Translate

Monday, October 3, 2016

Ở CƠI NĂM



CƠI NĂM
Tặng N/S Hồ văn L, D/S Khưu Hoàng H và D/S Lâm Khả Đ

                 Ba chiếc tàu đóng theo kiểu Thái Lan chạy suốt mấy ngày mới tới chỗ “Đổ quân”. Chặng đường 2 ngày ba đêm, người tù cải tạo nằm chật ních trên sạp tàu, lù mù trong bóng tối dưới khoang hầm. Mọi người tự hỏi: Đi đâu? Họ đem mình đi đâu?”. Có vài anh bạn phục vụ cho các cán bộ được lên xuống rỉ tai: Tàu đi về hướng Rạch Giá …tàu ra đến sông Ông Đốc…. Tàu chạy chậm lại và cặp đất. Khoang hầm được mở ra. Ánh sáng tràn xuống làm hoa mắt. Một “Anh đội” non chẹt quát xuống: Các anh chuẩn bị đổ quân…Mọi người buồn bã thu xếp gói quần áo và vật dụng cá nhân ngồi lên chờ đợi. Mấy ngày nằm vã với mùi hôi hăng hắc của nước lẫn dầu phía dưới sạp của khoang tàu, gió và ánh sáng lùa vào làm mọi người dễ chịu đôi chút…Một cái thang cây được bỏ xuống. Đoàn tù lần lượt leo lên. Ngoài xa xa là một vùng nước mây mù mù. Một anh bạn nói: Ngoài kia là cửa sông Ông Đốc chạy ra biển Đông.

              Tất cả đoàn quân của ba chiếc tàu được xếp hàng trên vùng đất khô, có vài chỗ deo dẻo, nhưng đứng trên được. Sau khi kiểm quân xong mọi người ngồi ngay hàng tại chỗ cho đến lúc ban nhà bếp mang cơm gánh trong các bị cần xé phân phát cho buổi ăn chiều. Nắng rát mặt phả lên đầu lẫn mùi hăng hăng của vùng đất ẵm nước biển, của các động vật dã hoang chết đâu đó làm bữa ăn vội vã đi qua. Tất cả được lệnh di quân đi hàng một vào sâu phía trong và dừng lại một khoảng đất trước vài cái chòi lá để đợi lệnh. Trời xế bóng, nắng dịu hơn. Cái không khí nơi đây thấy dễ thở. Trời mây trong vắt, từng đoàn chim bay từng bầy rợp trên bầu trời. Tuấn tự hỏi: Mình đi về đâu vào khoảng rừng trước mặt… ? Một anh bạn kề tai nói nhỏ: Hồi đó tao có đổ quân đánh một trận vào U Minh”. Anh chỉ tay tôi về phía xa xa, nhưng vì rừng tràm, sậy chắn ngang mặt nên tôi cũng chẳng thấy gì chỉ ừ hử. Anh nói chắc tụi nó đem mình vô đó: Rừng U Minh, tôi nghe loáng thoáng như thế.
              Trời tối dần, một toán du kích tới bao quanh với họng súng chĩa vào đoàn. Một tên Trưởng Đội nói lớn: Một chút nữa hành quân, các anh đi hàng một không được để đứt hàng, người sau nhìn người trước. Ai bỏ hàng coi như muốn chạy trốn sẽ bị bắn bỏ. Các anh nhất trí chưa? Mọi người la nhứt trí nhưng rời rạc. Hắn la lớn: Các anh nói lại. Nhất trí! nhất trí, nhất trí…. “. Hơn một ngàn người bại binh đi trong bóng đêm với vài ánh đèn pin chớp loé, có lúc phải lội qua các mương rãnh, quần áo ướt sũng nước pha lẫn mồ hôi vã mặt mày. Anh bạn đồng hành là một nha sĩ làm việc ở bệnh viện chung với Tuấn. Anh không quen vất vả nên cứ bị thụt lùi ở phía sau vì