Translate

Tuesday, October 4, 2016

ĐEM CHI XUÂN ĐẾN GỢI THÊM BUỒN




ĐEM CHI XUÂN ĐẾN GỢI THÊM SẦU


1-          Mặt trời ngả trên hàng cây mờ nhạt. Nắng chen chúc sau đám mây màu xám tối.Mùa đông đang về. Không khí ui ui như sương xuống. Một nỗi buồn hoang vắng nào đó vương vất trên cánh đồng mênh mông cỏ lúa.Những cây lúa mọc hoang từng bụi chen trong đám cỏ lát u du. Có những khoảng trườn dài dấu xích xe. Bên con đê khuất dưới đám cây trăm bầu nổi lên những mô đất. Đây là hầm hố của Việt Cộng hồi sau Tết Mậu Thân. Những dấu xích và hầm hố đó đã hiện lên trăm xa, ngàn cách tình người. Chiến trận hôm nào đến đây đã phanh thây biết bao nhiêu đời sống. Bây giờ tất cả trơ ra quạnh quẽ sầu thương. Mái tranh cửa vắng phên rêu, trước sau hoang tàn đ nát. Người dân sống giữa hai lằn đạn đã lần hồi dồn thúc về phía phố làng, phố quận hay dọc theo những con đường liên quận, liên tỉnh. Chỉ còn một số người ở lại vì nuối tiếc mồ mả ông bà, cha mẹ, miếng ruộng, khung vườn. Họ sống chui rúc đắp đổi qua ngày tháng trong nỗi chết vờn quanh hơi thở.

                Thứ ngồi trên một mô đất, cởi gây nịt đeo súng và đặt qua một bên. Nắng đã ngả màu sáng hơn lúc nãy. Hàng trăm bầu mọc theo con đê chạy dài mút đằng vuông dừa bây giờ thấy rõ hơn. Những cây dừa lá vàng úa và gẫy gập xuống theo thân, có vài cây trơ trụi lá. Thứ thấy một căn nhà nằm xiêu vẹo ở đó và có khói bốc lên tua tủa. Thứ nghĩ chắc bọn lính đang nấu nướng gì đó- lúc nầy đang dừng quân. Chiếc L19  bay quanh một vòng trên đầu.Thứ hỏi người lính hiệu thính viên : Có thêm lịnh gì chưa?.Nghe gọi hắn quay đầu lại và nói: Chưa có lệnh gì thẩm quyền. Thứ cầm bản đồ hành quân trải xuống đất. Thứ nhìn những lằn mũi tên đỏ và những mẫu tự khoanh tròn. Đó là những đường  hành quân trên khắp nẻo xóm làng. Đó là cuộc hành trình của tuổi trẻ bương trải trên quê hương đau đớn vì cuộc chiến quá dài nầy. Nầy đồng bằng, nầy chùa chiền, nầy mồ mả, nầy làng xóm. Đường mũi tên ngắn trên bản đồ, nhưng bước chân tuổi trẻ duỗi dài cây số đường xuyên. Quê hương yêu dấu của ta ơi! Ta đã đi qua bao nhiêu đồng bằng, bao nhiêu nhà cửa, bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu bom đạn, bao nhiêu trái phá, bao nhiêu hầm chong, bao nhiêu địa đạo. Ôi làm sao ta nhớ hết những dấu tích tang thương nầy. Ôi làm sao ta nhớ hết những lần tử thần treo trong từng hơi thở và rịn mồ hôi trong nhiều giấc ngủ chiêm bao! Ôi em yêu! ta cuồng nhiệt yêu em như thể nếu chậm trễ sẽ không còn có dịp để yêu nữa. Ôi mẹ! Ôi cha! từng ngày tháng trôi qua từng ngày tháng chờ tin con trẻ..Con đi mãi…con đi mãi. Ba má đợi chờ !.
              “Anh chiến binh ơi! non sông mờ khói lửa, anh vì đời đi gánh vác non sông”. Ừ-ta vẫn đi hằng ngày. Buổi sáng chưa kịp xúc miệng, chưa kịp ăn đã đi. Buổi chiều hẹn về nhưng nằm lại giữa đồng hoang. Đêm ngủ gật gù với nhiều mối lo toan. Cơm áo cuộc đời  lây lất trong cuộc hành trình trói chặt thân ta.Ta vẫn làm vui và hăng hái đi tới vì quanh ta là bạn bè chiến đấu.Vì quanh ta là kẻ thù đang đợi chờ. Mọi lơ đễnh sẽ làm ta mất mạng, không còn nối tiếp mộng ước ngày tái ngộ quê xưa.Ta sẽ gặp lại mẹ cha họ hàng chòm xóm.Thì ta vẫn đi để bảo vệ xóm làng. Mặc dầu không biết ta đã gi được bao nhiêu bình yên và đã mất bao nhiêu tủi buồn cho đất nước. Ôi làm sao ước đoán hết nổi khi chiến tranh cứ càng lúc càng khốc liệt!!!
