báo tử một đoàn quân đành vứt áo chiến bào làm hàng quân:

CỞI ÁO LÍNH


Cởi chiếc áo bao năm ta làm lính
Ôi! bất ngờ như một giấc chiêm bao
Nghe hơi thở bung trong lòng ngực nhói
Như ta rơi vào vực thẳm âm sâu

Ôi hồi đó ta mơ ngày thôi lính
Cởi áo ra về cuộc sống bình yên
Sống cuộc sống mơ màng không chiến trận
Ôm tình yêu lăn giữa nắng mênh mông

Giờ cởi áo bởi vì ta thua trận
Khắp thân ôi nhỉ máu vết thương bầm
Không dấu đạn mà cơ hồ rũ liệt
Khúc quân hành kết thúc nốt hờn căm

Con chiến mã hí vang rền miên viễn
Thôi từ đây sông núi khuất bờm bay
Dấu chân hùng giờ  ngàn năm tuyệt tích
Yên cương buồn thôi rũ bóng chiều nay

Bọn ta đó giờ quây quần thúc thủ
Trại giam buồn, chật ních giọt mồ hôi
Miếng rưi gạch ngủ nghiêng mình u uất
Ngược đầu nhau nên đêm chẳng qua mau

Hồn trăn trở những điều không nghĩ được
Mới hôm qua còn phất phớt cờ bay
Cả đoàn quân còn dũng tiến hăng say
Nay chung cuộc qui hàng buông tay súng

Cởi áo lính giờ nằm trong ngục tối
Bọn ta ơi ! hào khí rủ cờ bay
Lịch sử  đã sang trang sao buồn thế !
Thôi hết rồi sông núi tủi ngàn sau!
          Bây giờ chúng tôi gặp lại nhau sau bao năm xa cách trong hoàn cảnh nghiệt ngã của người bại trận buông súng.  Hai đứa nhìn nhau buồn khổ qua một cái rào ngăn trong hai dãy láng kề nhau…
          Ngày ngày đi lao động, tối lại làm kiểm thảo, khai lý lịch. Họ quần thảo thể chất, bức bách tâm trí người tù bằng mọi cách để mong muốn làm mềm nhão ý chí của người tù….nhưng không! Họ chỉ đạt được một phần với một số anh em vì lý do nầy hay lý do khác bị nản lòng, phần đông còn lại như trăm ngàn Hàn Tín thời đại, câm lặng chịu đựng, nhưng không bao giờ khuất phục…
         Vào gần Tết năm 76 ở trong trại tù Trà Nóc một đoàn lân được anh em lập ra, ban quản giáo ra lệnh phải múa trước ban chỉ huy trại trước khi đi toàn trại, nhưng anh em đi vòng các láng làm vui xuân cho anh em, rồi về đốt đầu lân ngay trước ban chỉ huy trại. Các láng t chức văn nghệ hát ca nhạc cũ thay vì hát các bản nhạc mới của “Cách Mạng” mà họ vừa tập cho tù nhân. Mọi người lén lúc cầu cơ, làm thơ, viết nhựt ký…
       Họ tím mặt trả thù. Họ bắt toàn bộ đoàn lân nhốt vào thùng sắt (connect), cách ly một số anh em tổ chức văn nghệ, xét trại lấy các tập thơ, bút ký, sách vở….Kết quả một số anh bị chết ngộp trong cũi sắt, một số anh bị biệt giam…anh Hạnh bị lấy một tập thơ, anh gặp tôi và nói cho tôi biết, anh lo sợ bị chúng trù dập!!! Nhưng chuyện ấy không xảy ra với anh. Tuy nhiên vài ngày sau đó toàn trại nghỉ đi lao động, ra tập trung ở sân đá bóng cũ của trại. Họ lập toà án kết tội tử hình hai anh trốn trại để dằn mặt mọi người, khen ngợi giả lời chiêu dụ….Cuối cùng chúng gom 4 trại lại còn hai: Trại 1 gồm các anh thuộc cấp trưởng, cấp phó, các đơn vị chiến tranh chánh trị, an ninh tình báo và các cha, sư tuyên úy đi phương Bắc. Số còn lại thuộc trại 2 đi xuống phương Nam. Hạnh là pháo đội trưởng cho nên bị đưa vào trại 1. Trước vài ngày chia tay, chúng tôi gặp nhau với đôi đều từ giã và chúc nhau những ngày tới gian nan bảo trọng. Tôi tặng cho anh một số thuốc b1 vì biết anh bị bịnh phù thũng…Chúng tôi lại xa nhau từ dạo đó cho tới khi tôi được tin anh bị chết ở rừng núi Yên Bái thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn  sau ngày tôi được ra tù về lại Trà Vinh.