mệt. Tuấn phải gánh dùm anh một gói đồ cá nhân và hối anh đi theo.Trong đêm tối Tuấn nhìn anh phờ mệt với cập kính cận dầy trễ tuột xuống hai cánh mũi. Trông anh thảm hại vô cùng. Tuấn là con nhà nghèo từ thuở nhỏ, lại có thời gian là lính trận cho nên quen nhọc nhằn, còn anh thì không quen. Khoảng hơn hai giờ băng rừng băng bụi. Lúc đó hơn 10giờ đêm, đoàn quân dừng lại và ngủ dọc trên bờ đường đất. Tuấn cùng anh bạn Nha Sĩ  trải miếng vải nhựa, giăng chiếc mùng nhà binh nằm quay đầu nhau ngủ.Vì quá mệt mỏi nên hai người vùi vào giấc ngủ say. Sáng ra, mặt trời hồng một phía rừng tràm, sậy. Tuấn và anh bạn nhìn một đàn muỗi bụng căng đầy máu của một đêm ăn hút no say bay là đà với cái bụng căng tròn đỏ.  Anh bạn vỗ đập một lúc hai bàn tay đầy máu. Tuấn nhìn hai khúc tay hở của mình cũng đầy những đốt muỗi. Muỗi rừng đói khát…!
               Tuấn tưởng đây là điểm dừng tạm, nhưng không phải ! Nắng sáng rực r hơn phía khoảng rừng trước mặt, lệnh truyền các toán trưởng đi họp. Cả đoàn quân được chia ra từng nhóm 10 người với 20 thước vải nhựa dùng làm trại đóng quân tại bờ mương nầy. Mỗi toán cử một người ở nhà giữ đồ và lo nấu cơm cho toàn toán, một anh lo đi cải hoạt, tìm rau cỏ, câu cá hoặc bất cứ việc gì để có đồ ăn cho bữa ăn 10 người. Tất cả tám người còn lại đi chặt cây tràm nhỏ và cây sậy về che lều. Buổi chiều lều đã được căng xong. Các thanh sậy được lót xen kẽ với cây tràm làm hai mái lều.  Căn lều được dựng lên tương đối che được nơi ăn ngủ cho tù nhân. Có đều cực cho mấy anh chàng lớn con như anh H., anh Đ., muốn vào lều phải mọp lưng bò vào. Lúc rời trại ở Cần Thơ mỗi người được cho một miếng tôn, dùng cây vụn để đóng thành khung, được chở bằng xuồng máy từ tàu lớn đem phát cho mỗi người nên chỗ nằm tương đối ấm lưng. Chiều xuống rừng buồn hiu hắt, mỗi vo ve bay như bụi mỏng, quơ tay có thể nắm trọn vài mươi con. Mới 5 giờ chiều mọi người đã giăng mùng ngồi vào trong để chuyện trò với nhau. Có anh kéo thuốc lào nhả khói mù thơm phúc. Tuấn bò ra, đi nhanh về phía anh bạn thử một hơi thuốc say nhừ. Mấy anh bạn cười sằng sặc vì cơn ho vật vã của Tuấn. Cả hơn tiếng đồng hồ Tuấn mới đi về được chỗ mình ngủ. Anh bạn Nha Sĩ nằm kế bên đã ngủ từ lâu. Có vài tiếng ho húng hắng của anh nào đó ở căn lều kế bên. Gió từ cánh rừng thổi lùa làm miếng vải nhựa hở kêu phành phạch. Có vài tiếng cú kêu cú cú ở một nơi nào không định hướng được. Buổi tối nằm trên bờ mương giữa rừng U Minh. Tuấn moi tấm hình trắng đen của vợ con ra từ gói đồ, nhìn mờ mờ trong ánh đèn dầu nhỏ làm bằng hũ chao. Nước mắt chàng trào ra mặn môi vì nỗi nhớ con…! Tuấn tắt đèn và nằm trằn trọc mãi đến một lúc nào đó rồi ngủ thiếp đi.