                Hỡi các bạn đồng hành của ta ơi!.Chúng ta là những chứng nhân thật sự của cuộc chiến tàn khốc nầy.Những tượng đá hình nhân đành vứt bỏ khung trời hạnh phúc nhỏ nhoi, một thời trai trẻ .Chúng ta ra đi chiến đấu để dành lấy TDo, No Ấm.Tự-Do! No-Ấm! …..Chúng ta đâu tiếc gì xương máu cho mục đích ấy, nhưng chúng ta vẫn thấy bọn người hô hào những âm vang đó sống nhởn nhơ ở phố chợ, trong căn nhà sang trọng với rượu thịt ngập đầy. Bọn trục lợi chiến tranh!..Và cuộc đời chúng ta phải điêu đứng!.
                Binh 1 Tín, Hạ Sĩ Thường đứng trước hiên nhà, mỗi người bưng một tô cơm. Họ xúc từng muỗng cơm đầy vun đưa vào miệng nhai ngốn ngấu. Thứ lằm bằm: Hai cái tên nầy chứng nào tật nấy, nói hoài không chừa được. Cứ mỗi lần dừng quân là kiếm ăn, no cũng ăn, đói cũng ăn. Có ngày toi mạng.Thứ văng tục: Đ.M hai cái thằng đó cứ lo ăn không lo lục soát với mọi người.Tao đá  tụi bây bây giờ. Binh 1 Tín nói trong miệng còn cơm:Tụi em đói thẩm quyền.Thứ quát lớn: Đi lục soát ngay! Hai ngưòi lính bỏ lại hai tô cơm còn ăn dở vội chạy ra ngoài. Thứ thấy trong lòng có một nỗi bứt rứt chợt dâng lên. Một thứ tình cảm cuộn xoáy như muốn xé nát tâm hồn mình. Chiến tranh! Chiến tranh! Chó má! chó má quá! Tín, Thường tôi xin lỗi hai anh, nếu không có chiến tranh tôi đâu có ngồi đây, ngồi trong nỗi khổ khôn cùng, ngồi trong chập chờn nỗi chết. Các anh đâu có bị lôi cuốn vào cơn chém giết, các anh đâu bị la lối vô lý khi các anh sống theo sở thích của các  anh. Tôi và các anh bị trói trong một hệ thống mắt xích đeo chân không thể rời nhau. Cái thứ liên hệ phải cày xới lên đời sống cá nhân, không được sống thỏa lòng tự nhiên, còn bị bóp méo xô lệch. Tôi phải theo, các anh phải theo. Đừng buồn tôi nghe hai anh!
“Anh Thứ à, lúc nầy em thấy anh làm sao ấy!? không còn dịu dàng như lúc trước nữa. Nói chuyện với anh mà em cứ tưởng là nói với một kẻ lạ” Ừ- kẻ lạ thực sự rồi đó Ngọc Khanh! Anh đã mất anh từ lâu rồi mà. Nhiều khi đối diện với em, với mọi người mà cứ tưởng mình đang đối diện với ma quái. Họ nhảy múa, em nhảy múa. Quanh anh như toàn rừng thiên nước độc. Ngôn ngữ mọi người như đâm chỏi vào anh như những tiếng khua. Lùng bùng! Lùng bùng! Anh không nghe được gì hết. Trí não loạn cuồng. Anh thấy tự dưng mình bị lạc loài đau đớn! Đi, đứng, ăn nói như với thinh không. Nhiều lúc anh nghĩ tiếng nói của mình như viên đạn cứ xoáy xoáy đi trong lặng lẽ và rớt xuống trong cô độc. Ngọc Khanh ơi! nhiều lúc ôm em trong lòng, hôn em say đắm mà sao anh muốn giết em  hết sức ?! Anh muốn bóp cổ một thân thể man rợ cứ đeo cột tâm hồn anh trong bận bịu kỳ khôi, như biển chập chùng sống v úp chụp vào anh miên man. Anh muốn em tan biến vào anh…. Và… tình yêu em là tiếng gõ gọi, khi anh đang chới với trong cơn hụt hẫng chiến tranh.!