NGƯỜI Ở LẠI HOÀNG LIÊN SƠN

Ngày chia tay buồn ơi! rơi nước mắt
Mầy ra ngoài Bắc, tao ở phương Nam
Chung phận tù ngày tháng đó sao quên
Chung Hữu Hạnh! gặp nhau lần cuối đó
Lịch sử sang trang bọn mình tuyệt lộ
Ôi vô cùng bầm nát trái tim đau
Ba ngàn tên hào khí một buổi nào*
Nay đành nuốt mối sầu thân chiến bại
Ngày tháng đi qua- mấy lần chuyển trại
Tao U Minh mầy ở Hoàng Liên Sơn
Rừng núi bao la vai áo đã sờn
Mầy ở đó chắc vùng cao gió lạnh
Rét miền Bắc núi đồi ôi! Buốt tận
Mầy ngoài kia sao chịu thấu cơn đau!
Miền núi cao xơ xác bóng mây sầu
Cơn thấp khớp đã làm mầy kiệt sức
Một ngày kia nghe tin mầy vội mất
Xác mầy đành vùi dập ở sườn non
Xin chào vĩnh biệt! mầy ngủ ngàn năm.

        Nghe tin anh chết, chúng tôi gồm các bạn học cũ của anh ở Trà Vinh có lên nhà ba má anh ở Đầu Bờ để chia buồn với gia đình anh. Chúng tôi những người với mái tóc đã phong sương về nhìn lại cảnh cũ mà ít ra cũng một vài lần viếng qua trong mấy dịp đạp xe lên vùng nầy ăn mía…bùi ngùi nhớ anh, người bạn hiền chân chất…không bao giờ gặp nữa!
          Biết chồng đã chết ở trong tù, Phương người vợ đau khổ với ba đứa con trong cuộc sống đầy phân biệt của bọn người chiến thắng. Người mẹ trẻ đã thấy không còn lối thoát nào khác hơn là phải chạy khỏi đất nước…và nàng dẫn ba con gạt lệ nói với hương hồn chồng. “Hạnh ơi! Em phải tìm cuộc sống mới tự do cho các con, em đành xa quê nhà và bỏ anh lại miền giá lạnh Hoàng Liên Sơn…có bao giờ? Có bao giờ gặp lại anh ...Hạnh ơi…!”
         Ít lâu sau tôi được biết vợ anh đã dắt ba đứa con vượt thoát được khỏi Việt Nam. Chúng tôi rất đổi mừng vui, vì tương lai ba đứa con Hạnh chắc chắn nên người ở trong vòng tay của một đất nước tự do nào đó.
          Thời gian trôi đi biết bao thăng trầm cho mỗi người trong cơn hồng thủy. Mỗi người mỗi tình huống khác nhau tuôn chạy khỏi đất nước mà ở đó từng ngọn rau cọng cỏ, từng dòng nước, từng con dốc quê hương, từng những khuôn mặt thân thương…bỏ hết! Bỏ hết ở lại sau lưng…Nhưng có bao giờ, có bao giờ quên được. Quê hương vẫn réo gọi trong lòng mọi người, nhắc nhớ mọi người đi tìm lại nhau…Cho dù có đi tới tận cùng ở đâu đâu trên thế giới nầy…. Họ vẫn tìm mọi cách để liên lạc với nhau. Các hội đoàn, các tổ chức lần lượt ra đời ở hải ngoại bắt nhịp cầu cho đồng bào Việt gần lại nhau. Với sự tiến bộ về kỹ thuật thông tin. Mạng E-mail đã là mối dây tin yêu, mau chóng để mọi người Việt trên thế giới tìm được nhau. Một buổi sáng  ngồi trước bàn máy computer check Mail. Tôi  vô cùng sửng sốt khi chị Nguyên Nhung là người bạn văn trên mạng thơ văn và là người có thời gian sống tại Trà Vinh trong mấy năm còn bím tóc, luôn nhớ Trà Vinh và gắn liền với bạn cũ Trà Vinh. Nguyên Nhung viết cho tôi:

