GIÓ MÂY NGẬM NGÙI
Hồi đó Thu Hiền là một cô gái khá đẹp.
Má Thu Hiền là vợ thứ của một quan viên hoàng tộc trong triều đình nhà Nguyễn
nên nàng có họ tên theo như dòng họ nhà Nguyễn:Tôn Nữ Thu Hiền. Sau khi học
xong trung học Thu Hiền có một việc làm ở Nha Thuế Vụ tỉnh. Ngoài giờ làm việc
Thu Hiền phụ giúp mạ ở tiệm cơm của má nàng.Tiệm cơm rất ngon, giá lại rẻ nên
hầu hết các chàng độc thân đều đến đây ăn, có cả một số sĩ quan trẻ. Mỗi lần
Thu Hiền xuất hiện với chiếc áo dài màu hoàng anh ra vào phụ giúp mạ như đưa
thức ăn hoặc tính tiền cho thực khách. Các chàng trai trẻ đều hướng mắt về
nàng. Có người nhìn len lén, có người đuối mắt thẩn thờ …tất cả hàm ý một lời
xưng tụng với vẻ đẹp quí phái mà dịu dàng của nàng. Trong những ánh mắt đó, Thu
Hiền nhận ra có một ánh mắt…đôi lúc cuối gập khi vô tình nàng hướng về chổ
người đó. Một chàng sĩ quan trẻ với cấp bậc chuẩn úy, trông anh có vẻ như là
người lính mới ra trường.Tóc còn ba phân ngắn và bộ đồ nhà binh còn thẳng nếp.
Anh mới xuất hiện ở quán cơm của mạ cách nay vài ngày. Hôm có dịp đến bàn cơm
anh đang ăn trong một buổi chiều.Thu Hiền bạo miệng hỏi anh:
- Chắc Chuẩn úy mới đổi về đây hỉ?
Chàng cười nhẹ và hơi lộ vẻ ngở
ngàng.
-Sao cô biết…? Vâng tôi mới ra trường
Khóa…trường Bộ Binh Thủ Đức và được nhận nhiệm sở ở Tiểu Khu nầy.
Thu Hiền cười nhẹ;
-Rứa anh không có bà con ở đây hỉ…?
Vừa hỏi xong Thu Hiền tự nói trong đầu “Răng mầy hỏi chi lạ…có người nhà làm gì ra
quán mà ăn”.Nghĩ như vậy đâm ra nàng hơi thẹn và đôi má ửng hồng. Chàng
cười như không để ý vì sự thẹn thùng bất chợt hiện lên trên gương của Thu
Hiền.Tuy nhiên chàng thẩn thờ nghĩ “Người
đâu mà dể thương quá…giọng nói thật nhẹ nhàng và êm như rót mật”. Chàng hơi
cuối đầu xuống nhìn vào bàn ăn. Chừng chàng ngước lên muốn trả lời thì nàng đã
quay lưng đi vào bên trong. Chàng nhìn theo tà áo màu hoàng anh còn một vạt
xoắn phía ngoài của cánh cửa vào nhà sau.
Chàng đến quán ăn được vài lần cũng chỉ
ở một gốc bàn cũ nhưng rồi sau đó Hiền không thấy chàng ghé quán ăn vì bận đi
hành quân. Thu Hiền mỗi ngày giúp mạ vẫn không quên ngó về góc bàn mà chàng
chuẩn úy đó ngồi ăn buổi trước. Một buổi nọ khi tan việc ở sở làm về Thu Hiền
bất chợt gặp lại chàng đang đi ngược lại hướng mình. Bộ quân phục của chàng lúc
nầy ngó phong trần vì mưa nắng. Hai người găp nhau. Chàng vội vả bước đến Thu
Hiền chào hỏi, nàng dạ thưa e ấp trả lời. Hai người cùng đi về hướng quán ăn
của mạ. Hôm nay chàng không còn là khách lạ nữa mà dường như là người khách
thân quen đặc biệt của Thu Hiền. Nàng tiếp chuyện với chàng nhiều lần khiến mạ
nàng để ý. Con gái lớn rồi mạ cũng muốn nó thương chổ nào để mạ gả nó…nó cứ im
lìm hoài. Bây giờ mới ló hình. Lúc vơi khách. Chàng ấy cũng đã về. Mạ hỏi:
-Mi ưng thằng đó hỉ…? Nó coi cũng
hiền và nhân hậu…Mi ưng tao gả mi để kiếm cháu ẩm hỉ…?
Thu hiền đỏ mặt nói:
-Mạ thấy răng mà hỏi như rứa…?
Mạ cười lộ hàm răng nhuộm đen:
-Tao thấy mi ưa cái thằng đó …Nếu
không…răng mi quanh quẩn với hắn…?
