Translate

Monday, October 3, 2016

NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI



Ngã rẽ cuộc đời
Viết theo một câu chuyện thật, thêm vài hư cấu.
Tên tuổi nhân vật trong truyện là một ngẫu nhiên do tác giả đặt.
Nếu có sự trùng hợp là ngoài ý muốn tác giả.HTH

           Sau mấy tháng trời bị giam ở trại giam Tỉnh Cần Thơ, Vinh bị đưa về tập trung ở hậu cứ Trung Đoàn 33 Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 21 cũ gần phi trường Trà Nóc. Trong thời gian ở đây, anh được vợ tiếp tế đồ ăn theo từng tháng. Lần cuối cùng vào tháng 11 năm 1976, Vinh nhận được giỏ đồ ăn của vợ kèm theo bức thư:
                Anh Vinh yêu quí của em,
          Đây là giỏ đồ ăn cuối cùng em gởi cho anh…em đã khóc mấy đêm liền với nỗi giằng co đau khổ đến tột cùng để đi đến quyết định…cái quyết định rất khó khăn với em và rất tàn nhẫn với anh: Đó là em quyết tiến một bước nữa, nghĩa là em bỏ anh và đi lấy người khác….Anh đừng vội trách em và mắng nhiếc em vì trong tình thế nầy em không còn chọn lựa nào khác. Như anh đã biết trong thời gian chung sống với anh. Chúng ta có năm đứa con sinh liền năm. Khi anh đi rồi không có gì để lại cho em để lo cho các con và cho anh. Em đã bán hết các tư trang và một số vốn nhỏ để dành để tiêu xài cho việc thăm nuôi anh và nuôi các con thơ dại. Phải chi gia đình ba má em còn thì em có nơi nương tựa…như anh đã biết cả gia đình em được anh Hai em bốc đi sáng ngày 30 tháng Tư. Bởi chờ đợi anh mà em đã lỡ cơ hội cùng đi. Em cũng chẳng tiếc rẻ về chuyến đi đó. Nếu không có anh, em cũng chẳng đi! Thôi thì cũng là số phận.!
         Gần hai tháng nay em không có tiền để trả tiền mướn nhà vì phải dành để lo cho anh và các con. Ông người Tàu góa vợ, chủ căn nhà mình mướn đã không lấy tiền mướn nhà mà còn phụ giúp em trong mấy tháng gần đây. Ông ấy cảm cảnh khổ nhọc của em. Ông hỏi ý em bằng lòng ở với ông ta thì ông sẽ lo bảo bọc mẹ con em đầy đủ. Ban đầu em tức giận và đuổi ông ta ra khỏi nhà, nhưng chẳng những ông ta không giận mà còn tiếp tục hỏi han và giúp đỡ em. Mỗi ngày nhìn năm đứa con ăn cháo để nhín tiền mua đồ ăn đem tiếp tế cho anh mà em đau lòng quá….Cuối cùng em gật đầu…
         Anh ơi! vì các con mà em phải hi sinh đời em để cho các con sống được trong thời buổi cùng khổ nầy. Mong anh thông cảm và đừng trách em. Em biết em bỏ anh lúc nầy là vô cùng tàn nhẫn, nhưng để các con chết trong đói rách thì còn tàn nhẫn hơn anh ơi! Thôi chào từ biệt anh. Mỗi tháng em sẽ nhờ chị bạn gởi đồ ăn đến anh…
Tha thứ cho em….
                                                                     Vĩnh biệt anh,
                                                                          Phượng  