Anh Luận thân mến,
Anh Luận có biết trong hội Trà Vinh có ai mang tên là Dương bích Phương, vì theo thư của một người bạn hỏi thăm thì mộ của thầy Chung Hữu Hạnh , chồng của chị này đã chết trong trại tù , hiện người ta đã tìm được mộ và phải di chuyển gấp, nếu có ai trong Hội Trà Vinh biết chị Dương Bích Phương ( hay Phượng ) thì thông báo giùm tin này.
     Chị Dương Bích Phương học tại trường Trung Học Vĩnh Bình ngày xưa.
                                                    Kính
                                              Nguyên Nhung

        Từ đó tôi liên lạc được với người học trò cũ của Hạnh qua email:

Sent: Sat, January 23, 2010 2:48:17 PM
Subject: Tìm người thân
                  Kính anh Luận và các anh chị
         Xin cám ơn chị Nguyên Nhung đã chuyển email của tôi đến các anh chị. Xin tự giới thiệu , Tôi là Lương Ngọc Mai ở nhà sách Ngọc Minh là bạn học của chị Lâm Bích Phương , chị Phương là vợ của thầy Chung Hữu Hạnh là giáo sư trường Trần trung Tiên 65 - 67, sau thầy đi nhập ngũ . Sau 75 thì thầy bị giam tù tại trại 2 Hoàng Liên Sơn cùng một tổ đội chung trại tù với ông xã của tôi và thầy đã mất tại đây 78.
           Nhân dịp đọc tin được biết hiện tại nơi vùng này còn 31 mộ không bia ( tin do hội HO cung cấp)ngoại trừ chỉ có mộ của thầy Hạnh là còn bia . Chánh quyền sở tại đã có dự án phóng lộ ngang qua khu nghĩa địa này trong năm 2010
           Hiện nay tôi muốn tìm chị Phương và 3 con ( nghe tin  hiện ở Mỹ ?? ) để thông báo sự việc hầu có thể đem hài cốt thầy về an nghỉ nơi quê nhà .Vì thế , hôm qua tôi có đã làm những công việc sau :
     1- Liên lạc được với ông Hội Trưởng hội HO , và đã biết thủ tục , tin tức cũng như phần mộ rõ ràng
     2- Nhờ hội đồng hương Trà Vinh ở Mỹ tìm dùm qua mục : Nhắn Tin.
    3- Đã liên lạc với thân nhân tôi ở VN để dò hỏi tin tức , nhà chị Phương ở vùng lò heo.
       Với email này, gửi đến các anh chị hy vọng có thêm tin tức về chị Phương và 3 con của thầy.
                                 Kính chúc các anh chị an lành, hạnh phúc
                                                 Ngọc Mai Australia

    Thư đi thư lại, cuối cùng nhờ các anh trong hội Trà Vinh cũng là bạn học cũ của anh như anh Võ Trung Tín, anh Trần Tử Quí, anh Võ Văn Diệu tận tình giúp đỡ …Người học trò cũ của  anh Hạnh đã liên lạc được với vợ anh. Một điều kỳ diêu vô cùng:

Anh Huỳnh Tâm Hoài thân mến
       Thông báo đến anh là Thi Mai đã liên lạc qua phone với chị Hạnh và các cháu rồi. Những email, tin tức đã được chuyển đến chị và các cháu .
Cũng gửi 2 email về 2 bài thơ của anh cho chị Hạnh đọc , qua nói chuyện chị ngạc nhiên và xúc động khi nghe như vậy.Chị Hạnh và các cháu sẽ liên lạc với Hội HO - ASAP .  Được như vậy cũng nhờ sự giúp đỡ và sốt sắng của anh trong thời gian qua.

                   Kính chúc anh một năm mới an lành.
                                  Thi Mai

         Thời gian lại trôi đi với những liên lạc và lo toan cho chuyến đi bốc mộ chồng…cuối cùng Phượng báo tin cho tôi:
            Anh Luận thân mến
       Cám ơn anh rất nhiều anh Luận, chúng tôi sẽ về đến SG ngày 22-6 có thể về thẳng TV. Ngày26 gặp ông Thành, ngày 27 chúng tôi bay ra Yên bái làm thủ tục giấy tờ xong là bốc mộ cùng ngày. Hôm sau ngồi tàu lửa về lại SG .Chương trình là như vậy ̣để anh được rỏ, nếu có gì thay đổi tôi sẻ cho anh biết. Cám ơn anh, chúc vạn sự như ý.

