Translate

Monday, October 3, 2016

VỀ VƯỜN



VỀ VƯỜN
Bài viết để kính dâng đến hương hồn Cậu Má.
Riêng tặng Chích Chi để kỷ niệm đúng 40 năm vợ chồng-


            Sau năm 1978…Sau khi từ trại tù cải tạo về. Tôi như bước vào một nhà tù lớn hơn. Với sức ép của xã hội mới sau ngày ”Giải Phóng”, đời sống của người tù cải tạo tôi bị cài đặt vào khung mới. Ông Phường Trưởng là chỗ thân quen bạn bè với ba tôi. Ông khuyên tôi nên đăng ký về quê lo sản xuất. Ông nói với tôi; “cháu nên xin về quê ba má cháu đi…trong chánh sách, với diện của cháu là phải tự nguyện xin trước sẽ được chấp thuận theo ý nguyện, còn không thì đến lúc cưỡng bách thì khó mà muốn đi đến nơi mình muốn”. Nghe lời giải thích của chú Phường Trưởng, tôi ký vào giấy xin về quê ba má để lo sản xuất. Thật sự khi về quê ba má, thì tôi chẳng biết phải làm gì vì ba má tôi là tiểu thương, việc buôn bán bị hạn chế và đóng cửa luôn sau đợt đổi tiền. Thương nghiệp lo phân phối hàng hóa cho dân chúng. Ba má tôi xoay sở mua 6 công đất gần chợ để anh em chúng tôi cày cấy kiếm lúa gạo để ăn. Gia đình đông người với 6 công ruộng làm một vụ mùa thì làm sao đủ ăn và sau vụ mùa thì làm gì…? Gia đình chúng tôi vất vả để kiếm miếng ăn cho đủ căn hộ gồm vợ chồng con cháu hơn 15 người. Sẵn còn một số vốn, ba má tôi mua một chiếc xe cũ và vô Hợp Tác Xã Giao Thông Huyện để anh em chúng tôi chạy vạy lo cho miếng ăn gia đình. Nhờ vậy mà sau đợt đổi tiền mỗi hộ chỉ được $200 cho dù trước đó có bao nhiêu, đã tạm sống với số tiền thu được qua các chuyến chuyên chở hành khách lên xuống từ huyện tỉnh. Ba tôi thường than vắn than dài vì cơ ngơi làm ăn gần suốt cuộc đời không còn nữa. Ba cầm cái sổ ký thác Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín có hơn mấy triệu đồng không còn giá trị mà chặc lưỡi. Nước mắt ba tôi ứa ra khoé mắt. Má thì luôn an ủi ba và nói với ba: “Ông ơi! Ai cũng vậy mà…chuyện thời cuộc thì phải chịu vậy thôi. Có người còn nhiều hơn nhà mình nữa….!”

      Thời gian trôi qua với những chuyến xe đi khuya về trễ, ăn ngủ vất vả và bon chen giành giựt nơi bến xe, tôi bị ngộp thở và đâm buồn chán với đời sống làm phụ xế. Sau khi bàn tính với ba má tôi và gia đình bên vợ. Vợ chồng tôi và hai đứa con được anh vợ tôi đem ghe chở chúng tôi với một mớ đồ đạc cần thiết, thêm vài chục giạ lúa về Vàm Kinh Bổn Xồ. Thời điểm nầy lúa gạo ở đâu là cho dân ở đó không được di chuyển qua lại hoặc mua bán. Chợ Lách lúc nầy sát nhập vào Tỉnh Bến Tre. Tỉnh Bến Tre đa số là vườn dừa, Huyện Chợ Lách cũng là miệt vườn ít ruộng nên giá lúa ở đây rất cao so với các chỗ khác. Anh vợ tôi đề nghị nên xin chuyển một số lúa về Lách để ăn. Vì chuyển hộ nên chúng tôi được cấp chuyển theo quy định một số lúa gạo từ quê tôi sang quê vợ.
Tôi bắt đầu sống với miệt vườn từ đây. Căn nhà lá nhỏ được cất bên hông nhà của ông bà Nhạc tôi là chỗ ở của vợ chồng tôi không lâu lắm nhưng có nhiều kỷ niệm.
    Tôi bắt đầu nằm đêm với cái im thanh vắng của miệt vườn, nghe the thé của tiếng dế và các tiếng côn trùng khác….nghe thoang thoảng mùi hoa cam hoa bưởi…qua kẽ hở vách, nghe những giọt mua rơi lộp độp trên tàu lá chuối bên hông nhà, nghe tiếng chó sủa người văng vẳng đâu đây. Mỗi buổi sáng không quá vội vã thức dậy mà còn nằm ngâm nghe chim hót ngoài vườn, nghe mọi hương thơm tràn vào thính giác. Tôi có dịp ngâm mình trong dòng kinh mát rượi ngọt ngào. Đời sống êm ả nhưng hơi buồn với người quen sống ở chợ.
“Sông Cổ-Chiên bến bờ xanh mướt quá
Mặt gương soi đâu mất bụi phong trần”