         Đọc xong bức thư, Vinh ôm đầu và gục khóc đau khổ.Anh ném thức ăn vung vãi ra ngoài sân. Các bạn cùng láng ngạc nhiên hỏi Vinh. Anh nhầu nát bức thư ném xuống đất: “Con vợ tôi bỏ tôi đi lấy thằng Tàu nào đó rồi…”. Vinh ngồi bất động như mình bị rơi từ trên cao xuống vực thẳm...
      Sau một lúc anh em quây quần hỏi han và an ủi, Vinh lấy lại bình tĩnh và kể lể tự sự cho các bạn đồng cảnh tù nghe. Một anh bạn nói: “Vợ mầy rất can đảm.... đáng tôn trọng. Vợ mầy hy sinh đời mình để lo cho các con mầy…Thôi đừng buồn…Có nhiều bà không nói mà âm thầm cắm sừng thì sao...?!”
       Sau mấy lần chuyển trại từ U Minh đến Rạch Giá rồi đến Xuân Lộc, Vinh được thả về năm 1988. Sau khi ra trại anh về thẳng nhà ba má ruột của mình ở ngoại ô Tỉnh Mỹ Tho. Vài tháng sau đó Vinh về lại Cần Thơ để dò tìm tin tức vợ con xem thế nào thì anh biết gia đình người Tàu nầy đã đóng tàu vượt biển hồi năm 1980 mang vợ anh và 5 đứa con cùng đi. Vinh buồn rầu nhớ nhung vợ và các con, nhưng anh thấy giờ đây Phượng cùng các con anh chắc chắn sẽ có đời sống tốt. Các con anh sẽ có tương lai sáng sủa hơn. Vinh quay về quê nhà, sống hẩm hiu với khung vườn và mảnh ruộng …anh phó mặc cho thời gian trôi qua với những cơn say mù trời tối mắt.
        Vinh được anh em cho tin về việc chánh phủ Mỹ có chương trình HO để đem các sĩ quan cũ của Chế Độ VNCH sang Mỹ. Anh nộp đơn xin ra nước ngoài theo diện HO, nhưng cũng rất hoài nghi về chuyện nầy. Tuy nhiên từ đầu năm 1990 đã có đợt đi đầu tiên và kế tiếp. Vinh mong ngóng chạy lên Sài Gòn với nhóm sĩ quan cũ hỏi han tin tức, bàn bạc chuyện gì sắp đến cho tương lai ở đất mới….Đây là một sự thật chứ chẳng còn là điều hoài nghi!
       Cuối cùng anh được công an Xã kêu lên trình diện. Khi thấy anh bước vào văn phòng, tên công an niềm nở đưa cho anh cái giấy của Bộ Nội Vụ cho anh đi xuất cảnh sang Mỹ với diện HO. Anh cầm mảnh giấy với cơn xúc động mãnh liệt….một nỗi mừng vui như bay bổng lên không. Anh thấy mình như chơi vơi giữa vùng mây bạc. Anh muốn hét cho thật to, anh muốn ôm chặt từng thân cây ngọn cỏ quanh con đường dẫn về nhà. Anh sẽ được giải thoát khỏi nơi chốn ngục tù nầy. Ngày trước anh tự chui vào trại tù “cải tạo…”. Khi được thả ra, anh những tưởng sẽ được khá hơn…Nhưng anh đã lại lầm một lần nữa. Cái nhà tù lớn ngoài xã hội còn nhẫn tâm và tàn khốc hơn trong trại. Ở trong trại tù “cải tạo” chung quanh là anh em cùng cảnh ngộ. Mọi thứ gần như giống nhau. Còn bên ngoài nầy là một xã hội với sự phân cách đối xử với những người tù mới về từ phía chánh quyền và một số con người vô học ngoi lên từ sau mùa “Cách Mạng” lên mặt dạy đời…Thật sự còn khiếp đảm hơn! 
       Vinh đến Mỹ khoảng năm 1993 và được định cự tại San Jose với sự bảo trợ của một người anh bà con di tản hồi năm 1975. Điều bất ngờ nhất là trong buổi nầy anh gặp lại Phượng và các con anh.
                             *********************
        Cố gắng dằn lòng xúc động khi nhìn thấy Vinh từ xa, người anh ốm và đen trông rất thương tâm…, cái trở lực thấy mình có lỗi với anh vì đã bỏ anh trong lúc bị ngã ngựa làm Phượng bối rối không biết phải làm sao cho hợp lý. …Nỗi trắc ẩn thương anh làm nước mắt Phượng trào ra không ngăn được. Hơn mười mấy năm xa cách…hơn mười mấy năm nàng vẫn nhớ anh với những mặn nồng tình nghĩa vợ chồng…
        Trong những ngày biến động năm xưa, chiến tranh tràn vào thành phố khi VC lợi dụng ngày hưu chiến để tiến chiếm vài các thành phố miền Nam vào Tết Mậu Thân. Qua cơn bất ngờ, Quân Lực Miền Nam đã phản công và đánh bật VC ra khỏi thành phố và lần hồi chiếm lại vị thế mạnh như trước đây. Trong những ngày sau Tết, đơn vị Vinh còn đóng chốt bảo vệ thành phố và hành quân mở vòng đai quanh các vùng lân cận ngoại thành. Đơn vị chàng đóng tại trường Trung Học mà Phượng đang học vào ban đêm và thường rút đi vào sáng sớm. Phượng quen anh qua một bức thư rất tình cờ….
        Một buổi sáng vào lớp học, Phượng bắt được một bức thư trong học tủ ngay chỗ mình ngồi. Có lẽ anh chàng biết tên Phượng do cái tên khắc trên mặt bàn? Phượng cầm bức thư có đề tên mình ở ngoài bì thư qua nét viết chắc chắn là của một người con trai. Phượng dáo dác nhìn mọi phía xem có ai thấy hành động của nàng không và đút cái thư vào cặp. Tự dưng Phượng nao nao hồi hộp không biết thư của ai, nàng muốn giở ra xem ngay nhưng lại ngại mấy nhỏ bạn khám phá ra chuyện thư từ của ai đó gởi cho mình thì phiền lắm. Nàng định bụng chờ tan trường về nhà hãy xem lá thư ấy.
         Vừa về đến nhà, Phượng đi ngay lên lầu, ngồi vào bàn học của mình và bóc thơ ra xem.