Gió lùa xa tận rừng thâm
Gió đưa giấc ngủ căn phần xót xa
Có như vừa mới hôm qua
Đời trăm giấc mộng bỗng sa dốc ngàn
Đêm U Minh đêm mộng tàn
Đón đời mưa gió vùi thân đau hờn

              Trời hừng sáng.Tuấn thức giấc vì cái lay mình đánh thức của anh bạn Nha Sĩ: Dậy đi ông–Sáng rồi!”. Tuấn chần chừ mở mắt vì chàng biết hôm nay chưa có chương trình  đi lao động, có lẽ Trại cho xả hơi một ngày. Anh bạn Nha Sĩ kéo thuốc làm bằng hũ chao kêu ro ro và ngửa mặt thở khói. Thật ra anh chỉ lấy thuốc điếu ngắt ra và dùng cái hũ chao làm bình hút như điếu cầy hút thuốc lào. Anh nói hút như vầy đỡ hao. Anh giục: Dậy đi, tôi pha cà phê xong, làm vài hớp cho tỉnh. Hồi hôm ông thức khuya, bộ nhớ vợ hả?”. Tôi ngồi dậy chống chế: Nhớ thằng con quá anh ơi!”. Anh cười hề hề lộ hàm răng trắng đều: Thằng con anh lớn hơn con gái tôi một tuổi. Ờ.. bằng tuổi đứa thứ hai của anh. Tuấn ngồi hẳn dậy, thu xếp mùng mền và ngồi bên anh hớp một ngụm cà phê đựng trong lon Guizgo. Anh nhóm cho tôi một nhúm thuốc.Tôi rít nhè nhẹ vì sợ say như hồi tối. Anh cười nói: Không phải thuốc lào đâu mà sợ! Tuấn và anh Nha Sĩ hồi đó làm chung bệnh viện Tiểu Khu. Anh làm việc chuyên môn còn Tuấn là Sĩ Quan Quản Lý lo phần Hành Chánh cho nên cũng ít khi gặp nhau, nếu có chăng cũng chỉ có cái chào tay và nụ cuời. Ngoài giờ Tuấn đi nhậu với bạn bè, còn anh thì bận với phòng khám Nha Khoa tư. Đôi khi cũng có lần ngồi với nhau uống rượu, đánh bài chơi giải trí cuối tuần. Anh vui vẻ, cởi mở và luôn có nụ cười hề hà sảng khoái. Với anh có lẽ cuộc đời được đầy ưu đãi. Hồi nhỏ đi học, tốt nghiệp Đại Học, nhập ngũ với chuyên nghiệp, ra trường được đưa về làm tại bệnh viện. Cho nên sự gian khổ đối với anh không có. Trong những ngày tháng bị nhốt tù, tôi với anh như có một duyên ngộ luôn có dịp đi chung với nhau cho dù bao lần chuyển trại. Cũng từ nhiều ngày tháng chung đụng, thâm tình giữa tôi và anh gắn bó hơn. Tôi chỉ cho anh cách nấu cơm khi anh được phân công làm anh nuôi hoặc giả nếu ở nhà với anh thì tôi có nhiều dịp giúp anh hơn. Anh chưa quen vất vả với những công việc tay chân nhưng anh vẫn cố gắng làm vì ở thế chẳng đặng đừng. Anh đã nấu được nồi cơm to cho mười người ăn cùng các công việc khác mà không bao giờ tỏ ra buồn nản? Không biết trong đêm một mình nằm gác tay lên trán anh có nghĩ gì không? Chắc phải có!
           “ Nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại” bọn Tuấn ở khám hơn sáu tháng với biết bao buồn đau, rồi cũng thích nghi! Bây giờ họ đưa đi lao động chốn rừng thiêng nước độc U Minh nầy chắc rồi cũng vượt qua. Trong cuộc sống điều mình nghĩ tới thì vô vàn lo ngại nhưng bước chân vào cuộc rồi thì người ta không còn lý giải nữa mà cố ngoi mình trong tình huống để vượt sống. Cả một đoàn quân hơn ngàn người bị đưa vào đây với lời hăm dọa: Chung quanh đây là vùng của chúng tôi, người của chúng tôi, các anh đừng nghĩ đến trốn, chạy không thoát đâu! Cũng đúng như lời họ nói. Khi tù đi làm lao động bằng xuồng để tải đồ, trên các điểm dừng, có người dùng cái nón nhựa làm gàu kéo, múc nước từ dưới sông lên nấu cơm ăn, bị mấy gia đình gần đó chửi rủa: Liệng bỏ  mấy cái nón nợ máu đó đi, tui mầy còn bẹo nó làm tao ứa gan, liệng ngay! Vì mới xuống đây không lâu nghe họ la chửi la, có anh bỏ tuột chiếc nón trôi chìm theo dòng nước. Tuấn nghĩ họ bị nhồi sọ quá mức cho nên mới ra nông nỗi như vậy. Sau buổi đi lao động đó, trại ra lệnh thu hồi các nón nhựa và răn đe thêm: Đó các anh thấy dân ở đây họ hận các anh thế nào chưa? Cẩn thận không được đi đâu dưới ba người nhé!”. Tuấn suy nghĩ: Đây chắc lại là đòn phép để làm cái vòng vây, làm nản lòng cho ai muốn trốn trại chăng?”. Hơn sáu tháng bị giam giữ ở trong khám, hơn sáu tháng ở trại tập trung Cần Thơ, Tuấn học được một điều mà trước đây khi nghe nói Tuấn chưa phân định rõ “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bây giờ thì Tuấn mới thấy ông nói đúng. Họ dùng chánh sách chiêu dụ, hăm he-bóp chặt-mở lỏng và bóp chặt hơn . Họ nói đi học mười ngày rồi về. Bây giờ thì ai học tốt sẽ được cứu xét cho về. Học Tốt! Học điều gì? Và cái gì để định giá cái tốt? Lâu lâu họ thả một nhóm ít người…xử một số người mà họ gán ghép nhiều tội danh lờ mờ. Người tù đành chấp nhận cho trôi qua ngày tháng với ước mong rồi mình sẽ được về với vợ con, gia đình! Chính cái ước mong nầy đã cho Tuấn và bạn bè vượt qua nhiều cam go buồn bã.
               Đưa đoàn tù xuống đây với mục đích là xây dựng nông trường sản xuất Thống Nhứt. Công việc đầu tiên là tất cả tập trung đi phát hoang, đắp nền nhà, đốn cây, cất láng trại. Mỗi ngày toán trưởng lên C trưởng họp, nhận lệnh và về lều dẫn anh em đi làm. Lúc mới tới đây là vào khoảng cuối tháng giêng. Bây giờ là đầu tháng 4. Trời bắt đầu oi bức và có hôm mây đen vần vũ như sắp có trận mưa lớn. Những cánh rừng ngày xưa bây giờ đã được dọn trống trải bạt ngàn. Vài căn nhà lớn đã được dựng lên theo từng khu vực. Nông trường bước đầu gần thành hình.
              Mưa bắt đầu rơi hạt, đồng vắng loang loáng nước. Đội nông nghiệp được thành lập. Nhóm đầu đi gieo mạ. Nhóm khác đi thu dẹp các bã sậy được dọn theo nhiều luống trước đây, đem đốt làm phân. Mưa nặng hạt, mưa dầm d mỗi bữa. Các căn lều nhiều khi bị gió thốc bay tốc một phần miếng nhựa. Cả nhóm 10 người loi ngoi uớt trong đêm, che lại căn lều.