                  Thứ nghĩ ngợi miên man trong nỗi buồn chụp xuống tâm hồn chàng bất chợt. Người hiệu thính viên nói với Thứ: Lệnh Đại Bàng cho rời vị trí. Thứ xếp bản đồ hành quân bỏ vào túi áo và đứng lên nói: Bảo tụi nó cẩn thận khi vào xóm nhà.
                   Thứ đứng tần ngần nhìn căn nhà vách lá. Căn nhà lộ cái vẻ lạnh lẽo tiêu điều làm lòng chàng bùi ngùi chua xót. Một thứ chua xót nhớ thương về tuổi thơ của mình hồi còn sống ở quê nhà. Có những buổi sáng sương còn ướt đầm đầy cây cỏ. Chàng theo mẹ đi trên con đê đất cong queo dẫn ra chợ làng. Cây lá quất những hạt sương lạnh mát vào mặt. Trời ửng sáng, nắng rực một vùng trời ở phía ngoài đồng. Thứ nghe tiếng dí dọ của nông dân và tiếng trâu lội sình bì bõm. Dọc theo đường đi trên hàng trâm bầu bầy chim sẻ kêu ríu rít, xa một ít về phía gần chùa Miên là cái bào sen rộng, bầy le le đang lặng ngụp tìm mồi. Buổi sáng đồng quê yên bình. Lòng người không bận bịu lo âu. Mọi người sống trong những giấc mơ chân chất thật thà yêu thương gắn bó. Đời sống đồng quê không cầu kỳ mà rất đơn sơ mộc mạc. Cá đồng cơm ruộng, rau liếp, lúa bồ, đã đùm bọc người miền quê với sự an lạc suốt tháng suốt năm. Một chiếc áo bà ba, một cái quần vải nhuộm, một chiếc nón lá, một đôi guốc mộc, một mái tranh đơn sơ là cuộc sống -  bình dị - thảnh thơi Người ở quê chất phác, thật thà. Mỗi câu nói, mỗi nụ cười đều biểu lộ niềm hân hoan đồng lúa. Đồng lúa luôn mở vòng tay đón nhận phận người. Đồng lúa đem về cho người dân cơm sớm, cơm chiều. Đồng lúa đem về những cây rơm cao ngất. Cặp trâu cột nhơi nhép suốt đêm. Quê hương mưa nắng hai mùa là sức sống, là niềm tin của người dân sống lưu truyền huyết thống. Ở đây mới đích thực là cội nguồn dân tộc, là văn hiến 4000 năm nòi giống. Tiếng sáo dập dìu, ca dao ngọt lịm. Tất cả ý lực tiềm tàn từ đó vương lên làm nên vinh quang dân tộc. “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu  “ Tiếng võng đưa kẻo kẹt, lời ca dao ngọt ngào đã rót vào hồn tôi suốt thời gian bên ba, bên má. Ba cho con ý lực, má cho con trái tim nhân ái. Tuổi trẻ của ta lớn lên như ngọn lúa. Thiên nhiên trộn hòa hơi thở, gió mát un đúc tâm hồn. Tâm hồn mộc mạc của đời sống của người dân chỉ mong được sống với mảnh ruộng, miếng vườn của cha ông để lại; Trên đồng cạn dưới đồng sâu chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” Bây giờ thì mọi thứ đã đổi thay, người lạc người, trâu đi hoang, đồng không mông quạnh. Có còn đâu bóng mát tình quê?.
                 Thứ nhìn căn nhà còn phảng phất hơi hướm người ở. Một chiếc bàn tròn đặt ngay giữa nhà với ba cái ghế dựa đã nhạt màu. Bên trong cùng là  chiếc bàn thờ có vài vết đạn ở cánh cửa bên trái, bên ngoài là hai cánh  màng màu vàng viền đỏ được cột lại ở khoảng giữa. Tất cả  như muốn tan ra nếu như có cơn gió mạnh. Phía bên trái sát gần vách lá là bộ ván làm bằng gỗ dầu. Dưới bộ ván nhưng hơi ẩn vào trong một ít là cái hầm núp bằng đất. Bên trên cái hầm chiếc, cày không lưỡi nằm vắt ngang. Phía trên xà ngang của trần nhà có treo cái sườn xe đạp hiệu Peugoet, nước sơn tróc từng mảng nhỏ. Chắn chắn trong nhà phải có người ở. Thứ gọi lớn.: Có ai trong nhà không? Không có tiếng hồi đáp. Một người lính tay cầm súng lờm lờm vừa đi vừa quát lớn: Có ai trong hầm khôngra mau, chúng tôi đốt nhà chạy ra không kịp nghe! Một người nói vói “Ê đi cái kiểu như mầy coi chừng bỏ mạng đó con. Có lẽ hiểu ý, anh ta đi cẩn thận hơn. Anh gọi lớn lần nữa: Có ai ở trong chắn xê không? Bây giờ có tiếng trả lời của một người đàn bà. Thứ đoán chắc là người lớn tuổi
            -Có mấy bà cháu tui mấy ông ơi!