                                      Cô Phượng thân mến,
       
Tôi xin lỗi cô trước vì quá đường đột viết bức thư nầy khi mà chúng ta chưa quen biết nhau. Đơn vị tôi đóng quân đêm ở trường cô. Rất tình cờ tôi ngồi vào ngay cái bàn với cái tên Phượng khắc trên mặt bàn. Tôi định viết thư về cho ba má tôi, nhưng nhìn thấy tên Phượng, bỗng dưng tôi đổi ý và viết bức thư nầy với ước mong ngày mai khi chúng tôi rời khỏi đây và cô vào lớp học sẽ nhận được bức thư xin làm quen nầy của tôi…Tôi rất bối rối…không biết thư nầy có có đến tay cô không? Cô có ghét tôi không khi tôi làm một chuyện hơi phiêu lưu..? Nhưng tôi có lòng tin, chắc chắn là bức thư nầy sẽ được cô đọc. Tôi xin được làm quen với cô, mong rằng cô sẽ chấp nhận và chúng ta sẽ có dịp liên lạc với nhau.

                                                               
KBC….ngày…tháng…năm…
T/U Đỗ Quí Vinh

          Đọc xong bức thư, Phượng thấy lòng mình bị xao xuyến kỳ lạ…và nghĩ…nếu bức thư nầy mà lọt vào tay con Lan ngồi kế bên thì nó trêu cho mà biết. Phượng ngồi bật ra ghế nhìn qua khung cửa sổ, phía khoảng trống sau nhà nắng chiều loang loáng vàng bên hàng cây. Con chim chìa vôi nhảy chuyền trên nhánh lá xanh hót líu lo. Trái tim non nớt của cô nữ sinh lớp Đệ Tứ chưa biết yêu, vẫn còn nhảy dây, đánh vũ cầu vô tư với bạn bè…nay như có một luồng cảm ứng len lén vào hồn…mặc dù chưa biết người viết thư là ai, nhưng nàng cũng cảm giác như có một cái gì đó kỳ lạ khuấy động hồn nàng…Phượng nhìn về một hướng xa xăm vô định. Nàng như bay bay trong một niềm vui nào đó không hình dung được. Phượng hát khe khẽ…“Tình yêu như trái phá con tim mù lòa…một mai thức dậy…”. Tình yêu là gì? Yêu là gì? Có phải là đôi tay quấn quít…? Có phải là những nụ hôn…? Có phải là những bức thư nói điều nhung nhớ…? Có phải…? Là gì nhỉ…? Phượng thấy những đứa bạn có người yêu…Phượng nhìn họ một cách lén lút mà chưa biết được những gì ở đôi trai gái yêu nhau. Họ sẽ có những cử chỉ gì trao nhau? Đôi khi đọc các truyện tình yêu trong các quyển sách, sao mà đẹp quá! thơ mộng quá! Phượng nghĩ ngợi lơ mơ và hình như nàng đang ao ước một điều gì đó…? Nàng nói thầm:“ Người ta chỉ nói làm quen thôi…sao tim Phượng lại xao xuyến…và ngồi đây nghĩ đến chuyện yêu đương…Nàng thấy đôi má mình như hừng nóng…Sao lạ vậy? Thôi bỏ đi bạn…! hãy đi thay đồ, ăn uống và lo làm bài tập đi, đừng mơ mộng nữa.” Phượng cất giấu cái thư vào tủ bàn, mở tủ áo lấy bộ đồ mặc ở nhà ra thay. Nàng lại bật nằm ngửa trên giường ngủ của nàng…lại nghĩ ngợi miên man về cái thư…. 
        Cuộc tình của Phượng và Vinh bắt đầu rất tình cờ như vậy. Sau thời gian trao đổi thư từ, đến một cuộc hẹn gặp gỡ đầu tiên tại một quán ăn ở bến Ninh Kiều. Họ thật sự yêu nhau và tiến tới hôn nhân.

