Translate

Monday, October 3, 2016

LA MAN ĐÊM GIAO THỪA


LAN MAN ĐÊM GIAO THỪA Ở CALI



             Đêm giao thừa năm nay rơi vào ngày thứ năm, ngày hôm sau phải đi làm…. mà có đi làm hay không thì đón giao thừa năm nào cũng vậy, chỉ có hai vợ chồng tôi thôi.Thường giao thừa là lúc nửa đêm, hai đứa con còn ở chung với vợ chồng tôi thì đi ngủ sớm, đứa thì lo đi làm, đứa thì lo đi học sáng hôm sau. Mấy đứa khác thì ở riêng. Chúng nó cũng đi ngủ sớm.Tết với tụi nhỏ giống như ngày thường, chỉ có người lớn thì quan tâm và cố gắng duy trì trong chừng mực nào đó có thể làm được. Cộng hưởng với sinh hoạt của của xã hội Mỹ, mọi người phải chạy theo vòng quay không thể dừng lại được. Tuy nhiên gần Tết mọi người cũng phải cố gắng bỏ chút ít thời gian để lo chuẩn bị đón Tết.
            Đêm Giao Thừa vợ tôi chuẩn bị mâm hoa quả: Cầu-đủ-xoài thêm chậu bông, nhang đèn chờ 12 giờ khuya để cúng Giao Thừa. Có năm tôi mua thêm vài phong pháo để đốt cho vui. Quanh xóm có nhiều gia đình người Việt. Gần nhất là nhà đối diện với nhà tôi cũng là người Việt. Đêm Giao Thừa tiếng pháo hai nhà nổ vang và quanh đây đâu đó pháo cũng nổ đì đùng ở các nhà người Việt. Sau vài phút tiếng pháo dứt nổ. Chúng tôi nói với nhau: “Chúc mừng năm mới …rồi thôi.Vợ tôi lâm râm với ba cây nhang khấn vái đất trời ngoài bàn thờ đặt trước cửa chính.Tôi cầm sẵn hai  ly rượu vang chờ khi vợ tôi cúng xong cùng nâng ly chúc mừng sức khoẻ cho nhau. Gió lạnh thổi tạt vào người buốt lạnh. Chúng tôi khép cửa vào bên trong thấp nhang trên bàn Phật và bàn thờ ông bà, cha mẹ. Hai chiếc bóng ngồi lặng lẽ nhìn nhau…đôi khi tôi nhắc với vợ tôi vài câu chuyện nhỏ về Tết ở quê nhà. Những câu chuyện cũng ngắn gọn…rồi thu xếp bàn cúng cùng đi ngủ vì ngày mai mùng 1 Tết, chúng tôi phải đi làm, mỗi người một công việc. Mấy chục năm qua…mỗi giao thừa dường như là như vậy. Lặng lẽ hai chiếc bóng già cố níu giữ lại một phần nào đó của tập tục Tết quê nhà. Đôi khi ngày mồng 1 rơi vào thứ Bảy hoặc Chúa Nhật thì khi cúng cơm ông bà chúng tôi kêu các con đến thắp nhang trước bàn thờ và nói đôi điều về tập quán Tết ở Việt Nam. Tụi nhỏ nghe là nghe vậy chứ chúng chẳng thiết hỏi han về tập tục đó vì chúng không quan tâm cho lắm…ba đứa lớn sinh ở Việt Nam thì chỉ lờ mờ nhớ vài điều gì đó,còn thằng út sinh bên nầy thì cứ ngẩn ra chẳng biết gì hết. Tôi chợt nghĩ…rồi kế tiếp các thế hệ sau chắc sẽ mất luôn. Nghĩ mà buồn. Buồn rơi nước mắt…!
         Tết Cali có tổ chức Hội Chợ Tết cho cộng đồng vui chơi. Thường thì các cụ cao niên và trung niên đứng ra tổ chức với sự tiếp tay của một số bạn trẻ qua đây lúc tuổi đủ để biết và nhớ về Tết Việt. Người lớn dắt trẻ em vào đó đi lòng vòng trong khu Hội Chợ ăn uống, nghe ca nhạc. Đa số các bà, các em bé mặc áo dài, còn các em lớn thì ăn mặc tùy tiện. Các lão bô mặc áo dài khăn đóng làm lễ Tết theo truyền thống. Lân múa, pháo nổ rộn rã trong hai ngày. Thi tài nói tiếng Việt, thi Hoa Hậu áo dài thiếu nữ, bói quẻ, bốc xâm, trò chơi kêu lô tô….Màu sắc xuân tha phương chỉ có vậy. Người tổ chức cố gắng duy trì sinh hoạt Hội Tết như một sự nối kéo, giữ gìn truyền thống Văn Hóa Việt. Tôi chợt nghĩ có đủ để duy trì truyền thống cho lớp trẻ không? Khi chúng lớn lên trong cái tổng thể Mỹ, nói tiếng Mỹ nhiều hơn nói tiếng Việt…xã hội Mỹ cuốn chúng chạy theo với tháng ngày hội nhập…Thời gian…rồi sẽ về đâu? Cộng đồng có mở các lớp Việt Ngữ cho các cháu nhỏ học tiếng Việt, số con em đi học được là bao? chúng học tiếng Việt có đủ để đọc sách Việt không? Đa số các em được cha mẹ cho đi