Mưa! Mưa ơi! Uớt đau người tù khổ!
Chớp ngang trời xé gió rách hồn tơi
Ta thấu biết một lần ta thua cuộc!
Mưa bao nhiêu đổ xuống lạnh run người

Bởi vì đâu khí hùng xưa ngang dọc
Nay cúi đầu cam chịu dấu lòng đau !
Bởi vì đâu bỏ hàng buông tay súng?
Phút giây nầy đánh mất một mai sau!

          Nước bắt đầu tràn đầy trên các cánh đồng. Mạ đủ sức cao để nhổ. Các toán nhổ mạ đẩy những xuồng mạ rải thành hàng trên phân ruộng. Mỗi toán 4 người cấy một công. Đất ở đây là loại đất do lá mục của khu rừng tràm trước đây bị máy bay khai hoang trong chiến dịch càn quét U Minh của mấy năm chiến tranh, cho nên nói đất nhưng thật sự là một lớp phân lá rất dầy cho nên phải dùng nọc soi l để cấy mạ. Một tay cầm tép mạ, một tay cầm cây nọc cấy. Người cấy dùng tay phải đâm sâu và tay kia cắm mạ xuống. Cứ thế bốn người giăng hàng ngang cấy cho hết thửa ruộng một công. Mặt nước lên láng, các đầu sậy phát chéo chơm chổm nhọn, nhiều lúc Tuấn cắm mạ xuống vướng bởi các đầu góc sậy nhọn mà mấy anh bạn gọi là răng chó đâm xước vào tay đổ máu. Mỗi lần bị xước, cứ kê miệng hút máu tay, xé một góc lai áo cột rịt vết thương và cấy tiếp. Sau đó Tuấn cẩn thận hơn, đưa nhẹ xuống chứ không cắm nhanh như mới lần đầu. Buổi cấy lúc đầu cứ kéo dài đến trời xụp tối mới xong vì chưa quen với công việc.Vài tuần lễ sau đó đội cấy có vẻ quen hơn. Nắng vừa xế là xong. Thế là một công rút lại còn ba và từ từ thành hai người cho một công. Bởi cái lệnh thi đua công cấy được phát động. Có vài nhóm làm quá nhanh nên tất cả phải chịu theo chỉ tiêu. Tuấn và anh bạn nha sĩ hộc hơi, đổ đớm mắt lúc mặt trời lặn mà chưa xong. Mấy anh bạn cấy xong vội nhảy xuống cấy hộ. Bởi lẽ đi có nhóm về cùng đoàn cho nên cả C cùng gánh với nhau cho xong việc. Mấy ngàn công ruộng đã xong, công việc còn lại là tiếp tục đào đất làm nền, vào rừng đốn cây to thả cộ theo dòng nước đem về cất trại. Chỉ tiêu đưa ra: Cây tràm nhỏ thì bốn, còn cây vẹt to thì hai cây. Suốt ngày ngâm mình dưới nước lội vào tận trong rừng sâu theo từng nhóm mươi người. Cây chặt xong, sau khi chặt cành lá, túm chụm lại và dùng dây chạy, loại dây leo ở trong rừng cột bó rồi máng vào vai kéo theo đường nước về nơi tập trung. Vùng U Minh có rất nhiều lạch xẻo nhỏ như mắt lưới, mọi người trầm mình dưới nước ngang ngực suốt ngày kéo gỗ! Họ không bao giờ để cho tù ngơi nghỉ, cứ quần quật với lao động. Tuấn cảm giác quên mọi chuyện, cứ xong một ngày rồi về lại lều, cơm nước hát hò, rít thuốc lào với bạn bè rồi đi ngủ. Ngày mai lại tiếp tục công việc. Tuấn nghĩ mình vô tâm tự tại. Họ đã thành công huấn nhục nhóm tù. Chỉ còn lại là nỗi mong đợi được họ thả về? Ôi! Một sự vong thân thật đau đớn và tội nghiệp!
             Các dãy trại đã hoàn tất.Vào khoảng tháng bảy mưa dầm dề. Các lều được dẹp bỏ và mọi người được dọn về ở trong những căn nhà lớn vừa cất xong theo từng C. Lúc nầy toàn trại được thảnh thơi đôi chút với công việc đi đốn cây về là giường ngủ dọc theo chiều dài của trại, phía giữa là khoảng trống. Suốt cả tháng cả C đi câu cá, tìm thức ăn. Nước ruộng mênh mông. Cá từ cá khu rừng tràm sâu đổ ra. Các mương rãnh cá nhiều vô kể. Thả mồi câu xuống, cá ăn liền. Môt buổi đi câu Tuấn có thể đem về hơn một bao bố cá rô mề to gần bằng bàn tay xòe. Các bờ mương chuối thì từng bụi, quầy chín bói quằn trái, mặc sức mà cộ về. Mọi người được ăn ngủ thoải mái nên da dẻ trở nên tốt hơn đôi chút. Đó là lúc được cho viết thơ về nhắn người nhà vào thăm nuôi.Thì ra là vậy! Họ làm việc gì cũng có chủ đích. Họ không muốn người nhà, vợ con nhìn những tấm thân tiều tụy vì lao khổ.