            -Thì ra mau đi.
         Từ miệng hầm hiện ra một mái tóc bạc trắng từ từ chui ra. Bà lão ôm đứa bé trạc ba tuổi tên tay và một đứa bé chừng 7 tuổi một tay bấu vào vạt áo bà. Cả ba người ngồi ở miệng hầm và nhìn mọi người lấm lét:
            -Còn ai ở trong đó không bà?
            -Dạ hết rồi mấy ông.
             -Gọi ông bà gì cho tổn đức tụi tui. Sao gọi hoài bà không chịu ra vậy?
            -Dạ tui già rồi ..lãng tai lắm mấy ông ơi.
       Thứ bảo mấy người lính ra ngoài lo lục soát và bước tới ch bà lão  hỏi:
            -Nhà còn ai nữa không bác?
            -Dạ hết thiệt rồi ông.
            -Vậy chớ ba má hai cháu đâu rồi bác?.
      Bà lão đưa tay chỉ bức ảnh trên bàn thờ. Đó là bức ảnh của một người đàn ông khoảng hơn ba mươi tuổi. Tóc rậm, mắt hơi sâu, cười nửa miệng. Gã mặc chiếc bà ba để lộ trái cổ nhô ca. Toàn vẻ của người trong ảnh rất mộc mạc. Bà lão nói
            -Thằng nhỏ nhà tui đi lính nghĩa quân, chết cách nay ba năm, còn má sắp nhỏ đi chợ từ sáng sớm. Nghe lính đi bố chắc chưa dám dìa.
            -Ông anh đi lính ở đâu?
            -Dạ lính ở đồn T.B.T. Nó chết banh xác vì đạn pháo kích. Mấy ổng bao vây đồn và tấn công từ khuya tới sáng. Pháo binh từ Quận bắn trái sáng và thụt cà nông suốt đêm. Sáng ra Quận đưa lính tiếp viện. Mấy ổng mới chịu rút lui. Xác mấy ổng còn để trên hàng rào. Máy bay chuồn chuồn bắn rát quá chịu gì thấu. Hỏng có tiếp viện và máy bay chắc mất đồn. Hai thằng con của nó nè. Bà lão kéo hai đứa bé ra phía trước. Bà nói tiếp:
           -Nhờ Trời Phật phò hộ, hôm đó má nó dắt vào đồn thăm ba nó. Nó chỉ bị thương mất hai ngón tay. Bà nâng cánh tay thằng bé cho Thứ xem. Đôi mắt nó nhìn chàng như hai giọt sương nằm trên lá sớm. Đôi mắt toát vẻ ngây thơ nhưng thoáng hiện sự sợ hãi, mới chừng ấy tuổi cháu đã trải qua biết bao nhiêu nỗi kinh hoàng. Nó đâu hiểu thế nào là chiến tranh và chiến tranh từ đâu tới?! nhưng niềm khiếp đảm phủ trùm lên tuổi thơ của nó. Thứ nhìn vào đôi mắt đứa bé như thấy lại một khoảng đời tuổi thơ của mình trong những ngày tháng tản cư sống ở Cồn Cù. Mỗi đêm nghe tiếng súng nổ ầm ì. Mỗi ngày máy bay oanh tạc từ trưa tới chiều. Mới sáu tuổi Thứ đã biết tự mình tìm hầm trú tránh bom đạn. Tiếng rầm rú của máy bay, tiếng nổ ầm ầm của bom nổ. Những lằn đạn vút vút trên miệng hầm. Trái tim trẻ thơ của chàng tràn đầy kinh hãi! Chàng đã trải qua một tuổi thơ khiếp đảm buồn rầu!