học từ nhỏ.Khi các cháu lên Trung Học thì sẽ khó mà học tiếp vì bài học, bài tập ở trường càng lúc càng nhiều. Lúc lên Đại Học thì bỏ luôn vì làm sao có thời giờ để đi học tiếng Việt. Các cháu miệt mài học toàn thời gian để mong ra trường và đi kiếm việc làm. Thử hỏi với số vốn mấy năm học chữ Việt có đủ để các em đọc và hiểu văn chương Việt không? Nhiều gia đình cố gắng bắt con cháu nói tiếng Việt ở nhà, tuy nhiên chúng cố gắng nói chuyện với người lớn, còn khi chúng nói chuyện với nhau thì toàn xử dụng ngôn ngữ Mỹ. Một số các em nói lưu loát tiếng Việt nhưng chưa chắc các em đọc và hiểu văn chương Việt. Chúng thường đọc sách tiếng Mỹ, nhiều em có năng khiếu viết văn thì chỉ viết bằng tiếng Mỹ. Mặt khác, nền văn học bên ngoài nầy có đủ sách vở để các cháu tìm hiểu và đọc không?. Thơ văn thì chỉ có những người lớn tuổi còn nghĩ đến, còn viết và in ra sách. Sách in ra tốn kém, nhưng khi ra mắt sách thì chỉ có các người lớn tuổi và bạn quen biết vài chục người, đông lắm là hơn trăm người tới tham dự. Số người tham dự mua sách ủng hộ chỉ đủ trả chi cho chi phí tổ chức ra mắt sách. Số sách còn lại cũng chỉ để tặng cho các bạn lớn tuổi đọc. Sách bày bán ở tiệm sách ư? người ta bỏ tiền ra ăn một tô phở 6,7 đồng chứ chả thèm mua một quyển sách cỡ giá như vậy. Tôi có 2 tập thơ in thành sách. Quyển đầu in 300 cuốn để tặng bạn bè xa gần và các tổ chức hội đoàn trong các buổi sinh hoạt. Số còn lại khi có dịp sang Úc Châu thăm mấy đứa em tôi định cư ở đó. Tôi mang tập thơ sang Úc để tặng cho bạn bè. Sẵn dịp đồng hương Trà Vinh có tổ chức buổi cơm từ thiện để quyên tiền giúp một em bé ở Trà Vinh bị phỏng nặng, được một người Úc bảo trợ cho sang Úc chữa trị. Trong dịp nầy tôi cho ra mắt Tập Thơ luôn… số tập thơ còn lại trong đêm đó được bà con ủng hộ hết. Số tiền thu được khấm khá. Tôi xin tặng hết số tiền đó cho buổi cơm gây quỹ giúp cho em bé bị phõng. May quá 300 cuốn đã gần hết.
       Tập thơ thứ 2 vì muốn ra mắt sách chung với bạn thơ Giang Thiên Tường, con trai út của Nhà Văn Bình Nguyên Lộc nên tôi in 500 quyển. Sau buổi ra mắt và tặng bạn bè chỉ vơi đi hơn trăm cuốn, còn lại hơn 300 cuốn nằm mọc nấm ở nhà kho. Tôi nghĩ bụng sẽ không in nữa mặc dù tôi có thể in ra 2 tập thơ và một tập truyên ngắn !
        Từ ngày Internet nở rộ, máy computer rẻ, các nhóm thơ văn thành hình nhiều. Thơ văn nở rộ trên hệ thống Net và được lan tỏa ra khắp thế giới. Người ta đọc thơ văn và tìm hiểu qua các tài liệu khá đầy đủ trên GOOGLE. Từ đó một số các tạp chí, nhật báo tự khai tử dần. Sách in ra ai ủng hộ đây? Tôi nghĩ cách “Tại sao mình không làm ở trang Blogger?”. Tôi thự hiện và phổ biến 2 tập thơ và tập  truyện ngắn trên GOOGLE BLOGGER  chỉ mất công mà không tốn kém lại được NET liên kết đi khắp nơi.
        Tìm hiểu thơ văn trao đổi trên Net tôi thấy người viết cũng chỉ là những bậc cao niên hoặc trung niên làm thơ, viết văn, khảo luận, âm nhạc….chuyển đạt cho nhau hàng ngày. Có một số các bạn trẻ tham dự nhưng đây chỉ là các em lớn tuổi có trình độ học vấn sẵn ở Việt Nam được bảo lãnh hay đi du học sang Mỹ còn thích văn chương Việt nên tham dự, tuy nhiên số nầy rất ít không đáng vực dậy cho nền văn học trong tương lai ở hải ngoại một khi các bậc cao niên tàn lụi.