Chàng mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
…………………………………….
Cưới nhau xong là đi.
                           (Thơ Hữu Loan)

        Sau ngày cưới ba má Phượng muốn Phượng và Vinh cùng về ở chung, nhưng Vinh không muốn. Chàng nói với Phượng “Anh thích sống riêng tư thoải mái hơn”. Hai vợ chồng sau đó mướn một căn nhà nhỏ gần đơn vị đóng quân. Đơn vị chàng đi hành quân, đôi ba ngày thì về. Chàng dành rất nhiều thời gian bên Phượng. Phượng rất mắn đẻ. Sau những ngày tân hôn, nàng có thai và tiếp đến mỗi năm là thêm con. Má nàng nói nàng đẻ như heo. Bạn bè đùa nói với Phượng: “Chồng bồ chỉ đụng giường bạn là có thai”. Phượng đỏ mặt nói: “Tại anh Vinh muốn cho Phượng đẻ một hơi rồi nghỉ”.
        Vinh như con hổ đói. Mỗi lần về nhà, sau khi đi uống rượu với bè bạn. Chiều tối về, anh vào nhà tắm, rửa mặt hay tắm gội qua loa là chàng kéo Phượng vào phòng riêng với hơi men rượu nồng và hơi thuốc thơm. Phượng luôn chiu chồng. Nàng như con rắn quấn lấy thân chàng với đôi môi nồng ướt, dính chặt môi chàng.
       Hình như có một điều gì đó làm chàng ngây ngất và vội vã với nàng. Có lẽ cũng vì về phía Phượng. Với một thân hình cân đối, với lối trang sức đơn giản mà gợi cảm. Nàng hay mặc những bộ đồ bằng vải mỏng, lồ lộ đôi nhũ hoa bên trên và những đường nét mờ ảo phía dưới khi có chàng ở nhà. Tất cả thân hình gợi cảm đó tỏa ra một mùi hương nhè nhẹ thật quyến rũ. Phượng chuẩn bị mọi thứ cho chàng và chờ đợi chàng. Nàng là một đối thủ nồng nàn và chàng chấp nhận chịu thua trận với nụ cười mãn nguyện.
        Đối với chàng, trong các trận chiến khốc liệt hàng ngày diễn ra thật không lường được cái chết… có thể đến bất ngờ! Cái chết bất ngờ trong lằn đạn kẻ thù bay vèo trong trận mạc. Khi về với Phượng, chàng thấy thật sự bình yên với giấc ngủ bên nàng. Phượng là một chiếc phao để chàng bám vào trên dòng lũ cuộn xoáy của chiến tranh. Những đứa con kháu khỉnh tuần tự ra đời là niềm an ủi vô biên với chàng. Tiếng cười tiếng khóc của chúng cho chàng cảm nhận được cái hạnh phúc hiện hữu thật tuyệt vời.
        Nhưng chuyện đời đâu phải như sự mong ước rất bình thường như vậy được mãi mãi. Sau tháng Tư năm 75 mọi thứ đều bị đảo lộn. Vinh đi trình diện với Ban Quân Quản Tỉnh. Chàng bị nhốt ở khám lớn. Gia đình ba má nàng đã di tản. Phượng tất tả với đàn con nhỏ 5 đứa, vừa chạy vạy nuôi chồng. Nàng dành dụm riêng cho mình được đôi ba chỉ vàng để phòng thân. Chỉ sáu tháng sau ngày 30 tháng tư, tất cả số tiền và số vàng dành dụm, cả nữ trang ngày cưới đều bị đem ra xài hết.