    Với người chỉ sống ở chợ như tôi không biết cầm cây cuốc, cây xẻng, cắt cây, mé nhánh…Tôi bắt đầu học làm việc vườn khi theo các anh chị bên vợ đi vét mương, bồi đất, bón phân, cào cỏ, tỉa nhánh khi qua vụ mùa hái trái. Tới vụ mùa trái cây thì hái trái cây quanh khu vườn nhà hoặc qua Cồn Phú Đa hái những trái chôm chôm chín đỏ. Chúng tôi ngồi lựa trái cho vào các cần xé to để chờ nhà lái tới thu mua. Tôi biết thế nào là con kiến đất cắn đau nhói khi đi tìm nấm mối. Tôi thưởng thức những trái chín trên cây với hương thơm ngọt lịm. Miệt vườn với bóng che cây trái, với nước ngọt quanh năm làm đời sống của tôi thư thái hơn. Tuy nhiên với người quen sống ở chợ, mỗi sáng với ly cà phê bốc khói với điếu thuốc phì phà thì ở đây hơi khó. Tôi và anh vợ tôi phải đi bộ ra khu chợ ở Vàm Kinh Bổn Xồ để uống cà phê “cơm cháy” bởi vì cà phê miệt vườn nó túng thiếu chất lượng nên mùi vị chẳng thơm ngon. Nhưng ở đâu thì phải chịu đó…quen dần cà phê “cơm cháy” cũng tạm được. Chúng tôi chọn một quán cà phê uống khá hơn, đó là quán của anh Hai người Tàu lớn tuổi độc thân. Tuy nhiên quán lại ở chỗ hơi khuất lấp cây vườn. Chúng tôi đành ngồi quán cà phê “cơm cháy” nhưng có khoảng nhìn thoáng mát hơn. Thật ra hậu vị cà phê là cần, nhưng khung cảnh cũng cần thiết nữa. Quán Cà Phê “cơm cháy” nhìn ra phía vàm, tầm nhìn  được tỏa rộng ra họng vàm với cảnh trời nước nhấp nhô ngoài xa. Ngồi nhâm nhi cà phê, tôi có dịp thả mắt nhìn ra xa xa ngoài Vàm Kinh với ánh nắng bình minh rực rỡ lấp lánh màu hoàng nhạt, nghe cơn gió từ hướng vàm thổi vào mát rười rượi, hương thơm các lọài hoa miệt vườn trùm lắng một vùng sương sớm, nhìn những nhánh cây oằn trái với con chim chìa vôi chuyển cành, hót thanh thanh… đã làm tâm hồn tôi có những buổi sáng thư thái êm đềm.
      Vào thời kỳ “Tự sản, Tự tiêu” các nông sản thực phẩm không được tùy tiện xuất tỉnh. Cái khung bó nầy đã làm cho Tỉnh Bến Tre nói chung, Chợ Lách nói riêng thiếu lúa gạo. Con nước ngoài Sông Cổ Chiên đổ về với lượng nước lớn dâng cao hơn mọi năm. Có nơi bị vỡ bờ bao cây trái bị thất mùa. Đời sống dân vườn bị chật vật lại khó khăn thêm. Năm đó lại có thêm nạn rầy nâu. Rầy sinh sôi đầy đồng. Thuốc trừ sâu lại không đủ cung cấp. Đất canh tác thì ít lại bị nạn sâu rầy. Đời sống mọi người ở đây đi vào cơn khủng hoảng lương thực. Các gia đình bắt đầu ăn độn cơm khoai hoặc bo bo. Gia đình chúng tôi chưa đến lúc phải thiếu gạo nhưng phải chuẩn bị cho một ngày sẽ đến. Chúng tôi cũng bắt đầu tập ăn độn cơm với chuối hoặc khoai lang. Má vợ tôi rất thương chàng rể chợ như tôi, bà sợ vợ chồng con cái tôi thiếu gạo ăn nên bà len lén mở nắp hũ gạo của gia đình tôi để xem chừng. Tôi biết được điều nầy vì hũ gạo vơi đi một ít là lại thấy vun đầy lên. Má nói với anh chị vợ tôi: “Tao có ba thằng rể nhưng sao tao thương thằng L. quá bây…Tôi nghiệp nó dân chợ sung sướng từ nhỏ bây giờ về đây sống kham khổ quá…”
