Translate

Tuesday, October 4, 2016

ÔNG TẬP ĐOÀN TRƯỞNG



ÔNG TẬP ĐOÀN TRƯỞNG

           Tư Lượng sinh ra và lớn lên ở ấp Đầu Giồng nầy từ đời ông tới bây giờ, sống bằng nghề làm ruộng rẫy. Đây là đầu của con giồng của xã Phước-Hưng, có người gọi cho đầy đủ là Ấp Đầu Giồng Phước-Hưng. Phía ngoài con giồng là khoảng ruộng ăn liền với ấp Giồng-Trôm. Ấp nằm trên trục lộ liên quận. Đường xe hơi chạy từ tỉnh lỵ Trà-Vinh vắt ngang qua Ấp Đầu Giồng đi xuống Xã Tạp-Sơn. Từ đây có hai ngã rẽ, đi thẳng ra Bắc-Trang, ngõ quẹo qua Quận Trà-Cú. Từ Trà Cú đi suốt tới Trà Kha, ăn vòng qua Cầu-Ngang, Long Sơn, Long Toàn. Đất gia cư ở  Quận Trà Cú đa số được lập thành bởi những giồng cát hình cong như lưỡi sóng ăn tận ra biển. Đất canh tác ở sâu phía xa sông Hậu là những khoảng đất giữa những con giồng. Nhờ nằm dựa bên nhánh sông Hậu cho nên đất pha cát và phù sa làm thành một vùng đất trộn sốp. Đất ruộng rộng hơn từ phía giáp với sông Hậu như miệt Cầu Kè, Cầu Quan, Bắc Trang, Trà Cú, Trà Kha. Ấp Đầu giồng là đất gia cư nằm sâu, xa sông Hậu . Người dân sống quần tựu trên đất giồng. Đất thì không nở ra mà con cháu thì mỗi ngày mỗi đông đem chia tam chia tứ ra nên nguồn lợi tức con cháu mỗi ngày mỗi hẹp. Cho nên hầu hết cư dân ở đây không bà con gần cũng bà con xa với nhau, có khi xa quá, đàn hậu sanh gọi nhau bằng cô chú, cậu mợ, ông bà mà nghĩ nát óc cũng không biết dây mơ, rễ má từ chỗ nào- nhưng chắc có bà con? Có đứa học hành đỗ đạt không nhận phần cho mình hoặc có đứa bung ra đi làm ăn xa cũng xin nhường phần cho người còn ở lại. Nói tóm lại mọi người nhường nhau để  được sống còn. Ở vùng đất giồng thì đâu có nhiều ruộng lúa canh tác, đa số là những giồng cát trải dài. Phải ở tuốt miệt gần nhánh sông Hậu như Trà-Cú,Tiểu Cần mới có nhiều ruộng và đất màu mỡ hơn.Còn cái ấp đầu con giồng này thì cát là cát,cát nóng rát bàn chân, cát rút nước nhanh như gió thổi, mới tưới qua một bận, trở lại thấy khô queo. Ruộng lúa thì bằng bụm tay và chỉ làm được có một mùa. Cho nên cư dân ỏ đây sống chật vật lắm. Những người sống ở gần chợ thì làm nghề buôn bán và lo cho con cái học hành đỗ đạt tiến thân nơi xứ khác. Tư Lượng vì nhà nghèo chỉ mới học tới lớp nhứt thì thôi học ở nhà lo làm ruộng rẫy giúp gia đình. Hồi đó Tư Lượng phải đạp xe đạp mấy cây số tới Phước Hưng để học. Sau nầy khi có trường tại ấp thì thì Tư Lượng đã có vợ con. Tư Lượng thường nói với mấy đứa nhỏ: “Hồi đó tao đi học vất vả, tụi bây giờ sướng lắm chỉ đi bộ mấy phút là tới trường, phải ráng học cho giỏi để nhờ tấm thân sau nầy. Đất ruộng chỉ bằng cái chiếu lát không đủ sống đâu mấy con!