                                            Thânchào
                                        Dương Phương

Và ngày trở về trong chuyến bốc mộ chồng đã đến. Phượng lại mail cho tôi:

Sent: Fri, June 18, 2010 9:44:11 AM
Anh Luận thân mến,
          Còn vài tiếng đồng hồ nữa là chúng tôi lên đường rồi, thật là hồi hợp lắm. Chỉ báo cho anh biết thế thôi. Chúc cuối tuần vui vẽ.
                             Thân chào,
                            Dương Phương

        Tôi gởi Mail chúc chị và các cháu an lành trong chuyến đi lịch sử nầy. Sau bao ngày đi qua gian nan vất vả, ba mẹ con chị Phương cùng đoàn người hướng dẫn đã đến được mộ phần Hạnh mà trước đó Ông Nguyễn Đạt Thành bỏ công đi tìm và ghi dấu. Cuộc khai quật ngôi mộ người tù năm xưa nơi rừng lạnh Yên Bái đã được xới lên. Ba mẹ con hồi hộp trong từng nhát cuốc, trong từng nhúm đất vơi lần…và xương cốt Hạnh được lộ ra như còn nguyên vẹn vị thế nằm chết ngày xưa. Nước mắt Phương trào ra, ba đứa con cũng tràn trề giọt lệ nhìn người cha thân yêu chỉ còn là dáng xương trong huyệt đất. Phương nhận diện được chồng ở bộ răng còn nguyên, đó là chiếc răng cửa hơi khểnh ở hàm trên. Xương cốt được tẩy rửa và gói vào một mảnh vải. Phương ôm gói xương chồng trong nỗi cảm xúc đớn đau:
                        

                                      
Vòng tay xưa ôm nhau trong tình ấm
Ngực sát kề môi đắm nụ hôn yêu
Giờ ôm anh nắm xương khô quấn lạnh
Vỡ tim em những giọt lệ hồn đau

Mấy chục năm anh nằm nơi hoang vắng
Hạnh ơi! Phương đau xót đến dường nào
Hãy theo em về vùng quê ngày cũ
Chắc vẫn còn ghi dấu một thời yêu…!                                   

        Hôm nay người nằm ở sườn núi Hoàng Liên Sơn hiu quạnh đã bao năm qua được vợ con di mồ về lại Đầu Bờ, nơi anh lớn lên cùng với bao người thân, cha mẹ, anh em, bạn bè thương mến. Nấm mộ anh nằm kề bên những người mà chắc rằng bao năm rồi hương hồn anh mong đợi:

Bây giờ mầy đã về rồi
Nắm xương đất Bắc dập vùi bao năm
Mầy về nhang khói miền Nam
Vợ hiền đứng chít khăn tang khóc òa
Ba con cùng vái hồn cha
Hạnh ơi! Yên nhé quê nhà thân yêu....


Nấm xương Hạnh

           Lịch sử chiến tranh đi qua, nhưng dấu ấn của cuộc chiến vẫn còn ầm ĩ trong tâm não của những người mà chiến tranh đã cướp đi sự an bình và sự sống. Đất nước Việt vẫn còn thù hận bởi những bất công, chèn ép của nhà đương quyền đã làm cả nước ngộp thở dưới không khí trấn áp, thiếu dưỡng khí tự do, dân quyền bằng nhiều hình thức tinh vi lẫn thô bạo! Bao giờ? Đến bao giờ đất nước mới có sự sống hoàn thiện cho người dân? Bao giờ giá trị của muôn người nằm xuống cho tổ quốc Việt Nam được an vị công bằng?
Hỡi những vong linh bạn bè! Hỡi những vong linh của bao người chết trong cuộc chiến và sau cuộc chiến. Hỡi hương linh của các bậc tiền nhân giúp soi rọi tâm hồn của những kẻ đương quyền sáng suốt tìm một giải pháp an dân trị quốc trong tự do nhân quyền thật sự!
             
                                  (Sacramento đầu mùa Thu 2010)  






No comments:

Post a Comment

Đoản Văn