Chuyện tình của Thu Hiền và Lộc nẩy nở
dần theo tháng ngày. Chàng mời cha mẹ từ Sài Gòn ra ngoài nầy nhờ người mai mối
và làm đám hỏi trong mùa hè năm 1969. Mùa hè tang thương đối với nàng. Sau ngày
đám hỏi Lộc ra chiến trường và không bao giờ trở lại. Thu Hiền đã dâng hiến
cuộc đời con gái của nàng cho chàng trong đêm đám hỏi. Nàng chít khăn tang như
một thiếu phụ thờ chồng. Xác Lộc được trực thăng chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa
tẩn liệm và được ba má Lộc đưa về chôn cất ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
“Anh Lộc ơi! Bây giờ em như là thiếu phụ thờ chồng vì em là của anh
trong đêm tình nồng cháy….Tình ta sao quá ngắn ngủi…! Ngày anh đi, buổi sáng
sao quá vội, em chưa kịp hôn anh thì chiếc xe Zeep đã chuyển bánh vì lệnh hành
quân khẩn.Em đứng ngay nghạch cửa đưa tay vẩy…Anh nói vói lại: Anh sẽ về khi
hành quân xong…Bây giờ thì anh ra đi vỉnh viễn rồi!
Từ khi Lộc chết Thu Hiền ít ra quán ăn
giúp mạ. Sau khi từ sở làm về nàng thu mình trong căn phòng vắng ở nhà. Nàng u
sầu buồn bã.Thỉnh thoảng nàng mới ra quán giúp mạ. Bao gã say mê nàng vẫn còn
đeo đuổi. Thu Hiền một mực chẳng ngó ngàng đến ai.
Sau Tết năm 1970, nàng tình nguyện đi
dự 2 tuần hội thảo về thuế vụ ở Sài Gòn.Thu Hiền muốn dịp nầy để đi tìm mộ của
Lộc. Nàng hứa với lòng là khi viếng được mộ chàng, thắp cho chàng một nén nhang
thì lúc đó nàng mới nghĩ đến một điều gì đó cho mình …như đón nhận một tình yêu
của ai đó….?
Do sự xấp xếp của Lan, người bạn gái
quen biết thuở xưa ở Đà Nẵng có chồng ở Sài Gòn.Thu Hiền được người bạn của
chồng Lan chở nàng lên nghĩa trang Biên Hòa vào cuối tuần. Lân là một Thiếu úy
đang học khóa hành chánh quân y thường lui tới nhà vợ chồng Lan chơi, anh chàng
còn độc thân nên hai vợ chồng Lan muốn nhân cơ hội nầy giới thiệu với Thu Hiền.
Vã lại chiếc Vespa chỉ hai vợ chồng xử dụng còn thêm Thu Hiền thì phải có người
đưa mới ổn. Lần đầu gặp Lân, Thu Hiền hơi ngở ngàng vì trông Lân ăn mặc quân
phục với dáng người thanh thanh làm nàng mường tượng nhớ đến Lộc. Mặc dù chưa
lần gặp nhau nhưng Thu Hiền dể tự nhiên khi chạm mặt Lân trong cái nhìn rất vô
tư của chàng thanh niên miền Nam nói chuyện sang sảng với nàng. Nàng nghĩ cũng
có thể Lan có nói sơ qua về thân thế của Lân cho nàng nghe chăng? Hay vì anh
chàng nầy vui tính làm sự e ấp của cô con gái Huế rặc như nàng hết e dè?
Đường phố Sài Gòn xe cộ tấp nập,
ngồi phía sau chiếc Honda cho Lân chở mà thân người của nàng cứ từng chập va
đôi ngực của nàng vào lưng chàng. Nàng bối rối và hơi ngượng khi Lân căn dặn nhớ giử chặt nha…không thôi rớt xuống đường
đó…Nếu không ngại cứ ôm eo ếch của tôi cho khỏi vuột…Thu Hiền nói:
-Dị òm …mới quen mà bắt người ta ôm
eo.
-Ôm eo để khỏi té ra đường. Người ta lo
cho Hiền chứ bộ!