          Bạn bè tản mát, có đứa làm công chức ở quận, ở tỉnh, có đứa vừa tốt nghiệp Trung Học thì đăng lính, có đứa sau nầy lên Đại Úy, Thiếu Tá Quận, PTỉnh, cũng có đứa vô bưng theo Việt Cộng. Tư Lượng thì vẫn bám miếng đất giồng mà sống. Cuộc sống cực khổ nhưng không bon chen lấn lướt, cứ tay làm hàm nhai và một mực chan hòa ân nghĩa với đại gia đình ấp Đầu Giồng nầy qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước. Nhưng nó đã bị thay đổi kể từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975. Mấy đứa làm quan, làm lính thì hớt hơ hớt hải về từ giã gia đình rồi đi biệt dạng có đứa lột áo lính buồn hiu nằm rút trong nhà. Còn mấy đứa ở ngoài về thì đeo súng quấn khăn rằng kêu gọi người dân ấp giồng đi hợp liên miên. Có đứa ăn theo đeo băng đỏ nghênh ngang hách dịch. Có người vui, có kẻ buồn. Riêng Tư Lượng thì có cả hai. Vui vì thấy từ nay hết giặc giã, buồn lo vì thằng con lớn đi lính nghĩa quân ở xã không biết có bị gì không? Hồi đó Tư Lượng phải đút lót lắm mới lo cho nó được làm lính tại đây. Tư Lượng nghĩ nó có làm gì đâu mà phải sợ như vậy. Nó gác ở văn phòng xã chứ có đánh đấm gì đâu!? Nhưng anh nghe thằng Dũng con anh Hai Muôn  nói trong buổi họp: đi lính một ngày thôi cũng có tội với Cách Mạng làm anh đâm lo. Thằng Dũng hồi đó học hết lớp nhất thì nghỉ học ở nhà phụ làm ruộng với gia đình đâu được vài năm thì đi đâu mất. Anh Hai Muôn nói với mọi người là nó đi làm ở Sài Gòn. Mọi người ở đây cũng chẳng thắc mắc về chuyện không có mặt của nó ở Ấp nầy. Hoàn cảnh ở đây chuyện người nầy người kia bỏ Ấp Đầu Giồng để đi làm ăn xứ khác là chuyện thường mà. Nhưng sau ngày 30 tháng tư năm 75 người thấy nó trở về tiếp thu xã PH. Mấy bữa trước nó về đây họp dân. Thằng Dũng coi vậy mà ăn nói rất hùng hồn. Hai Muôn đứng phía dưới nầy nghe nó nói chánh sách nầy chánh sách nọ rất lưu loát. Hai Muôn nở mặt với mọi người, cho bõ mấy lúc trước h ai hỏi tới nó thì anh dấu quanh dấu quất.
        Mấy ngày sau đó có lịnh tập trung lính và mấy người làm trong xã học tập ba ngày rồi được cho về làm dân. Riêng ông xã trưởng Ngâu và một số người khác thì bị giữ lại và đem đi đâu không ai biết. Có người nói chắc bị ở tù lâu lắm, có người nói sẽ bị đem ra tòa án Nhân Dân xử. Tư Lượng không quan tâm mấy chuyện nầy chỉ biết thằng con của mình được ở nhà lo làm ruộng với anh là mừng rồi!
         Tư Lượng có một người bác thứ hai theo phong trào Việt-Minh bị chết ở mật khu Long-Toàn hồi trước năm 45. Bác có hai người con một trai,một gái, thằng con lớn đi tập kết hồi 54. Bác hai gái có một căn nhà ngang hong chợ, bác bán đồ tạp hóa nuôi con gái ăn học. Thắm, con gái bác học trường sư phạm Vĩnh-Long và đi dạy học ở Trà-Vinh. Thắm có chồng Trung Úy làm việc ở Bệnh Viện phối hợp dân quân y tỉnh. Chồng Thắm  theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản Tỉnh trình diện và hiện đang ở trong khám lớn. Phần chồng đang ở tù, phần lo đi dạy, phần thì họp hội liên miên. Thắm đem hai đứa con nhỏ đứa ba tuổi, đứa năm tuổi về cho bà ngoại coi dùm. Bác Hai buồn rầu vô kể. Bác lo không biết thằng chồng