          Ba vợ tôi thì cũng sợ tôi buồn, nên mỗi tối bước qua nhà tôi nằm chỗ chiếc giường bên ngoài nói chuyện với tôi. Ông kể đủ thứ chuyện…từ cuộc sống cá nhân gia đình lúc còn nghèo phải đi chăn vịt chạy đồng. Qua năm tháng vất vả mới dành dụm được tiền mua mảnh đất cất nhà nầy với phần đất vườn quanh nhà với vài liếp vườn phía sau cộng thêm gần chục công ruộng. Sau nầy Cậu khá giả hơn, mua thêm mấy chục công vườn ở Phú Đa. Nhờ các anh chị lớn cùng phụ lo gánh vác vườn tược, Cậu lại mua thêm mấy chục công đất ruộng ở dãi cồn nằm sát sông lớn Cổ Chiên, cách khu nhà Cậu một con rạch chảy về hướng Xã Vĩnh Bình. Sau khi anh Ba lập gia đình, Cậu cho anh miếng ruộng nầy cùng miếng đất gần nhà để anh chị Ba ra sống riêng.
             Qua các câu chuyện tôi biết được ba vợ tôi rất cần cù và chăm lo cho gia đình.Vì quá kham khổ hồi tuổi trẻ nên Cậu bị bịnh lao phổi. Tôi thường nghe Cậu ho húng hắng trong khi nói chuyện đời với tôi mỗi đêm. Cậu bịnh phổi mà điều trị không tới nơi tới chốn vì sợ tốn tiền nhiều nên phổi Cậu bị như gần chai một bên. Cậu thường than vãn: “Tiền vợ con làm bao nhiêu cậu xài hết…”, ngầm ý là tiền thuốc thang điều trị bệnh cho Cậu.
         Trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế như hiện giờ, Cậu sợ tôi chán nản, có hôm Cậu nói: “Trước đây đời sống miệt vườn thoải mái lắm. Nhà Cậu ngoài đất vườn còn có đất ruộng. Ruộng làm một mùa ăn đủ quanh năm. Trái cây quanh nhà đủ cho thức ăn hằng ngày, còn vụ mùa chôm chôm thì dư thừa để mua phân và sắm sửa…Tình trạng nầy chắc tạm thôi con …rồi sẽ qua đi…”. Nghe Cậu nói thì tôi cũng biết vì từ ngày cưới vợ đến nay, vợ chồng tôi cũng nhiều lần đem con về ăn Tết hoặc giỗ quảy.
           Thuở ấy….Khi cơn gió chướng thổi... đem cái lành lạnh, hiu hiu về miệt vườn. Sáng sớm sương phủ trùm một vùng trời cây trái với những giọt óng ánh trên tàu lá dừa. Cây cóc gần đó như trụi lá còn trơ những trái cóc xanh bóng. Cây mận hồng đào xà nhánh với chùm trái đỏ ao. Cây cam, cây quít, cây xoài, chôm chôm cũng oằn trái trên từng nhánh. Dòng sông trong veo gờn gợn cơn sóng nhỏ, dề lục bình tấp lại bên dòng nơi đám chà ven sông cũng bắt đầu nở hoa tim tím. Khung vuờn bây giờ tất cả mọi thứ cây đã đơm hoa kết trái vào mùa. Cây mai già trước sân nhà mà Cậu nảy lá mấy hôm trước đã đơm đầy nụ vàng…Mấy giàn vỉ bánh phồng, bánh tráng đặt trên các giàn giá trở mình khô chờ các chị vợ tôi sắp vào giá treo trong nhà…Tất cả sẵn sàng cho ngày Tết…ngày Xuân vui chơi hạnh phúc