        Chủ nhà là một người Hoa. Đã hơn hai tháng nàng chưa trả nợ mướn nhà nhưng ông ta cũng không đòi. Biết nàng có chồng đi tù, 5 con còn nhỏ…Có lần đi ngang nhà nàng, ông nhìn vào…Phượng bối rối sợ ông đến đòi nợ. Nhưng ông không nói gì và bỏ đi….Cuối cùng một ngày nọ ông gõ cửa bước vào nhà khi Phượng đang chuẩn bị giỏ đồ ăn để đi thăm nuôi Vinh. Lúc nầy chàng bị đưa về Bình Thủy. Ông đưa cho Phượng một gói nhỏ và nói: “Em cầm cái nầy để lo cho mấy đứa nhỏ và cho chồng em”. Phượng chưa kịp phản ứng gì thì ông quay người đi ra khỏi cửa. Phượng đắn đo muốn đem trả lại cho ông ấy nhưng quá kẹt tiền nên phải dùng số tiền đó và nói với mình là chỉ một lần thôi. Tuy nhiên với vài lần kế tiếp, ông ta tỏ ra rất ân cần và nói với Phượng: ”Tôi giúp mấy đứa nhỏ mà, em đừng từ chối”. Phượng biết ông ta đã mất vợ từ mấy năm nay, ông sống một mình trong căn nhà liền khu phố, vì mấy đứa con ông đã ra riêng….Chuyện phải đến đã đến. Phượng chấp nhận sự khẩn khoản của ông, xin được sống chung với Phượng để lo cho các con nàng…Phượng trăn trở nhiều đêm không ngủ được về chuyện chấp nhận đó. Sự đau đớn khổ sở chất chồng chỉ trong vài tháng sau ngày “Giải phóng” làm Phượng như chết điếng. Nàng thấy con đường tương lai mù mịt tối đen. Nhìn những đứa con thơ dại sống trong cơn thiếu thốn, nàng nghĩ mình “phải hy sinh đời mình để cứu các con…
          Từ ngày định cư tại Mỹ đến nay có hơn 15 năm, các con nàng đã lớn. Nhờ một số vàng khá lớn mà ông chồng Tàu mang đi, Phượng đã là một bà chủ một cái chợ nhỏ, thu nhập khá nên đời sống gia đình rất êm đẹp. Mấy đứa con nàng có cuộc sống đầy tiện nghi. Chúng rất ngoan và học hành cũng giỏi giang.
         Hôm đón Vinh ở phi trường, chỉ có hai đứa con lớn còn nhớ mang máng cha, nên khi thấy Vinh nó bước nhanh đến ôm Vinh, còn mấy đứa còn lại thì chỉ trố mắt nhìn. Vinh rối rít ôm hôn từng đứa con, quên có Phượng đứng bên cạnh. Hình như một điều gì đó trắc ẩn trong tâm chàng…Chàng ngước mặt về phía Phượng với đôi mắt buồn buồn: “Chào em…..”
          Đối với Vinh lúc nầy mọi chuyện như kết thúc, Phượng có đời sống gia đình riêng. Chàng đã chuẩn bị tinh thần trước khi bước chân vào đất Mỹ. Chàng chỉ bận tâm đến các con của chàng nhiều hơn. Còn với Phượng thì cũng vậy, mặc dù còn thương Vinh nhưng cuộc sống của nàng sẽ không có con đường quay lại. Mặc dù có lúc nàng cũng có ý định sẽ quay lại nếu Vinh sang đây. Người chồng sau cũng nói: “Chồng em sang đây, em hãy về với chồng em…”. Phượng đắn đo…nhưng nàng nghĩ ông ta rất tốt, đã coi các con nàng như con đẻ, luôn luôn chăm sóc Phượng và nhất là cái cơ sở kinh doanh đang phát triển. Nàng muốn có thu nhập cao để lo cho các con ăn học đến cùng. Phượng nói với ông: “Mình ơi! Tôi sống với mình thôi hà…”Ông vui cười rạng rỡ.
          Sau những ngày buồn bã đầu tiên khi sống trên đất Mỹ, Vinh bắt đầu muốn tìm công việc làm để cho ngày tháng qua nhanh, hơn là phải ngồi uống cà phê hằng giờ với nhóm sĩ quan bạn qua trước. Lúc nầy người ta gọi là nhóm HO…
         Với số vốn Anh Văn sẵn có và với những đêm học thêm ESL ở một lớp đêm trong trường trung học dành cho người lớn, Vinh bắt đầu xin việc làm. Được một người bạn làm hãng máy bay ở San Diego giới thiệu, anh nhờ người bạn nộp đơn. Được việc làm anh hân hoan đến từ giã Phượng và các con. Anh muốn thoát xa hơn thành phố có Phượng. Một hành trình mới cho một cuộc sống mới bắt đầu từ đây. Hình ảnh Phượng sẽ không còn can dự vào cuộc sống của chàng. Anh, Phượng mỗi người sẽ có một phần đời riêng.
        Năm 2000 Vinh trở về Việt Nam để thăm ba má chàng. Mọi thứ ở đây hình như đều xa lạ. Con đường, góc phố và cả đến con người, Vinh có cảm giác mình đang ở một đất nước nào đó, chứ không phải quê hương mình. Sau những ngày với gia đình, Vinh dành tuần cuối lên Sài Gòn để gặp lại vài người bạn cũ, đa số không đủ điều kiện đi theo diện HO hoặc vì thiếu ngày tháng ở tù hoặc vì bị thương tật.
        Một đêm còn lại cuối cùng Vinh muốn đi dạo một mình nơi phố cũ Sài Gòn. Chàng đi từ đường Nguyễn Huệ nơi phòng ngủ chàng đang ở ra bến Bạch Đằng nhìn con sông buồn mù mịt. Đức Thánh Trần tay chỉ dòng sông còn đó trơ gan cùng hoang lạnh. Chàng đi vòng qua đường Tự Do, nhìn lại tòa nhà Quốc Hội cũ, qua khu Eden, ngó Tòa Đô Chính năm xưa. Chàng thả bộ dài theo đường Lê Lợi (Tên thời Pháp là Bonard) xem quán Mai Hương ở chỗ nào? Nhà sách Khai Trí ở đâu? Suốt con đường chàng hình dung nhớ lại những quán sách, những hàng bán đồ tạp bên lề đường…những tà áo dài, những chiếc váy ngắn…Tất cả mơ hồ trong trí não. Dừng trước phòng trà Tự Do cũ, Vinh nghe như có tiếng kèn Saxo réo rắc bài Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn, giọng ca tha thiết của Việt Ấn với bài Hận Đồ Bàn “Người xưa đâu…người xưa đâu…mà tháp kia đứng như buồn rầu?”
          Ôi! Một thời học sinh. Ôi! Một thời trai trẻ…Ôi! Một thành phố Sài Gòn yêu kiều năm xưa với biết bao kỷ niệm nay còn đâu…! “Sài Gòn ơi! Ta đã mất người như người đã mất tên…”
          Đánh vòng qua Công Trường Quách Thị Trang, nhìn khu chợ Bến Thành, ngó qua khu nhà ga xe lửa cũ…giờ không còn bến ga. “Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai lính về ngàn….Tàu cũ năm xưa mang người tình biên khu về chưa…?
        Nhìn tuốt bên kia, nhà hàng Thanh Thế còn bảng hiệu, nhưng chắc gì còn món Bít Tếch ngon như năm nào…! Mỏi chân, Vinh ngồi trên một băng ghế nhìn qua ngôi nhà lầu cao truớc đây có màn hình chạy bản tin mỗi đêm và cũng là nơi pháp trường xử bắn vụ Tạ Vinh. Chàng ngồi thật lâu và nhắm mắt ngửa cổ lên trời để mường tượng lại những hình ảnh cũ quanh công trường. Bất ngờ khi chàng mở mắt ra khi nghe tiếng ai đó khóc thút thít. Một thiếu phụ trẻ ngồi bên bệ xi măng đang gục đầu khóc ấm ức. Chàng mãi mê với những cảm giác quay về với những kỷ niệm cũ mà không để ý tới người thiếu phụ kia. Trời khá khuya chàng muốn quay về phòng ngủ. Chàng đi ngang thiếu phụ nọ và dừng lại hỏi: “Chị ơi có điều gì buồn mà chị khóc giữa đêm như vầy”. Thiếu phụ ngước lên với đôi mắt đẫm lệ và kể mọi sự tình cho chàng nghe.