         Gần đây xuất hiện vài tài năng viết của các con em của cộng đồng Việt tại hải ngoại, nhưng chỉ viết bằng tiếng Anh. Đa số các tài năng trẻ Việt đi vào dòng chính của nước Mỹ hoàn toàn như người Mỹ. Sự thành công của con em người Việt trên mọi lãnh vực từ văn học, kỹ thuật, khoa học cả chính trường rất đáng tự hào….Chúng ta có những thế hệ đàn em, đàn con trở thành bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, những khoa học gia lỗi lạc, các nghị viên thành phố, các nghị sĩ tiểu bang, liên bang. Trong chánh phủ có người làm chức cao trong Bộ Tư Pháp đến chức Phụ Tá Bộ Trưởng, trong Quân Đội thì mới đây có tin 13 sĩ quan gốc Việt được thăng cấp Đại Tá…   nhưng đó là sự thành công của người Mỹ gốc Việt. Chúng ta chỉ còn giữ được tinh thần Việt nhưng văn chương Việt khó mà kéo dài được trong mai hậu ở ngoài nầy khi lớp già không còn. Hoặc giả văn chương Việt cần được dịch ra tiếng Anh thì có cơ may được con cháu chúng ta đón nhận. Chỉ có cách nầy mới đưa con em ta gần gũi với truyền thống Việt, văn hóa Việt. Còn các hình thức khác chỉ là thời vụ…không đủ để kéo chúng gần truyền thống Việt là bao. Tuy nhiên có còn hơn không.
       Cái khổ của những người lớn tuổi ở ngoài nầy là lòng hoài nhớ cố hương. Nỗi lòng như là cơn sóng ngầm rì rầm dưới bề mặt cửa trùng dương êm ả. Nhìn về hướng quê nhà muốn quay về nhưng không về được…không về được trong một ý nghĩ không muốn nạp mình trong khuôn khổ bất an từ mọi phía ở đó. Ở bên ngoài an cư thoải mái nhưng thấp thỏm chờ đợi một điều gì đó ở trong nước đổi thay, dễ thở một chút...?. Họ bị dằn xé bởi hai phía. Đất dung thân thì chỉ cho là nơi  tạm cư chờ ngày về quê hương. Ngày về thì cứ mịt mù bóng nhạn…
     Có người bạn tâm sự về chuyện về hay không về với tôi như thế nầy: “Con cháu mình đang sinh hoạt nơi đây muốn dứt rời đâu phải dễ! Mà trở về quê thì đâu dễ sống như ngày xưa! Vì mấy chục năm sống quen với lối sống Mỹ và lối suy nghĩ của người dân Mỹ, sự an toàn tuyệt đối trong mọi lãnh vực: Trẻ con, phụ nữ, già yếu, bệnh tật được ưu tiên…! Nói một cách đơn giản như bữa ăn ở đây chỉ có một con ruồi lọt vô nhà thôi thì bỏ đũa tìm đập nó cho bằng được. Bị bệnh vô nhà thương thì Bác Sĩ, Y Tá và mọi người trong bệnh viện săn sóc, trị liệu đúng mức, không phải chạy lót cho y tá, bác sĩ. Ở khắp nơi mọi người đều sắp hàng chờ đến lượt mình. Vô ý chạm người khác là xin lỗi ngay. Một đứa trẻ thấy 1 đồng bạc rơi bảo nó lấy. Nó lắc đầu nói:Đó không phải là tiền của tôi”. Người say rượu lái xe bị cảnh sát còng tay phạt tù, phạt tiền trắng mắt…Nuôi một con gà gáy ó o… mà nhà bên hàng xóm không chịu, nó thưa cảnh sát…mình phải đem bán con gà đi….Đó…! Những điều đơn giản như vậy đã quen mấy chục năm sống ở Mỹ….Liệu ông về bên đó có sống được không? Sống bên nầy thấy vậy mà nhất thế giới đó bạn….!
      Ngày qua ngày, bóng chiều càng nghiêng về một phía tuổi đời. Tôi nghĩ đến cái chết sẽ tới không xa…Chết nên chôn hay nên đốt thân xác thành tro bụi? Vợ tôi đọc kinh Phật, đi chùa nhiều thì nói: “Cứ đốt ra tro rồi đem tro ra biển…thân cát bụi hãy để cát bụi chìm vào biển…bụi không làm vướng bận trần ai”. Tôi thì nghĩ khác: “Nên chôn để có nơi cho các con cháu có dịp đến …cho dù ít- dù thường cũng là chỗ nhớ để nhắc nhở mối liên hệ đời sau. Vợ tôi nói: “Chôn tốn nhiều tiền mà chắc gì con cháu có thời giờ để đến thăm”.Tôi đổi ý:: “Nên đem tro cốt về Việt Nam chôn trong phần mộ gia tộc để khi các thế hệ con cháu có dịp về quê hương chúng nó thắp nén nhang cho mình và luôn cho ông bà tổ tiên trong khuôn viên gia tộc. Đó cũng là cái lý đề chúng về…về thăm mộ ba má ông bà”. Tôi cho ý kiến nầy là đúng nhất (với tôi) và được sự đồng tình của một số em tôi. Chúng tôi lo chỉnh trang lại khu mộ gia tộc và chọn cho mình cách về nầy. Tôi làm bài thơ sau đây như là một lời nhắn chung cuộc của đời tôi.