Trung Úy của con Thắm cái thằng rất hiền từ. Quê của nó ở đâu ngoài miền Trung. Nó mồ côi cha cũng như con Thắm. Hồi con Thắm dẫn về giới thiệu nó nói trọ trẹ khó nghe hết sức. Bác Hai ngần ngừ không muốn gả, nhưng thấy nó thiệt thà thuơng con Thắm và lo phụ tiền bạc cất nhà cửa cho bác khang trang nên bác động lòng. Đám cưới của nó rất đơn giản. Má của nó ở ngoải có về dự một lần đó. Nhưng rồi vì xa xôi nên sui gia cũng không gặp lại. Bác hai hỏi Dũng con Hai Muôn, nó nói chánh sách mà bác, bác đừng lo chỉ đi học 10 ngày thôi. Học cho biết chánh sách Cách Mạng và Nhà Nước ta mà. Bác nghe vậy cũng mừng! Nhưng 10 ngày, rồi một tháng,rồi một năm chẳng thấy bóng dáng thằng con rể về. Tội nghiệp con Thắm con bà phải đi thăm nuôi dài dài. Ít tháng sau Thắm xách gói về nhà ở luôn vì cô giáo có chồng là ngụy quân đi học tập không được tiếp tục dạy học. Từ ngày Thắm “mất dạy”về nhà lo buôn bán, bà Hai thấy vậy mà cũng được, có người gánh vác cho bà, chứ một mình lo buôn bán, rồi lo cho hai đứa cháu ngoại nữa rất cực nhọc.
          Sinh hoạt ruộng rẫy cũng làm ăn bình thường,mặc dù có nhiều tin tức nầy nọ,nhưng chưa có chuyện gì xảy ra. Chỉ có việc các tiệm buôn bán lớn bị kiểm kê, còn cái tiệm của bác Hai thì vẫn còn hoạt động bình thường. Người ta chỉ đánh bọn “tư sản bóc lột” thôi? Bóc lột chỗ nào bác Hai đâu thấy. Như nhà anh Hai Thưởng bà con bạn dì với bác ở Phước ng. Người ta làm ăn cực nhọc từ nhỏ, nhưng nhờ khéo lo khéo tính lại hà tiện, hà tặng mới có cơ ngơi như vậy, buôn bán sòng phẳng chứ có bóc lột ai đâu! Bác nghĩ không biết mấy ông nầy làm cái gì khó biết quá?!
           Một hôm Tư Lượng đang ngồi uống cà phê ở cái quán gần đường lộ xe. Chiếc xe từ Trà Vinh ngừng lại, một ông cán bộ đội nón cối ăn mặc có khác với mấy chú bộ độ ở đây quá. Bước xuống xe nhưng ông ta cứ đứng nhìn quanh quất một hồi, chừng như là người ở xa lắm mới về. Tư Lượng đứng lên đi về phía người ấy hỏi:
             -Ông Cán Bộ chắc muốn kiếm ai chứ gì?
         Ông ta lộ vẻ mừng r và nói giọng đặc sệt Bắc kỳ:
             -Dạ tôi ở xa về. Tôi muốn tìm nhà bà hai Dậu.
             -Ông là gì với bà Hai?
             -Dạ tôi là con của bà Hai.
         Tư Lượng trố mắt nhìn người đang nói chuyện với mình, rồi vội ôm hai vai người nầy hỏi:             
             -Anh là anh Hai Quốc phải không?
             -Thế anh là ai đây nhĩ?
             -Tôi là Lượng đây.
         Hai người nhận ra nhau, mừng vui và hỏi han đủ điều. Tư Lượng dắt tay Quốc đi rẽ qua hong chợ, khi đến trước cửa nhà, Tư Lượng gọi lớn: Bác Hai ơi! anh Hai Quốc về rồi nè. Bác Hai đang đúc cơm cho hai đứa cháu, xoay người nhìn ra. Hai Quốc bước đến ôm hai vai bà. Bác Hai sẩn sờ… không ngờ nó còn sống, đứa con mà bà tưởng như đã chết từ lâu rồi! Nước mắt bà ràn rụa chảy. Bác hai khóc trong nỗi sung sướng bất ngờ vì cuộc trùng phùng nầy. Tư Lượng đứng nhìn cảnh xum hợp đầy nước mắt một hồi, rồi nói với bác Hai và Hai Quốc: Cháu phải về nhà lo chút việc. Tư Lượng định bụng chiều nay làm con gà nhậu lai rai với Hai Quốc. Hồi nhỏ hai anh em thân nhau lắm mà!