Vừa nói xong Lân vói tay kéo tay Hiền
choàng qua eo mình. Hiền lúng túng…nhưng rồi phải chịu ôm eo Lân vì mấy cái
thắng của xe chàng do các xe khác lấn đường. Ra khỏi thành phố đường rộng thênh
thanh…xe chạy có hàng thẳng lối, Hiền muốn rụt tay lại…nhưng vì tốc độ ra ngoài
nầy xe chạy càng nhanh làm Hiền càng sợ hơn và giử vòng tay sát hơn. Một cảm
giác nôn nao khi đôi ngực nàng kề sát lưng Lân. Đang chạy ở phía sau, vợ chồng
Lan nhấn ga chạy nhanh qua mặt xe Lân. Chồng Lan đưa tay vẩy…còn Lan thì nheo
mắt cười với Hiền. Hiền hơi ngượng vì cái ôm quá gần cơ thể của Lân…
Cổng vào Nghĩa Trang là một dốc bậc cao
thoi thoải dẩn lên ngôi nhà xây gạch tứ trụ với máy cong. Sau khi được người
hướng dẩn dò danh sách các ngôi mộ trong khu nghĩa trang.Thu Hiền cùng hai vợ
chồng Lan và Lân dò tìm các dảy mộ hàng hàng…Vô đây mới thấy sao mộ nhiều quá.
Chiến tranh đã cướp đi mạng sống không biết bao nhiêu người. Có những ngôi mộ
mới, người vợ trẻ và đàn con thơ chít khăn tang đứng quanh ngôi mộ vừa lấp đất
khóc sụt sùi…có những lổ đào đất bới lên còn vẹt ngang loang ướt…Thu Hiền nhìn
bao quát khu đồi với những hàng mộ đá nằm dưới những tàn cây xanh. Lòng nàng thấy
buồn buồn rớm khóc. Khi tìm được ngôi mộ của Lộc, nàng lấy từ trong chiếc giỏ
mang theo nhang đèn và bó hoa đặt trước mộ. Hai vợ chồng Lan và Lân tách rời đi
quanh quẩn để nàng tự nhiên cúng vái. Khói lên nghi ngút từ nấm nhang cấm trước
mộ Lộc.Thu Hiền chấy tay khấn vái đôi điều rồi ngồi xuống ôm ngôi mộ khóc mùi
mẫn. Nắng đã xế trên đồi. Mấy cánh chim bay về khung trời mờ mịt. Tiếng chuông
chiều đâu đây dội lại.Tiếng đọc kinh, tiếng mỏ, tiếng chuông len ken trong khu
nhà quàng vang vang lẩn trong tiếng nấc: Anh ơi…! Anh ơi…! Ba ơi…Ba ơi..! Con
ơi…! Con ơi…!
Em hỏi anh
Em hỏi anh
Bao giờ trở lại?
Anh trả lời
Mai mốt anh về…
Anh trở về…
Có thể là hòm gổ cày hoa…
(Từ bài thơ Em Hỏi Anh)
Chiều nghiêng nghiêng bóng trên các
hàng cây xanh. Bốn người rời nghĩa trang. Mỗi người mang một tâm trạng. Chắc
chẵng ai vui…?
Hai vợ chồng Lan chạy trước ra cổng
trại. Thu Hiền còn nấn ná ngoái nhìn về phía bên trong, hướng ngôi mộ Lộc. Lân
nói với Thu Hiền:
-Thôi chúng ta cùng về…Hiền còn ở Sài
Gòn cả tuần nữa...nếu muốn lên đây thăm mộ Lộc.Tôi sẽ chở Hiền vào cuối tuần
nầy trước ngày Hiền trở về ngoài ấy.Thu Hiền dạ một tiếng nhẹ và leo lên ngồi
phía sau yên xe của Lân. Buổi chiều gió mát dịu, dòng xe trên đường cũng ít đi.
Lân lái chầm chậm và giới thiệu với Hiền cảnh trí xung quanh và dọc theo hai
bên đường xa lộ mà khi đi vì muốn đến nơi sớm để Hiền thăm mộ, Lân không có dịp
để nói…Khi vào đến bên trong nội thành thì ánh đèn đường đã soi bóng. Lân thấy
hơi đói nên đề nghị với Hiền cùng đi ăn. Lân nói: Chắc hai người ấy về đến nhà rồi. Hiền có đói không? Chúng mình cùng đi
ăn rồi tôi chở Hiền về.
Trong suốt chặng đường đi về, bây giờ
hai người có vẻ thân mật hơn.Thu Hiền cũng nghĩ là nên ăn cái gì một ít. Nàng
cũng thấy đói rồi, nên nàng gật đầu.