                Nhận được thư Tuấn, má mừng quýnh quáng đưa cho vợ Tuấn xem và nói: Con  đi chợ mua một ít đồ về làm đồ ăn cho chồng con. Theo lời dặn của Tuấn trong thơ, vợ chàng mua thịt ba rọi kho với mắm ruốc, một lon Guigoz đường, một lon Guigoz đường trộn đậu phọng đậm dập với một ít muối và cuối cùng là một lon muối xả ớt. Tất cả là những món ăn dành để dự trữ, còn các món ăn vài ngày như gà kho mặn, thịt kho mặn. Vì hơn một năm không gặp Tuấn nên chuyến nầy ba má, vợ con và đứa em gái thứ 7 cũng muốn cùng đi thăm. Đường đi xa diệu vợi, gia đình Tuấn phải đi xe đò cả buổi mới tới Cần Thơ, ngủ tạm nhà người bà con. Sáng hôm sau đón xe xuống Cà Mau, đi đò đổ về hướng Năm Căn. Đến nơi trời đã xế chiều. Đêm đến không ai thân quen, phải xin ngủ nhờ ngoài hiên nhà người dân như một số người khác cũng đi cùng chuyến thăm. Đêm tối vắng, gió rừng lạnh, muỗi bay rợp trời. Má ba và vợ Tuấn thay nhau quạt muỗi cho hai đứa con của chàng. Sáng ra muỗi đốt cả nhà đỏ đôi tay và mặt mũi. Sáng sớm phải thuê vỏ lãi cùng với nhóm người đi thăm nuôi, chạy hơn tiếng đồng hồ trên con lạch nhỏ dẫn vào trại tiếp tân. Vì nước quá cạn, chiếc vỏ lãi không thể vào gần trại tiếp tân được, nên mọi người phải gồng vác đồ đạc đi một khoảng hơn trăm thước. Một cuộc hành trình dài đầy vất vả cho một cuộc thăm nuôi hai giờ như trại ấn định. 
               Được toán trưởng đọc tên, Tuấn băng đường hơn cây số mới đến điểm tiếp tân. Từ xa Tuấn dáo dác nhìn trong nhóm người lóng ngóng ở ngoài căn nhà lợp bằng lá dừa nước. Tuấn thấy má ẵm đứa con lớn của Tuấn, còn vợ Tuấn bế đứa con thứ hai, đứa em gái và ba đứng gần bụi chuối. Tuấn chạy riết về hướng đó vì sợ không còn đủ giờ thăm. Tuấn ôm con hôn và hỏi: Ba má khoẻ không?”. Đứa em gái vô tư cười nói: Đâu thấy anh hai ốm! Vợ Tuấn thì hai hàng nước mắt chảy dài khi nhìn Tuấn trong bộ đồ lem bùn. Tuấn ôm ba má và nói mọi người vào một góc ngồi bên trong căn nhà theo như qui định. Tuấn nói với vợ: Em đừng khóc họ không cho ai khóc lúc thăm nuôi. Nói là nói như vậy nhưng trong nhóm thân nhân thăm nuôi cũng có người vì quá xúc động dấu mặt khóc. Một thằng oắt con du kích đứng gần thấy nó quát: Được Đảng cho đi học cải tạo, Đảng cho đi thăm nuôi đó là ân huệ cho mấy người. Tại sao khóc?”. Hắn dứt câu: Không ai được khóc nghe không! Tuấn lầm bầm trong miệng: Đồ khốn nạn! Đồ vẹt con!”. Tuấn nén lòng, mọi người ở đây chắc cũng vậy….
             Tuấn nhìn bàn tay má trổ tràm, đôi mắt như đục hơn trước, ba thì tóc bạc trắng. Chắc ba má rầu lo cho Tuấn biết là dường nào! Tuấn hỏi ba má về sinh hoạt buôn bán ở nhà. Ba nói: Tiệm mình đóng cửa rồi, nhưng ba má có cách lo xoay trở được con đừng lo. Ba vò tóc Tuấn như một đúa bé và nói con ráng giữ gìn sức khoẻ. Vợ con của con để ba má lo không sao đâu! Tuấn ừ hử nhưng trong lòng xốn xang thương cho sự nghiệp ba mấy chục năm trời nay đã chấm dứt!
           Tuấn ôm thằng con đầu trong vòng tay. Nó ngơ ngác nhìn mọi người. Ôi! tội nghiệp cho con tôi. Nó đâu hiểu tại sao lại có những người ngồi ở đây. Tại sao có người khóc.Tại sao thằng người kia quát la. Con ơi! Con đâu hiểu cái gian khổ, cái đau nhục của mọi người ở đây, trong đó có ba, có má, có ông bà nội và…Tất cả phải cam chịu trước cái đám vô học, mọi rợ như thằng nhóc du kích kia…!
             Thằng con nhỏ cứ khóc nhè. Vợ Tuấn nói lúc chờ anh ở ngoài bị rớt cái núm vú nó thèm nên khóc hoài. Tuấn bế thằng lớn, vợ Tuấn ẵm thằng nhỏ đến xin tên nhóc du kích ra ngoài kiếm núm vú cho con. Khi Tuấn và vợ Tuấn vừa ra chỗ đứng ban nãi thì thằng nhỏ thấy cái núm ở dưới nước ruộng, nó nói ngọng nghệu : Ó.. Ó. Tuấn cuối xuống vớt cái núm lên. Nó vói tay lấy cái núm vú đưa vào miệng núp và thôi khóc nhè. Tuấn trở vào với ba má và em gái chỉ được 20 phút thì họ tuyên bố giờ thăm nuôi chấm dứt. Má khóc nói: Ráng giữ mình nghe con!”. Vợ Tuấn nói: Anh yên tâm, em ở nhà lo cho các con và chờ anh về. Tuấn ôm con, ôm má, vò đầu đứa em gái, gượng cười nói : Con vào trại, chắc không lâu đâu con sẽ về…?. Tuấn hôn nhẹ vợ và nói: Em yên tâm, anh sẽ về…?”. Ba xiết tay Tuấn nói:  Ba má về, con ráng lo giữ gìn sức khoẻ!”. Tuấn xách gói đồ ăn bước đi một đỗi xa. Tuấn nhìn quay đầu lại thấy ba má, vợ con và đứa em đứng gần bụi chuối vẫy tay. Tuấn chạy một mạch băng đồng để không phải nghĩ ngợi vì niềm xúc động đang trào dâng lên khoé mắt. Tuấn khóc thật sự! Tuấn quay đầu nhìn lại. Tuấn không còn thấy bóng người thân. Hàng cây xanh che tầm mắt. Nắng xế chiều đỏ lòm một vừng mây….