         Chồng chị trước đây là một sĩ quan đi “Cải tạo”. Anh cùng một số anh em khác trốn trại trốn nhưng bị chúng bắt lại và đánh cho tới chết. Quê chị ở Mỹ Tho lên đây ở giúp việc cho hai vợ chồng nhỏ bạn là bạn học cũ ở trường Văn Khoa hồi trước. Trước đây chồng nhỏ bạn đi biểu tình chống chính phủ, bị truy lùng. Hắn trốn theo một số bạn khác vào mật khu. Sau năm 75 trồi về làm việc ở Thành Đoàn TP. Sẵn có vai vế nên chiếm cứ căn nhà của “Tư sản mại bản” trong đợt đánh tư sản. Chúng mở cửa hàng ăn uống. Trong chuyến về quê, chị gặp lại nó và nó gợi ý nhờ chị giúp một tay. Nghĩ là chỗ bạn cũ và gặp lúc miền quê quá nghèo khổ, chị nhận lời. Chị làm cật lực công việc nhà và cả việc buôn bán tiệm ăn. Công việc nặng nhọc chị không màng tới, nhưng thằng chồng của nó để ý đến chị. Nó đâm ghen bóng gió và đay nghiến vô cớ chị nhiều chuyện. Quá ức lòng chị buồn và bỏ nhà nó ra ngồi công trường nầy với ý định tự tử. Vinh khuyên nhủ chị  và mời chị về phòng mình ngủ vì chị nói là không có ai thân ở Sài Gòn. Ban đầu chị do dự nhưng sau khi thấy Vinh rất từ tốn và khẩn khoản nên chị gật đầu.
         Đêm đó hai người tâm sự với nhau đủ mọi chuyện gần tới sáng. Hình như Vinh ngả lưng trên giường và ngủ thiếp đi chừng mươi phút gì đó. Khi mở mắt ra thì trời sáng hẳn. Những tia nắng hồng chiếu ngang qua khung cửa sổ. Ngoài đường tiếng còi xe nghe inh ỏi. Chị đàn bà ngồi trên chiếc ghế dựa ngoẻo đầu ngủ say. Vinh vào phòng tắm làm vệ sinh và thay đồ. Khi trở ra thì chị đã thức giấc. Hân tên chị, nhìn bâng quơ về một phía góc phòng ngủ. Vinh nói: “Hân vào rửa mặt đi, chúng ta xuống dưới ăn sáng. Tôi phải ra phi trường vào trưa nầy. Hân cùng ra phi trường đưa tôi nghe.
        Sau khi đưa Vinh về Mỹ, Hân trở về Mỹ Tho ở với ba má ruột .Vinh trở lại Mỹ nhưng vẫn liên lạc với Hân thường xuyên. Hai năm sau Vinh xin phép về lại Việt Nam. Trong chuyến về nầy Vinh và Hân cùng đi chơi đó đây. Một tình yêu thực sự nở ra giữa hai người. Ban đầu Vinh cảm cảnh đau khổ của Hân vì nàng cũng là vợ của một chiến hữu chết trong tù. Vinh muốn cứu nàng qua cơn khổ ải. Nhưng trong những ngày gần nhau Vinh tìm được ở Hân có nhiều đức tính gần giống như Phượng của chàng.
         Đám cưới được diễn ra ở tuần cuối trước khi Vinh trở lại Mỹ. Đa số thực khách là họ hàng hai bên, còn lại là các đồng đội cũ của chàng. Sau gần hai năm bảo lãnh, Vinh trở lại Việt Nam đón Hân về Mỹ. Hiện nay họ đang sống rất hạnh phúc ở San Diego.
Ngã rẽ hình như rất vô tình
Chia đường…thôi hết một trời thương
Cánh hạc mút trời xa thăm thẳm
Vết kẻ đường bay đã mịt mùng
Em với vòng tay người không mộng!
Anh với tình anh ở cuối đường…!


                              (Mùa Lập Xuân Nhâm Thìn năm 2012)
                                                       





No comments:

Post a Comment

Đoản Văn