                                     ************
         Hai Quốc đi tập kết hồi năm 54, lúc ấy anh mới 15 tuổi. Anh từ giã mẹ và người thân với gói hành trang là một túi vải với mấy bộ quần áo cũ bên trong. Gia đình anh lúc đó nghèo lắm, ba mẹ con ở trong căn nhà lá cất trong vuông đất giồng của ông bà nội chia cho ba anh và hai công đất ruộng. Anh nói với bác Hai:má ơi con đi hai năm thôi sẽ trở về. Nhưng anh đi mãi không thấy anh trở về. Mới đầu bác Hai còn mong ngóng, nhưng năm qua năm vẫn bặt tâm hơi. Cho tới khoảng tháng hai năm 1970, giữa đêm bác Hai được người lạ mặt gõ cửa và trao cho bác cái thư gần như nhầu rách. Người lạ mặt nói đây là thư của con bác và đi nhanh không nói gì thêm. Bác Hai nôn nao trong lòng, đưa tay vặn cái đèn dầu cho sáng thêm và banh lá thơ ra đọc.
                                       
    Hải Phòng ngày…tháng…năm 1961.
                          
                Má,
      Có người bạn đi Nam con viết vội mấy hàng nhờ nó đem về cho má biết tin con. Con bây giờ còn đang học năm cuối của lớp trung cấp nông nghiệp. Con vẫn khỏe, thỉnh thoảng con có liên lạc với chú Năm, Chú đang công tác ở miền núi. Má và em ráng giữ gìn sức khỏe.
                                                    Con,
                                              Khưu Vệ Quốc 