Buồn con mắt ngó chiều xuống chậm
Rừng U Minh tràm sậy khói mây mù
Đàn dơi che khuất vầng mây bạc
Gió rít từng cơn lạnh âm u

Ta nhớ mẹ ta mới sáng nay
Bươn rừng,tay nách cháu lên hai
Vợ ta quảy gói mồ hôi ướt
Tay dắt con thơ bước soãi dài

Lịch sử sang trang ta thua trận
Làm tên “cải tạo” chốn rừng sâu
Đêm muỗi U Minh như sáo thổi
Ngày rong đỉa vắt bủa vây bâu

Cơm muối rau hoang ngày đơm thực
Vài tháng thăm nuôi xẻ ngọt bùi
Mỗi bận ta đau lòng buốt tận
Nhìn mẹ, vợ, con..mắt lệ nhòa

Má nay tóc bạc già hơn trước
Mắt đục quần thâm nỗi nhớ con
Tay má trổ tràm,vai áo bạc
Mới mấy năm thôi má cõi còm

Ba vuốt đầu con “con ráng học”
Sớm về đoàn tụ với làng quê
Mắt ba buồn tủi vì con khổ
Ôm siết vai con lòng tái tê

Hôn con se sắt buồn nát ruột
Cơ cầu nầy con gánh cùng ba
Đôi mắt thơ ngây nhìn dáo dác
Một tên cán bộ nói ba hoa

Em nắm tay anh  run niềm  tủi
Che dấu lệ nhòa manh áo tơi
Nước mắt bây giờ không được chảy
“Ân sủng Đảng cho phải mỉm cười”…!*

Rừng vắng chiều nay nắng vàng phai
Mấy thằng bạn láng nhóm điếu cầy
Thuốc lào nhả khói ngồi im lặng
Mỗi đứa như nhau một nỗi đời