2-    Cái hầm được đào âm dưới bụi dứa gai và ăn thông vào cái hầm nổi ở trong nhà. Bụi dứa lâu năm nên rất rậm và khó có ai đoán được có cái hầm núp ở phía dưới. Khi cần vào hầm nầy thì bắt buộc phải chui vào cái hầm trong nhà và bò lần vào cái hầm ở dưới bụi dứa. Khi có báo động hắn chui vào trước và mọi người còn lại vào sau. Từ cái hầm trong nhà có vách ngăn, nếu nhìn thoáng qua sẽ không biết nó có lối thông ra cái hầm ở bụi dứa. Thường khi lính ít chui vào hầm để khám. Họ không có thời giờ và  trong hầm lại tối om om. Hắn chui xuống hầm và ở dưới suốt ngày, nếu không có ám hiệu của má hắn. Hầm chật chội, mồ hôi ướt đầm cả áo. Một thứ không khí tù hãm hôi hám nhưng hắn đã quen. Chính hắn tự lựa chọn cho mình cách sống nầy. Hắn muốn mình là người ngoài cuộc, là kẻ không liên can đến cuộc chém giết vô lý mà đất nước nầy phải gánh chịu. Người ta nhân danh nầy nọ, lý thuyết nầy, chủ nghĩa kia để đẩy thanh niên vào một cuộc chiến không có dấu hiệu kết thúc!?
              Hồi lúc mới bỏ học ở Sài Gòn về đây sống với má. Má hắn thường nói: Thời buổi bây giờ khó khăn lắm nghe con, đi đứng phải cẩn thận. Liệu không ổn thì lên ở với bác Hai mầy ở trên Quận lo làm ăn gì đó đi?!.Ruộng nương để đây má với vợ thằng Thìn coi được rồi. Đất đai có bao nhiêu đâu mà cần nhiều người. Ở đây có ngày không bị lính bắt cũng bị mấy ông ngoài bắt. Ai bắt cũng khổ hết con ơi!. Hay là mầy vô lính tại xã đi. Lính còn có chỗ núp, chớ như mấy ổng chết dễ như chơi con ơi!. Hắn nói: Đi bên nào cũng chết, má thấy anh Thìn đó, đi lính nghĩa quân ở đồn bót cũng chết! Nói cho cùng tui không thích đi bên nào hết…”
Hắn đổi thế ngồi nói tiếp:
        - Tui quyết định rồi, cứ ở đây. Tui có cách.
        - Cách gì bây giờ?
        -Tui sẽ đào hầm trốn.
        -Trốn hoài được sao?
        - cứ trốn hoài! Thà chết mòn ở đây chứ tui không muốn cầm súng cho bên nào hết. Má thấy đó, có tụi nào tốt đâu. Lính đi về đây bắt gà bắt vịt ăn, bắn bừa, bắn bãi. Tụi bên ngoài không bắt gà, vịt nhưng kêu ủng hộ còn tổ cha hơn bắt. Má thấy có ai dám phản đối khi tụi nó xin không!? Lính ăn có bữa, còn tụi bên ngoài ăn dài dài chịu sao thấu má! Chưa kể nếu ai không nghe tụi nó thì bị thủ tiêu. Thôi bên nào cũng ác hết má à!
            Thế là hắn có kế hoạch đào hầm để tự chôn mình ở dưới đó, cách biệt với bọn người ác độc bên trên.Tại sao người ta không thương yêu nhau, không chịu ngồi lại với nhau trong ruột rà chân thật mà cứ bắn giết nhau. Bộ giết người sướng lắm sao? “ Em Lành ơi! anh sẽ ở lại đây với ruộng vuờn bờ ao luống cải. Mộ ba anh, ông bà của anh còn ở đây. Má anh hom hem già nua yếu bịnh. Mấy đứa cháu anh còn thơ dại dễ thương. Nhất là em-em là nỗi vui mừng đầy ấp trong mỗi lần chúng ta gặp nhau. Tất cả đó là mối dây ràng buộc cho anh có đầy nghị lực để chóng chọi lại nghiệt ngã của cuộc đời gian truân nầy. Hôm nghe chị Thìn ngồi hát ru con trên chiếc võng hát bài ca vọng c “Con ơi tháng chạp đến đây là ngày con xuất giá vu qui…”.Bài hát nầy hình như là lâu lắm rồi phải không em? Cái thuở bọn mình còn nhỏ xíu. Em có mơ ước ngày tụi mình làm đám cưới không em? Anh cứ chui rút thế nầy thì làm sao có được ngày ấy. Tội nghiệp cho em phải chờ đợi. Có lần em nói em sẽ chờ hoài khi nào yên giặc thì cưới nhau…Đến bao giờ hết giặc em ơi!?