           Bác Hai coi xong vội đem đốt cái thư vì bác sợ mọi người biết. Bác vui mừng vì biết con bác còn sống. Bác muốn giữ kín chuyện nầy. Bác sợ trong xã họ biết rồi hỏi han nầy nọ lôi thôi.
            Bây giờ Hai Quốc về với tấm thân yếu đuối bịnh hoạn. Anh bị thương trong cuộc dội bom của máy bay Mỹ năm 1972, đứt mấy đoạn ruột và dập một bên phổi.
            Ngày vào Sài Gòn anh hết sức ngỡ ngàng và không tin thật sự những gì anh thấy trước mắt. Ngoài ấy anh nghe nói miền Nam tiêu điều thảm hại, người dân rách rưới thiếu ăn và sống trong những căn nhà ổ chuột. Nhưng bây giờ…anh ngỡ ngàng nhìn Sài Gòn với xe cộ nhộn nhịp, phố xá hoành tráng nguy nga, chứ không phải Sài Gòn như trong ý nghĩ của anh lúc con tàu chuyển bánh vào Nam.
             Ấp Đầu Giồng bây giờ không giống như lúc anh đi. Căn nhà của má anh cũng khác xa lúc trước. Trước ngày anh đi má anh chỉ có một căn nhà vách lá cột tre ở trên miếng đất giồng. Bây giờ má anh đã có hai căn nhà, một ở chợ và một ở vuông đất đều được xây gạch hẳn hoi. Anh như người vừa chợt tỉnh giấc sao cơn mơ. Anh dấu trong lòng rất nhiều trăn trở. Người ta nói với anh bao điều xem ra chẳng thấy ở đây!
            Năm 1976 khi cả nước “Tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa”. Đất ruộng đều phải vô Hợp Tác Xã, cả nước nói chung cực kỳ xáo trộn. Đời sống người dân bị đẩy vào muôn vàn khổ ải. Cái loa phóng thanh được bắt ở đầu chợ rỉ rả từ 5 giờ sáng cho tới 10 giờ đêm, nào vụ hè thu năng xuất cao cho cả huyện, nào thủy lợi đem nước vào đồng. Đưa tay chỉ mặt thằng Trời, xem ông Thủy Lợi thay Trời làm mưa”. Sau cái đợt để ông Thủy Lợi thay Trời giúp dân thì ruộng bi khô queo vào mùa nắng, úng ngập vào mùa mưa. Dòng kinh nước chảy lờ đờ vì lòng mở rộng quá mức, nước không đủ sức cho dòng chảy vì thượng nguồn cũng bị chia tam chia tứ  các nhánh rẽ vào đồng vùng của mình. Chưa kể đất ruộng gần các con sông bị đào lấy đất đắp đập bị mất toi không cày cấy được. Cuối cùng đập bị vỡ, nước theo dòng sông cuốn đất trôi mất để lại một vùng láng nước mênh mong. Tội cho người dân ở các vùng nầy phút chốc mất ruộng cày cấy. Người dân kêu trời quá đỗi, nhưng ông Trời Thủy Lợi chẳng bao giờ đoái hoài cho dân. Đất Nhà Nước quản lý mà!
            Hai Quốc được ở trên đề cử làm Tập Đoàn Trưởng Ấp đầu giồng vì xét thấy quá trình hoạt động hồi lúc anh làm ở một nông trường ngoài Bắc. Hai Quốc đề nghị Tư Lượng làm Tập Đoàn Phó với ý kiến là Tư Lượng sống ở đây lâu năm có thể hỗ trợ tốt cho anh trong khâu điều hành.
            Cái điều làm Hai Quốc khó xử nhất là ngay trong gia đình mình. Hồi mới gặp mặt Thắm, hai anh em vui cười rộn rã, anh nói về những ngày tháng của anh hồi ở ngoài Bắc. Còn má thì hỏi về chuyện buôn bán làm ăn, đất đai cày cấy. Anh chỉ nói chung chung không dám nói hết sự thật về cuộc cải cách ruộng đất qua các cuộc đấu tố dã man rầm rộ ngoài ấy…và nhiều thứ khác nữa… anh vờ nói lãng sang chuyện khác hoặc giả “Đất nước thống nhất rồi Nhà Nước sẽ lo cho dân. Còn chánh sách là chánh sách chung ai cũng vậy không riêng nhà mình”. Nhưng càng về sau hai Quốc thấy em gái mình có vẻ lạnh nhạt với anh. Nhất