          Dân miệt vườn sống thoải mái : Ăn nhậu, đờn ca hát xướng trong các ngày Tết, các vụ lễ lộc, gả cưới rất ròn rã. Mỗi lần về đây là tôi say nhừ với những ly rượu đế sủi bọt, có khi phải giả say để các chú, các anh hoặc các cháu khỏi nài ép. Xung quanh là cây nhà lá vườn, ao cá, mương cá. Khoảng sân liếp vườn… gà vịt đầy đàn chạy dọc chạy ngang, sợ gì mà thiếu mồi. Các chị vợ tôi rất tài giỏi, gà mới kêu quang quác đó thì có món xào, món luộc từ đồ lòng gà vịt cộng với dĩa rau thơm, một xị đế, mấy chung nhỏ…Tôi thích nhất là món gà làm gỏi với cây chuối hột con….Tất cả…! Nâng ly-Uống cái ực cạn ly… Gắp mồi …Khà khà mấy cái…Đã quá chừng…! Đêm đến thì bên chiếu các ông bài cào, xì dách, bên chiếu các bà đánh tứ sắc. Ngoài bàn thì các người ăn nhậu chưa chịu thôi còn nâng ly, có vị nào đó ngà ngà say lớn tiếng cười reo. Đêm qua nhanh…Đêm cạn tình, cạn nghĩa bà con lối xóm. Đêm miệt vườn với cơn ngủ ngầy ngật hơi men. Miệt vườn không vội vã như miệt chợ bon chen. Miệt vườn gần nhau thân tình chia xớt. Miệt vườn mời giỗ đám thì mọi người xách theo một hoặc hai chai đế. Miệt vườn uống rượu xả láng tình thâm. Miệt vườn với ánh đuốc lá dừa quật quờ đi trên đường đất, leo qua cầu cây, đôi khi vì chếch choáng hơi men đã rớt ùm xuống xẻo rạch rồi lò mò bò lên, có khi xỉn quá leo lên bờ không nổi cứ nằm loi ngoi dưới nước chờ bà con nhà gần đó kéo lên. Miệt vườn ngoài Vàm Kinh, những chiếc thuyền câu lúc lắc với chiếc đèn chông mờ mờ đớm nhỏ…Miệt vườn đêm ngủ chập chờn nghe máy đuôi tôm chạy phành phạch ngang nhà. Miệt vườn nghe bình bịch những trái xoài chín bị dơi ăn rớt trước sân. Tôi có một thời gian sống thuở ấy như vậy ở vùng quê miệt vườn Chợ Lách.
      Miệt vườn bây giờ đang lấn cấn vì miếng ăn bởi hoàn cảnh mới đầy khắc nghiệt. Với hoàn cảnh khó khăn đó, vợ tôi mới sinh thêm đứa con gái được vài tháng lại phải ra ngoài chợ chồm hổm ở Vàm Kinh để bán bánh mì thịt. Từ thời con gái cho tới đi làm công chức ở bệnh viện rồi lấy tôi làm chồng, vợ tôi chưa bao giờ vất vả với miếng ăn như hôm nay.Vợ tôi phải thức sớm lo xếp đặt công việc, cho con bú no để ra chợ và trở về lúc khoảng gần trưa với một mớ thịt cá nhỏ nhoi cho buổi ăn trong ngày. Chợ ở đây nhóm chỉ lưa thưa và tan rất sớm. Tôi ở nhà nằm võng ru giữ đứa con nhỏ:

Gió mùa thu ba ru con ngủ
Má chưa về con bú ngón tay
Dỗ con ba hát thật dài
Câu thơ dạ cổ thật mùi hoài lang*
“Từ… là từ… phu tướng…sắc phong… sắc phong lên đàn
Vào ra ngóng trông tin chàng…năm canh mơ màng…Vì đâu yến nhạn lìa đôi… í…a…í…a.”
      Thời gian sau đó, tôi và anh vợ tôi cũng bắt đầu đi buôn với những chuyến ghe lên Vĩnh Long bán trái cây đổi gạo về, có lúc xa hơn nữa… chở trái cây lên Sài Gòn. Tôi bắt đầu với đời sống thương hồ. Những đêm nằm dưới ghe nghe sóng vỗ mạn thuyền lách tách, nghe sương giá trùm người, nghe tiếng máy đuôi tôm xành xạch đẩy con thuyền đi trên dòng sông bao la nước cuộn chảy. “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”. Tôi ngồi trước mũi ghe nhìn Sài Gòn từ phía ngoài sông đổ vào bến Chương Dương
       Cuộc đời có những điều không ước muốn mà đến. Sự chìm nổi của cuộc đời chẳng hẹn mà bị cuốn vào…Cuộc đời thương hồ lại gãy khúc vì chánh sách “Tự sản, Tự tiêu” càng thắt chặt. Các chốt, trạm kiểm soát ở Tiền Giang là những hung thần, sát thủ với người dân sống bằng nghề trên sông nước. Tôi lại sống với những ngày kế tiếp khó khăn với miệt vườn…cho đến khi rời bước khỏi quê hương. Miệt vườn từ đó ở trong hồn tôi, ký ức tôi một thuở tạm dung nhiều kỷ niệm buồn vui.
       Sau nầy vợ chồng tôi có dịp trở lại quê thăm gia đình các anh chị và bà con Xóm Vàm Kinh thì đời sống ở đây bây giờ tốt hơn. Các cây cầu bắc qua các mương đã được nối liền. Con đường từ bờ dừa Xã Vĩnh Bình chạy vô tới Vàm Kinh được đúc bằng xi măng. Xe Honda có thể chạy suốt từ ngoài vào bên trong và trải rộng khắp các nơi. Nhà cửa mới xây thêm nhiều. Khu chợ Vàm Kinh không còn nữa vì người dân có thể chạy rất nhanh bằng xe Honda ra Chợ Lách để mua thực phẩm. Xóm Vàm Kinh và các vùng phụ cận bây giờ có điện sáng choang. Nhà nào cũng có TV. Nhìn bà con chòm xóm khá hơn dạo tôi còn ở đây. Tôi thầm nghĩ xóm miệt vườn đang hồi phục sau thời kỳ bị cái luật quái ác. “ngăn sông, cấm chợ”. Thời gian qua mau quá. Mới đó mà đã gần bốn mươi năm…!
      Căn nhà gỗ ba gian với mái ngói âm dương của cậu má bây giờ được anh vợ thứ năm của tôi ở xây sửa lại bằng gạch với mái tôn chống nhiệt. Đứng trước sân ngoài tôi nhìn bao quát. Căn nhà lá của vợ chồng tôi ngày xưa không còn nữa và thế vào đó là những cây nhãn và những chậu cây kiểng. Tôi hồi nhớ lại một thời qua. Bóng dáng cậu má tôi như còn quanh quất đâu đây…Không…! Cậu Má đã không còn nữa.! Hai ngôi mộ phía sau nhà nằm im lắng. Hồn tôi mơ tưởng, nước mắt tôi tự trào. Tôi nhớ dáng má đi sang nhà tôi thăm hũ gạo, tôi nhớ tiếng ho húng hắng của cậu, tôi nghe như còn âm vang tiếng cậu tôi nói: “Tình trạng nầy sẽ tạm thôi con…rồi sẽ qua”. Tình trạng xã hội cũ một thời gian khó nhọc đi qua. Bây giờ cậu má không còn nữa.! Nước mắt chảy bao nhiêu cho đủ nỗi nhớ nhung nầy.
          Cuộc đời vợ chồng tôi đã đi qua một con đường dài nhiều gian khó…Bước đầu nơi xứ người với hai bàn tay trắng. Chúng tôi phải chấp nhận đi làm mọi việc để lo cho con cái ăn học và ổn định cơ ngơi gia đình. Rồi mọi chuyện cũng đi qua. Bây giờ thì đời sống vợ chồng bình lặng cùng đám con cháu học hành thành đạt nơi xứ người. Dù sống an cư nơi xứ lạ nhưng tâm hồn tôi vẫn luôn hoài nhớ quê hương và những thăng trầm đi qua cuộc đời:

Biến dịch cuộc đời thoáng chốc qua
Tựu, tán đẩy đưa cõi ta bà
Vô thường một cõi đời rong ruổi
Mấy nẻo phù vân một kiếp ta

*Bản “Dạ Cổ Hoài Lang” bài vọng cổ đầu tiên do ông Cao Văn Lầu người Bạc Liêu

No comments:

Post a Comment

Đoản Văn