          Có con muỗi nào đó đã chui được vào trong nầy, bay vo ve bên tai hắn. Hắn nghĩ thật quái tao đã chịu tù hãm ở đây, còn mầy có cái không gian bao la bên trên sao  lại chui xuống đây?. Mầy là đồ ngu, thảnh thơi không muốn lại muốn chui rút như tao….Ờ tao hiểu rồi-mầy là muỗi, là loài hút máu người, cho nên ở đâu có hơi người là mầy tìm đến. Mầy đâu cần tự do. Đồ khát máu! Tao sẽ giết mầy. Hắn nghe ngóng xem tiếng vo ve từ chỗ nào để chập hai bàn tay giết nó.Tiếng vo ve vẫn còn quanh đây. Hắn tức giận và thì thầm---Đồ chó chết--Đồ hèn nhát. Sao mầy không dám đậu trên tay tao mà hút máu. Mầy ở chỗ nào….?.Đang trong thì thầm thì con muỗi đã đậu ngay trên trán hắn. Nó đưa cái vòi dài và đâm thủng lớp da, nhả nọc độc vào, hút máu hắn ra. Hắn nghe đau ngứa trên trán. Hắn vung bàn tay phải đập vào trán, nhưng con muỗi đã bay mất rồi.  Vo ve-vo ve- Hắn thấy tức cành hong vì không giết được con muỗi. Đồ hút máu người. Hắn buồn bã nằm xuống.
          Có tiếng gõ nhịp báo của má hắn. Hắn ngồi dậy với nỗi vui mừng, khoan khoái vì từ lúc nầy hắn sẽ chui ra khỏi hầm,hít thở cái không khí bên trên:
           -Lính đi lâu chưa má?
           -Chắc về gần tới lộ lớn rồi. Hồi trưa mấy ổng la om sòm tao sợ mấy ổng xét kỹ thì nguy to.
           -Sao họ làm cái gì mà ở nhà mình lâu vậy má?
           -Mấy ổng hỏi bắt quàng đủ thứ.Có cái ông đeo lon hỏi má về ba má hai thằng nhỏ. Ông nầy có vẻ tử tế lắm con.
           -Má nói gì với họ
           -Thì má nói thằng anh mầy đi lính chết, má sắp nhỏ đi chợ
          -Mấy ổng có nghi gì không má?
          -Không có nghi gì ráo con à
Nói xong bà thúc dục:
          -Thôi đi tắm gội đi, rồi lo ăn cơm nước. Trời gần tối rồi. Mấy ông bên kia về nữa thì đói meo đa!.
          Hắn đi ra nhà sau cởi đồ ra tắm. Suốt ngày nay nằm riết ở dưới hầm nhơ nhớp  quá. Hắn vói lấy cái gáo nước, đưa vào lu múc một gáo đầy và xối cho nước chảy từ từ  Nước chảy dài từ đỉnh đầu xuống cổ và  phần còn lại của cơ thể. Hắn nghe một cảm giác sảng khoái như bay bổng lên thinh không. Hắn nhắm mắt để tận hưởng giây phút lâng lâng hạnh phúc nầy. Cái hạnh phúc thật nhỏ nhoi nhưng tuyệt diệu!  Hắn lại nghĩ đến bữa ăn má nấu cho hắn sắp được ăn, đơn sơ nhưng đậm đà tình quê vì thức ăn làm từ cây nhà lá vườn. Bỗng hắn nghe có tiếng lao xao ở trong nhà. Hắn gọi vói :”Má ơi má…!một cơn lạnh bỗng chạy suốt thân hắn..hắn định chạy nhưng trễ rồi! Hắn bị hai người quật ngã  xuống đất. Sau đó hắn bị cột quặp hai cánh tay về phía sau.  Má hắn ôm mặt khóc:
          -Các ông ơi! đừng bắt con tôi.
      Một trong hai người đàn ông nói;
         -Đồ phản động tha sao được! thì ra mầy theo Ngụy dẫn lính về đây đánh phá Cách Mạng và Nhân Dân.
     Má hắn khóc lóc van xin.
         -Các ông ơi! Nó không có theo ai hết. Nó trốn ở dưới hầm mà!
     Hắn bị một tên đấm vào mặt và kéo hắn vào nhà.