là trong lúc Thắm theo mấy nhỏ bạn đi buôn bị Trạm Thuế Vụ tịch thu mất vốn hết mấy chỉ vàng. Nó đâm quạu quọ và không nhìn mặt anh. Nó nói với má “Từ ngày có cái ông Cách Mạng về, nhà nầy gần như tiêu tan”…! Còn má thì không lộ vẻ gì ra mặt…bà ít hỏi tới mấy chuyện như trên. Tuy nhiên khi có lệnh đóng cửa các tiệm tư thương trong đợt cải cách công thương nghiệp, tiệm bị đóng cửa hai ngày để kiểm kê sau đó được mở lại thì mọi mặt hàng phải bán với g qui định của Nhà Nước. Ngày hôm sau có lệnh giới nghiêm. Mọi người không biết sắp có chuyện gì đây? Sáng ra có lệnh đổi tiền. Mỗi gia đình chỉ đem về 200 đồng. Bà hai chưng hửng. Thắm hỏi:Sao kỳ vậy anh hai?”. Chỗ nầy là cái đau nhất của Hai Quốc. Anh nói nhiều chuyện nhưng quên nói cái chuyện nầy, nhưng mà có nói cũng chẳng cứu vãn được gì! chuyện Nhà Nước làm, làm sao cãi lại. Hai Quốc ngọng nghệu. Thắm quít mắt bỏ đi “Con nói mà…!”. Bà Hai thì cầm hai trăm đồng đổi về, nước mắt bà trào ra. Sản nghiệp bây giờ còn hai trăm đồng! Hai Quốc nhìn má khóc thì đau xót lắm, nhưng biết làm gì đây? Nhớ chuyện ngày vàng ngày bạc ngoài ấy Hai Quốc kêu Bà Hai vào phòng riêng nói nhỏ với má: Vài bữa nếu có ai kêu khai vàng bạc má đừng có khai, nói là không có, má nhớ một mực nói như vậỵ. Họ sẽ khám nhà nhưng có con họ không dám làm ẩu đâu! Nhưng Hai Quốc thấy mọi việc ở trong Nam không gay cấn như ở ngoài ấy, các cán bộ trong nầy coi bộ ít hung hăng?
               Ruộng đất đa số ở ấp đều bị vô hợp tác,chỉ còn một số hộ cự tuyệt chưa bằng lòng, đó là các hộ có con cái, chồng vợ hy sinh trong thời chiến hoặc các gia đình có công với Cách Mạng. Chính sách nói là các hộ trên phải tiên phong để làm dấy lên phong trào, nhưng sự thật thì chính các hộ nầy lại phản đối mạnh nhứt. Ông Năm Nhựt cầm cây daot vót đứng trên bờ ruộng nhịp lên nhịp xuống nói lớn tiếng khi Hai Quốc và toán du kích đi ngang: Đất của tao đố thằng nào dám nhào . Bước tới đất tao… tao chém không tha một thằng nào hết. Ông Năm Nhựt ngang như vậy bởi vì trong thời chiến gia đình ông nuôi chứa một số cán bộ, nghe nói có ông nào đó bây giờ làm ở Trung Ương và cũng vì tội che dấu, tiếp lương cho cán bộ. Ông bị chánh quyền cũ bắt giam và tra trấn đến thân tàn ma dại. Hồi đó họ không tìm được bằng chứng còn ông thì một mực chối phăng. Họ nhốt ông trong khám lớn đến một năm mới được thả. Do cái công đó ông Năm Nhứt càng chống vô hợp tác xã rất hăng, gần hai năm nay chưa ai đá động đến ông.
            Hai Quốc điều hành hợp tác xã rất vất vả, ban đầu mọi người có vẻ hăng hái lắm, nhưng dần dà hợp tác xã làm ăn không khá, bởi cái lẽ là kiểu cha chung không ai khóc, thiếu giống, thiếu phân bón nên càng ngày càng đi xuống. Ruộng làm hai vụ nhưng chẳng có vụ nào ra hồn. Qua vụ mùa chia chát qua công điểm chẳng được bao nhiêu và còn phải lo thu góp cho chỉ tiêu mỗi ngày mỗi tăng lên. Trong khi đó các ruộng cá thể vẫn cơm ăn áo mặc, phải giải thích với cái Ưu Việt của công cuộc cải cách ruộng đất để tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa là điểm nào?! Hai Quốc vẫn phải điều hành công việc trong buồn rầu thiếu tin tưởng, nhưng phải chấp hành!
   