               Ngày tháng kế tiếp là những ngày tiếp tục đắp nền, đốn cây làm nhà. Mưa bớt dần. Bây giờ là tháng 11, lúa bắt đầu trổ đồng đồng, những bầy cá rô, những bầy cá lóc trước đây còn nhỏ từ hướng rừng tràm đổ ra đầy đàn. Mỗi đêm ngủ nằm nghe cá ăn móng ùm ụp vang ngoài đồng. Mỗi đêm đi cắm câu tìm cá ăn chứ không còn đi xa nữa. Chung quanh dãy nhà là ruộng lúa xanh quằng nhánh. Chỉ cần mười cần câu cắm trong vài giờ là có cá ăn dư đầy. Những con cá lóc bằng cườm tay, những con cá rô cỡ ba ngón tay đầy giỏ. Nhớ hồi tháng 5 lúc còn ở lều trên bờ kinh. Hôm đó Tuấn và anh bạn ở nhà lo cải hoạt và anh nuôi. Đang lo không biết tìm câu cá ở đâu vì mới đầu mùa mưa nên khó tìm thức ăn. Cán Bộ trại thì thông báo mọi người không được bắt cá ròng ròng, C trưởng nói: Chỉ ba tháng sau cá sẽ bằng cườm tay mặc sức mà ăn! Hôm đó Tuấn nghe tiếng ục ục của con cá lóc mẹ ở trước bờ mương. Tuấn ra xem thấy một bầy cá ròng ròng đỏ ối một khúc mương. Tuấn nói anh bạn Nha Sĩ: Mình làm càn thử. Anh bạn nha sĩ đồng ý.Tuấn và anh bạn đem cái mùng lưới ra, nhìn trước sau không thấy ai. Hai người nhảy xuống kéo một mùng cá, đem trút vào nồi…Tuấn đem muối đổ vào và đậy lại cho nó chết mau không thôi bị lộ. Bây giờ cá lớn bằng cườm tay. Anh bạn Nha Sĩ nói: Họ nói đúng quá phải không bạn!”.
              Đồng lúa bây giờ vàng cháy. Mỗi C cử người canh lúa đuổi chim. Chim ở đây bay từng đàn mịt trời. Người giữ lúa phải buộc lon dây treo vắt ra đến giữa ruộng, làm hình nộm và la hoáng lên để đuổi bầy chim bay rợp trời. Nước bây giờ cạn ruộng, có hôm Tuấn nghe ục ục ở đâu gần chỗ đứng, chừng tìm ra là cái hang to ăn vào gốc tràm mục. Tuấn cùng mấy anh bạn trong nhóm đào bươi bắt hơn năm con cá lóc to bằng cườm chân. Một anh bạn nói đùa: Cá nầy già có râu rồi các anh! Bọn chúng tôi có một bữa ăn cá nướng trui tại chỗ, nhưng thiếu đế nhâm nhi..
              Mùa gặt lúa đến, ba người một công gặt. Lúa được chất đống và gánh về chất đầy trước sân trại dựa. Máy đập lúa vang rền. Lúa được xếp đầy kho. Cả trại được nghỉ ngơi vài tuần đi hốt cá ở những hố bom vì đồng khô nước rút cá tụ về đó, cứ đem bao tới hốt cá đem về. Mọi người ăn không hết đem phơi khô. Cán Bộ trại nói: Các anh phải dự trữ đồn ăn khô. Mọi người ngầm nghĩ sẽ có một chuyển biến nào đây…? Qua hết mùa xuân đó có một số anh được cho là học tập tốt được trả về nguyên quán. Số còn lại không biết ngày về là đâu!
               Nông trường Thống Nhứt được thành hình với những dãy nhà ở, nhà kho cho từng khu. Một cánh đồng lúa bạt ngàn trải ra không còn là nơi trầm uất và u ám như  trước. Đấy chính là công sức và khối óc của hơn một ngàn quân “Cải tạo”, ở vùng Cơi Năm nầy, nếu tính thêm vùng Hòn Đá Bạc của các nhóm khác thì hơn 2000 người. Với bàn tay và với các dụng cụ thô sơ, họ đã biến đổi mật khu của Việt Cộng trước đây thành một nông trường sản xuất lúa gạo. Sự hiện diện của họ đã làm thay đổi bộ mặt rừng rú của U Minh. Họ đã thay đổi cả suy nghĩ của người dân ở đây về cái đám người mà trước đây họ bị tuyên truyền cho là tàn ác, thô bạo, chỉ biết bắn giết và hãm hiếp phụ n. Những người “Cải Tạo”, chính họ đã cải tạo ngược lại đám du kích ngu dốt, đám cán bộ cuồng tín và đám dân bị nhồi sọ đầy gian ác của Cộng Sản.Với phong cách hiền lành trí thức, với trình độ hiểu biết và tài xoay trở, họ đã dạy cho đám dân, đám du kích và đám cán bộ biết đâu là sự thật, đâu là tuyên truyền vu khống. Người dân bây giờ đã thương mến người “Cải tạo” họ cho đồ ăn, cho dầu đốt và mỗi lần gặp là niềm nở chào đón thân tình. Người dân miền quê là như vậy, tình thương của họ lộ ra trong cách nói, cách làm không khách sáo, rất cởi mở. Nhóm của Tuấn gồm các Nha, Dược, Bác Sĩ đi lao động, một hôm ghé nhà một nguời dân xin nhường bán cho một ít dầu lửa để đốt đèn. Sau khi hỏi thăm chúng tôi trước làm ở đâu? Chúng tôi nói là làm ở Bệnh Viện Bạc Liêu. Chị nầy nói hồi năm 1972 khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh càn quét vào đây chị và chồng bị  thương, được trực thăng tải thương về Bệnh Viện Bạc Liêu và nằm điều trị ở trại 4. Chị nói b/s điều trị cho chị là b/s Nh. Tuấn nói chị biết cô y tá tên Chi không? Chị nói: tôi nhớ, cô ấy tốt và tận tình lo cho chúng tôi. Anh bạn Nha Sĩ mau miệng: Chị Chi là vợ của anh nầy đó, anh chỉ tay về phía tôi. Chị tỏ ra mừng r và hỏi: Chị có khoẻ không và có vào đây thăm anh không?”. Tuấn cười và nói có vô đây thăm một lần. Chị nói lời tri ân và cho chúng tôi một chai dầu lửa cùng một quày chuối…Sau đó vì biết nhóm Y, Nha sĩ nầy, nên một số người dân địa phương bị bịnh hay đau răng có đến Trại xin chữa giúp. Sự việc trên đã làm mất mặt đám Trạm Xá, nên Cán Bchỉ huy nông trường ra lệnh Cấm là trại viên không được tiếp tục công việc chữa trị cho dân và cấm tiếp dân tại láng trại. Các Cán Bộ Trại bây giờ không còn e dè cách biệt như trước, họ gần gũi với trại viên hơn, đôi khi còn mang rượu tới nhâm nhi với anh em. Có hôm sau khi nhâm nhi vài ly rượu một anh cán bộ dân Hà Tĩnh nói “Nếu bác Hồ chọn miền Nam, miền Nam thắng miền Bắc thì chúng tôi cũng như các anh thôi.” Anh còn nói: Vì chánh sách chung chúng tôi phải thi hành vài điều ngoài ý muốn của chúng tôi… các anh ráng chờ thời gian sẽ được về thôi. Chúng ta là anh em!”. Tuấn nghi ngờ không biết anh ta có nói thật lòng không hay chỉ đưa giọng. Cái dáng anh ta có vẻ chân tình lắm!
               Khi những mương nước gần khô. Trời tháng giêng với những cánh đồng trơ gốc rạ. Con chim quốc ở đâu kêu quốc quốc ngoài xa. Đó là lúc tin tức chuyển trại được chuyền miệng. Đó là những buổi họp kiểm điểm thành tích, thông tin một vài trại viên trốn trại bị bắt lại và bị ra tòa kêu án tù. Cái màn cũ cứ lập đi lập lại. Tuấn buồn rầu nhìn bầy chim đen trời bay về đâu đó trong chiều âm u.
*Họ cấm những người thăm nuôi không được khóc
 **Cơi là tiếng người địa phương nói trại tiếng kinh. Ở vùng U Minh cứ 1000 mét lại có một con kinh nhả phèn. Cơi 1, cơi 2…...
Khác với ở Rạch Giá người ta gọi là kinh 1000, kinh 2000…
Ngoài còn có những con kinh nhỏ xẻ ngang như bàn cờ.
                                                     
     (Khắc ghi những ngày tù ở vùng Cơi Năm U Minh hạ)




No comments:

Post a Comment

Đoản Văn