         - Cơ sở hạ tầng của Cách Mạng bấy lâu nay bị phá vỡ chắc chắn do mầy cung cấp tin tức. Gã đàn ông quát:”Đồ phản động, mày sẽ bị xử tội trước Nhân Dân. Hắn phân bua, má hắn phân bua. Chẳng làm hai người nầy nghĩ ngợi. Và hắn bị lôi đi trong tiếng khóc thảm thiết của má hắn. Tha cho con tôi! Tha cho con tôi! Nó vô tội các ông ơi! Bà ngất lịm trong căn nhà vắng tanh. Ngoài đồng chỉ còn nghe loài côn trùng nỉ non buồn bã. Đêm đen mịt mùng…..
       3-  Hôm nay 30 Tết, Đại Đội rải quân nằm vòng đai cho thị trấn quận lỵ. Bộ Chỉ Huy đóng trong khuôn viên đình Tân Lý Đông. Một cái đình cổ với lối kiến trúc mái ngói đỏ rêu phong, bốn góc mái cong hình cánh phượng. Vuông đất mộc toàn cây sao và cây dầu cao ngất, có nhiều cây to cỡ gần hai vòng tay. Thứ tìm một nơi nhiều cây có bóng râm mát cả một vùng lớn. Sau khi ra lịnh cho các trung đội bố trí vào các nơi. Thứ đi một vòng kiểm tra và trở lại bộ chỉ huy mắc chiếc võng nylon vào hai thân cây. Thứ muốn nằm nghỉ ngơi một thoáng. Năm nay có lịnh hưu chiến ba ngày mùng 1, 2 và 3. Qua kinh nghiệm cái Tết Mậu Thân, mặc dầu hưu chiến nhưng lệnh cắm trại 100 phần trăm vẫn được ban hành, để đối phó với bọn V.C có thể tấn công bất ngờ.
        Trời cuối năm gió lành lạnh, bầu trời trong veo. Một cơn gió lướt mạnh, trăm cánh hoa sao xoay xoay rớt. Thứ bỗng thấy nhớ quê nhà cũng có những hàng sao cao và những bông sao cũng xoay rớt trong cơn gió như bầu trời ở đây. Hai năm rồi từ khi ra trường đến nay hai năm liền ăn Tết xa nhà. Hơn hai năm chàng đánh liều với cuộc chiến hung hãn. Ngày- ngày đi không nghỉ, bước chân chàng rải khắp trận địa Tiền Giang. Bao nhiêu đồng đội ra đi. Bao nhiêu giọt nước mắt tuôn trào. Bao nhiêu gang tấc tử thần treo ngang mặt. Bao nhiêu nỗi hận thù đỏ mắt rượu cay. Cuộc đời Thứ cứ xoay như những bông sao trong gió rơi về đâu?! chắc sẽ không hẹn hò nơi chốn trong cuộc trường chinh khủng khiếp nầy!.Cái chết của đồng đội, cái chết của kẻ thù. Ôi! oan khiên !...cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng tại sao lại bắn giết lẩn nhau!.
Người dân ở giữa hai lằn đạn. Chết! Chết ! Chết đầy phố chợ. Chết khắp xóm thôn. Chết ngẩn ngơ. Chết bất ngờ. Họ có tội tình gì đâu!?
         Hình như Thứ thiếp đi một lúc lâu. Khi chợt thức giấc thì trời đã đứng trưa, nắng xuyên kẽ lá, chiếu thẳng vào mắt làm chàng phải nhắm lại và ngồi lên. Chiếc máy truyền tin kêu rè rè. Thứ hỏi người hiệu thính viên: Có lệnh gì không? người lính nói thưa không Thiếu Úy. Hồi nãy Trung Úy Đại Đội trưởng họp ở Tiểu Khu về có ghé đây, nhưng thấy Thiếu Úy ngủ ngon. Trung Úy nói để Thiếu Úy ngủ. Trung Úy về chi khu rồi. Người Hiệu Thính Viên nói một hơi. Thứ vươn vai và đứng lên. Từ phía đường dẫn vô đình, một chiếc xe Jeep vừa mới đến. Phan bước ra khỏi xe, nó nhìn dáo dác và cuối cùng nó nhận ra Thứ đang ngồi trên võng ở phía tay mặt cách nơi đậu xe vài mươi thước. Phan gọi lớn: Ê Thứ đi ăn cơm mầy!.