            Khoảng đầu năm 1980,vào buổi sáng sớm sương còn dầy đặc, ánh trăng non mờ ảo trên các nẻo đường, là đà trên những hàng tre gai. Các người đi chợ sớm gánh những gánh hàng rau quả, hoặc đẩy trên những chiếc xe đạp những bao bắp, bao gạo. Khi đi ngang khu đất nhà Hai Quốc người ta thấy một người treo lủng lẳng trên nhánh sầu đâu. Mọi người hô hoán lên:
-Mấy chị ơi!có người treo cổ tự tử trong vuông nhà Hai Quốc.
-Thiệt đó không đó chị?
-Đúng rồi! ghê quá!...mà ai vậy? vào xem coi ai, rồi đi báo với công an.
      Mọi người bỏ giống gánh cùng rón rén tiến về phía người tự tử. Có người trong nhóm la lên:
           -Anh Hai Quốc Tập Đoàn Trưởng mấy bà con ơi!
           -Phải đi báo công an liền đi.
           -Chuyện gì mà đến nỗi tự tử?
           -Tội nghiệp Hai Quốc hiền, ăn ở có tình có lý lắm!
      Mọi người bàn tán râm rang một lúc rồi lục đục gánh đồ ra chợ. Công an xã tới cắt dây đem xác Hai Quốc về trụ sở. Bà Hai chạy miết đến ôm xác Hai Quốc khóc thảm thiết. Tư Lượng đứng như trời trồng, chặt chặt lưỡi, lắc lắc cái đầu!
       Cái chết của Hai Quốc được ém nhẹm, người ta đồn đại nhiều tin nhưng chỉ có Tư Lượng biết rõ vì Tư lượng tìm được trên bàn, trong phòng Hai Quốc hai lá thơ trong buổi sáng sớm hôm đó. Sáng sớm Tư lượng ghé nhà Hai Quốc như thường lệ rủ anh đi uống cà phê. Khi bước vào nhà Tư Lượng gọi anh Hai ơi!nhưng không nghe Hai Quốc lên tiếng anh ghé mắt vào buồn nhưng cũng không thấy anh, nhìn lên bàn viết Tư Lượng thấy hai mảnh giấy, anh bước vào trong tò mò xem giấy gì. Đó là hai lá thư tuyệt mạng, một gởi cho Ủy Ban Xã, một cho Bác Hai gái má anh. Mấy ngày trước anh nghe Hai Quốc tâm sự về mấy lần lục xét nhà dân tìm thu lúa cho đủ chỉ tiêu, bà con than thở, trách cứ nhiều quá. Có người dấu được vài giạ lúa cũng bị đem ra thu góp. Người ta cầu xin: “Các ông ơi! chồng tôi bị bịnh, con một bầy, không có gạo ăn làm sao mà sống”? Cứ mặc dân than thở cầu xin, các toán lục soát cứ tuần tự vô tâm làm việc sốt sắng cho đầy chỉ tiêu do trên đề ra! Anh thấy bất nhẫn và chán nản đến tột cùng. Anh muốn tự tử vì người trong xóm ấp đa số là bà con ruột rà không gần thì xa. Nhất là đứa em gái anh cứ đay nghiến, còn má anh thì cầu nhầu: Mầy làm Tập Đoàn Trưởng, mầy biết dân không đủ ăn, lúa thất mùa, hợp tác xã làm ăn rệu rạo thua cá thể thì mầy phải có ý kiến chớ! chỉ tiêu, chỉ tiêu! nhưng không đủ thì đào đâu mà ra lúa…họp hành cứ như là vịt nghe sấm, cứ gật đầu hứa bừa rồi bắt dân chịu, mấy chục năm mầy đi ngoài đó, họ dạy mầy làm như vậy phải không…”? Chánh quyền làm dân đói thì có đi chết hết cho rồi!? Anh thấy như quanh mình bị sụp đổ hết. Anh muốn chết. Anh nói với Hai Lượng như vậy. Bây giờ anh  đã chết thật sự!  Cái thơ viết cho Ủy Ban Xã như vầy:

   Ấp Giồng ngày…tháng…năm   1980

        Tôi, Hai Quốc Tập Đoàn Trưởng Tập Đoàn Đồng Tiến. Tôi trình với các anh. Tôi quyết định tự tử chết, đây là cách tự nguyện của tôi, không liên can tới ai hết. Xin quí anh đừng điều tra hạch hỏi ai. Cái lý do dẫn tôi tới quyết định như vậy bởi vì tôi thấy cách làm ăn theo chỉ tiêu như thế nầy không tốt. Dân đói không đủ lúa ăn mà bức bách thu gom là giết dân! Đảng và Nhà Nước nói bọn thực dân, bọn ngụy quyền đàn áp nhân dân. Miền Nam đói rách tận cùng. Mấy mươi năm sống ở ngoài Bắc tôi cũng được nghe nói như vậy. Nhưng khi về tới Sài Gòn, tôi thật sự hết sức ngỡ ngàng trước hình thái một thành phố hoành tráng, xe cộ chạy ồn ào, mọi người sống sung túc. Tôi phải quăng bỏ mấy cái chén mang từ ngoài Bắc về mong để tặng cho gia đình! Một loại quà mạt rệp! khi về đến quê nhà, nơi tôi đã ra đi từ nhỏ, nay đã khác…Tôi thấy tôi bị lừa …nhưng không còn cách nào khác vì tôi đang trong dòng chảy của kẻ chiến thắng. Sở dĩ tôi tham gia Tập Đoàn cũng vì muốn giúp ích một phần nào cho dân làng. Nhưng…cuối cùng tôi nhận thấy tôi tiếp tay với các anh, làm hại dân! Tôi ân hận và tôi tuyệt vọng! Cái chết của tôi là một cảnh giác cho các anh nên sửa sai, nếu không Nhân Dân sẽ quay mặt, sẽ chống đối các anh và tất nhiên cái hậu quả máu đổ thịt rơi sẽ tràn lan, thống khổ. Giải phóng là làm tốt hơn, tiến bộ hơn, chứ không phải là đạp đổ cái hay cái đẹp đang có để tròng lên cái xấu xa và tàn ác. Lý tưởng Cộng Sản chỉ hay trên mặt lý luận và thích hợp vào thời kỳ Ông Mark còn sống. Bây giờ nó đã lỗi thời không còn ứng dụng được nữa trong cái đà tiến bộ văn minh của thế kỷ nầy! Bám víu vào nó chỉ là kéo ngược cỗ xe, thụt lùi về phía sau lạc hậu.
          Chúng ta chiến thắng miền Nam về mặt quân sự, nhưng miền Nam tự nó đã chiến thắng chúng ta về mặt xã hội kinh tế. Mấy năm sau ngày giải phóng, cái cỗ xe đất nước còn được chuyển bánh là nhờ những gì mà người Mỹ và chế độ miền Nam còn để lại. Khi chánh sách tập trung cải tạo các sĩ quan của chế độ cũ, cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, cải cách ruộng đất rầm rộ thi hành đã làm làn sóng người bỏ nước ra đi, những nhân tài trí thức cùng loạt ra đi. Chúng ta đã mất đi những nhân lực trí não, làm tan rã sức sống của xã hội đang có của miền Nam và kéo miền Nam thụt lùi lại ngang bằng với miền Bắc.
           Tôi thấy miền Bắc cướp công của những người yêu nước trong miền Nam. Chánh quyền gấp rút thống nhứt đất nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa cho cả nước bởi lẽ Trung Ương sợ xu hướng miền Bắc sẽ nghiêng giống theo mô hình xã hội Miền Nam. Thực tế bây giờ chúng ta đi dần về hướng đó?
            Ngày xưa ba tôi theo lý tưởng yêu nước giải phóng dân tộc đã đi theo Cách Mạng chống lại ách thống trị của ngoại bang và ông đã hy sinh. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người vào thời đó cũng cùng một lý tưởng chống xăm lăng, bảo vệ tổ quốc. Những người theo Cách Mạng đều mang cùng dòng máu kiên cường, trong sáng là yêu nước ít ai quan tâm đến lý thuyết nầy, lý thuyết nọ. Chỉ có một số ít người trong lãnh đạo dùng nó để khuyến dụ, lừa bịp và khống chế mọi người phải tuân thủ theo một cách mù quáng, đôi khi họ biết sai lầm, nhưng không còn cách quay đầu lại. Họ đánh liều số phận như những con thiêu thân. Tôi xin các anh hãy sáng suốt tuân thủ theo lương tâm chân chất của người yêu nước thương dân thật tình, các anh phải đấu tranh để sửa đổi lề lối điều hành đất nước sao cho hợp lòng dân, vì dân thật sự, và như vậy các anh sẽ không phụ lòng muôn triệu người đã nằm xuống cho Tổ-Quốc nầy!

                                                     Kính chào các anh!
                                                      Ký tên Hai Quốc




No comments:

Post a Comment

Đoản Văn