Lời nhắn của người cha già

Một mai đây ba trở thành lú lẫn
Tay chân run không đi đứng vững vàng
Lùa miếng ăn rơi rớt đổ trên bàn
Nhai trệu trạo răng chiếc còn chiếc mất
Càng về già người hóa thành trẻ nít
Ba vụng về trong mọi chuyện con ơi!
Lúc còn nhỏ con cũng như vậy thôi
Ba đút mớm cho con từng chén bột
Con phá phách bột trây đầy mặt đất
Ba xoắn tay thu dọn những đớm rơi
Ba dìu con đi bước một bước hai
Con trợt té ba xuýt xoa đỡ lấy
Một vết đỏ làm má con giận lẫy
Trách sao ba vô ý làm con đau
Mới một tuổi con có đứa em sau
Nên mỗi tối ba nằm kề con ngủ
Rồi từ đó quen hơi ba ấp ủ
Vắng ba…con đòi má gọi ba về…
Một thoáng đời…qua nhiều nỗi nhiêu khê
Nay ba sắp trở thành người bất khiển
Cho dù thế nào trong cơn thay chuyển
Hãy cho ba kề cận ở gần con
Ở xứ nầy cứ theo lệ bàng quan
Cứ bỏ mặc người già nơi viện lão
Ở nơi đó bốn bức tường vôi mờ ảo
Vắng bóng người và tiếng của người thân
Vắng tiếng trẻ thơ và hơi ấm ân cần
Ba sẽ chết với cơn buồn ray rứt
Óc lú lẫn nhưng có khi chợt thức
Tai vẳng nghe hồn nhớ chuyện năm xưa
Hãy để ba nằm lặng lẽ góc nhà
Cho hạnh phúc chảy vào hồn già cỗi….
Rồi một ngày hơi thở ba tắt vội.
Hỏa táng ba đem chút nắm tro về
Có dịp nào con trở lại đất quê
Chôn hỏa cốt bên mộ phần gia tộc
Hồn ba sẽ thỏa tình mơ ước
Về đất xưa quyện hương khói làng xưa

        Khi già yếu bệnh hoạn thì sao? Vợ tôi nói “phải đi Nursing home vì ở đó có y tá túc trực chăm sóc. Ông nằm ở nhà ai lo. Con cái bận đi làm
chúng nó làm sao lo cho kham”. Bà xã tôi bắt kịp tiến bộ quá! Tôi thì cứ muốn nấn ná ở ngôi nhà mình đã tạo dựng…cho dù một góc nhỏ để hưởng cái ấm áp-hơi hướm của gia đình. Tôi nghe nhiều câu chuyện Home mà buồn khi nghĩ nếu là mình….? Muốn là muốn nhưng nếu tình thế không thể thì làm sao? Đó là nỗi buồn của riêng tôi. Nhưng cái ý đem tro cốt về quê vẫn là cái ý nhất định như đinh đóng cột. Nắm tro có về quê hương cũ… thì không còn gì để bận bịu với cuộc sống dương gian!
        Đêm thanh vắng trên khung giường một mình. Tôi chợt nghe ngoài trời gió lùa vi vút trên các nhánh cây trơ cành mùa đông. Năm nay trời lạnh nhiều hơn mọi năm. Tôi bật ho khan mấy tiếng. Cái ngổn ngang trong hồn đang triền miên tuôn chảy bỗng dừng lại. Tôi nhủ thầm rằng: “Hãy dỗ giấc ngủ đi ta ơi! Ngày mai còn đi làm….”. Cho dù ở đâu-Thế nào “Cơm áo vẫn là sợi dây kéo ta bật dậy mà đi…!

                                            ( Cali  năm 2014)







No comments:

Post a Comment

Đoản Văn