          Tối hôm đó, khoảng 9 giờ V.C tấn công đồn T.B.T. Cái đồn nầy là nơi án ngự còn đường chuyển quân của V.C cho nên bằng mọi giá bọn chúng muốn nhổ cái gai nầy.Nhưng biết bao lần tấn công, chúng đều bị thất bại. Tiếng súng lớn nhỏ thi nhau nổ. Súng cối ở hậu cứ Đại Đội bắn yểm trợ liên tục, trái sáng  đỏ rực một góc trời. Đại Đội được báo động và di chuyển về gần hậu cứ. Khoảng giữa khuya tiếng súng thưa dần. Thứ được biết toán biệt kích PRU của Ông Hoa phục bên ngoài cách đồn hơn 500 mét đã điều động tới kịp thời đẩy lui được cuộc tấn công của V.C.Trung Đội của ông Hoa rất cơ động và là nỗi khiếp đảm của bọn du kích trong vùng. Chúng từng lên án tử hình ông Hoa. Ông là con cưng của Tỉnh. Trung Đội của ông được trang bị vũ khí mới và hỏa lục rất hùng hậu. Lính của ông gan dạ, chiến đấu rất lì. Và tài điều quân của ông thật xuất thần. Chúng lên án sẽ tiêu trừ ông bằng mọi giá, nhưng chẳng làm được gì ông. Mấy lần Thứ có gặp ông, một người ốm gầy, bình dị và rất chân tình  .
         Sáng mùng một Tết, doanh trại có vẻ náo nhiệt hơn vì hôm nay cắm trại toàn bộ lính phải túc trực, chỉ những trường hợp đặc biệt tứ thân phụ mẫu mới được rời trại. Căn trại nào cũng ồn ào vì lính tráng bày tiệc nhậu. Mặc dầu có lệnh cấm rượu chè trong lúc cắm trại, nhưng Đại Đội cũng hơi du di cho lính. Hưu chiến! Thời khắc ngắn ngủi cho đời lính tử sinh khôn lường được có một chút an vui. Nhưng cái an vui trong tạm bợ vì kẻ thù đang rình rập và tấn công bất ngờ như hồi Tết Mậu Thân. Hưu chiến! cái giá treo cái nhãn nhân đạo, phía sau là mũi súng căm thù !.
         Thứ đang ngồi uống cà phê ở cái quán nhỏ trong doanh trại thì Phan đến nói: Đi ra ngoài chợ làm vài chai mầy. Thứ đứng dậy trả tiền và cùng Phan đi ra. Khi đi ngang Hội Đồng Xã Thứ thấy một bà lão dẫn đứa nhỏ vừa mới bước qua cổng vào. Đứa nhỏ đưa tay lên gãi đầu. Thứ sửng sốt đứng lại nhìn kỹ thêm. Thứ lầm bầm…đúng rồi! bà lão mà Thứ đã gặp lúc đi hành quân cách nay gần một năm. Đứa bé cụt hai ngón tay …. Thứ tin chắc mình không thể lầm được…mà bà lão vào trong ấy để làm gì? Phan giục: Đi mậy! nhìn ai trong đó vậy?. Thứ ngần ngừ nhưng rồi thôi, bước theo Phan ra chợ. Khi ra tới nhà ga thì Thứ thấy một đám đông bu quanh một góc sân. Thứ chưa hỏi gì thì Phan nói: Lính của ông Hoa mới khiêng về một tên V.C bỏ xác hồi tối khi tấn công đồn T.B.T chưa kịp kéo xác đi. Thứ thấy một nỗi bất nhẫn trào dâng trong lòng….!? Hai người vào quán. Thứ uống một hơi không ngừng nghỉ. Uống để xua tan những nỗi buồn úp chụp xuống như cơn thác lũ. Khi ra khỏi quán, trời đã xế chiều. Thứ và Phan đi ngất ngư về trại. Khi đi ngang nhà ga, bây giờ mọi người đã tản mát, chỉ còn lại bà lão và đứa bé mà hồi chiều Thứ thấy ở trước cổng Hội Đồng Xã. Bà lão ôm mặt khóc, còn đứa bé đứng nhìn bà lão như vô tâm. Thứ bước tới gọi : Bà ơi! cái xác nầy là gì của bà? Bà khóc rống lên:Trời ơi! con tôi vô tội ông ơi! Nó đâu phải là V.C!  Nó vô tội mà !!!!
        Đêm đó Thứ về nhà và tiếp tục uống rượu với Phan. Uống! Uống cho hết đau thương. Hình như có lúc Thứ nghêu ngao:Tôi có chờ đâu, có đợi đâu, đem chi xuân đến gợi thêm sầu”! Ừ! ta sầu ta uống…
                                             *Thơ Chế Lan Viên
                                                   Tân-Hiệp 1969
                                          (  Hai mùa Xuân xa nhà )

No comments:

Post a Comment

Đoản Văn