Sau khi dùng cơm ở một nhà hàng
xong, Lân chở Hiền về nhà vợ chồng Lan. Nàng ngủ lại nhà bạn thay vì về nhà của
người dì cũng không xa đây mấy. Đêm đó hai người bạn gái mặc sức tâm tình. Có
lúc Lan chọc ghẹo nàng với Lân. Hiền phủi chối, nhưng trong lòng có một niềm
vui gì đó hơi mông lung…Nàng đã thỏa nguyền với linh hồn Lộc là Hiền phải viếng
mộ chàng và thắp cho chàng một nén nhang rồi sau đó có thể tiến thêm một bước
nữa nếu gặp được người vừa ý. Nàng còn trẻ, còn hưng phấn để gieo mình vào một
người khác trong tình yêu. Thật ra tự xét lòng mình trong lúc nầy thì chưa có
đối tượng thật sự để yêu. Với Lân nàng nghĩ có thể là một người bạn tốt đáng
tin cậy. Mặc dù Lan muốn gán ghép nàng tìm hiểu Lân…nhưng đó chỉ là một sự giới
thiệu đối tượng để nàng xem có thể yêu được không…? Tình yêu là tiếng nói của
con tim.Con tim có rung động- tình yêu mới bén lém tâm hồn.Từ tâm hồn tơ tưởng
mới đến luyến nhớ yêu thương -Từ sự luyến nhớ yêu thương mới đến trao lòng cho
nhau ái ân nồng thấm. Con đường tình yêu dài lòng thòng theo nàng nghĩ như
vậy…đối với Lân thì còn hơi lâu…! Hiền thiếp đi sau cơn nghĩ ngợi.
Thu Hiền đã trãi qua gần cả tuần đi
họp ở Sở Thuế vụ. Những bài thuyết trình thường thượt, những con số qua cách
thiết kế sổ sách theo chường trình mã số mới và các lập trình theo điện toán mà
chánh phủ Hoa Kỳ vừa cày đặt vào hệ thống thuế vụ Việt Nam rập theo như cách
lập trình của hệ thống thuế vụ Mỹ. Thu Hiền bù đầu với những bài học về hệ
thống điều hành mới về thuế vụ. Còn tuần lể kế là tuần thực hành và tổng kết
khóa tu nghiệp, nàng nghĩ có lẻ sẽ được thư thả hơn.
Hiền ghé thăm vợ chồng Lan sau buổi
học cũng là lúc Lan về nhà từ sở làm. Hai người bạn cùng ra tay nấu nướng và
cùng ăn uống vui vẻ với gia đình chồng của Lan. Sau khi ăn xong và dọn dẹp bàn
ăn. Lan kề tai nói với Thu Hiền.
-Mấy bửa ni… mi có gặp lại Lân không?
Thu Hiền nói:
-Học túi bụi có thời giờ mô mà gặp. Ông
ấy cũng đi học mà.
Lan cười và thúc cùi
chỏ vào bụng Thu Hiền:
-Lân ghé đây chiều hôm qua…có ý muốn tìm
mi đó.
Thu Hiền đẩy tay bạn ra
và nói:
-Ông ấy hẹn cuối tuần chở tao đi thăm
mộ anh Lộc trước khi về lại ngoài nớ.Tao có cho Lân địa chỉ tìm tao ở nhà bà dì
rồi.
Lan cười nheo mắt:
- Hẹn
hò riêng tư rồi hỉ…
- Thì
đâu dám làm phiền vợ chồng bạn thêm…
- Lân
là bạn thân của chồng tao…bay bướm thì có bay bướm nhưng chưa có bạn gái đó.Tao
ưa mi bắt được Lân để tao về ngoài nớ ăn cưới…
- Tào
lao nè…chưa chi mà mi nói phóng như rứa…người ta biết được…cười chết!
- Hồi
trước tao biết mi là cục nam châm…biết bao người bị mi hút vào mà không dính…chỉ
có Lộc được mi cho dính thôi.Lần nầy mi ra tay xem có dính Lân không?
Hai bạn đang bong đùa thì chồng Lan về
nên ngưng câu chuyện. Lan xin phép về nhà để Lan lo cho chồng buổi cơm.Chồng
Lan nói Thu Hiền nên ở lại chơi, nhưng Thu Hiền từ chối. Nàng chia tay vợ chồng
Lan và chào từ giả ba má chồng Lan.Trời bên ngoài tối đậm, con hẽm mù mù với
ánh đèn vàng hiu hắt.Thu Hiền đi về hướng nhà bà dì cách đó chừng trăm mét. Thu
Hiền nghĩ ngợi: “Ngày mai là thứ Bảy Thu
Hiền phải có mặt ở nhà bà dì để tiếp Lân. Nàng nghĩ chắc không đi thăm Lộc nữa
vì nàng cần đi mua sấm một ít đồ dùng luôn thể nhờ Lân chở đi một vòng cho biết
Sài Gòn. Một nén hương trước mộ Lộc là thực hiện được lời nguyện ước với linh
hồn chàng. Có đến cũng chị khóc buồn mà thôi…! Người đi…đã đi rồi…tiếc thương
cũng vậy thôi!”
Sáng thứ Bảy Lân đến nhà bà dì của Thu
Hiền với bộ quân phục thẳng nếp trông chàng đẹp và hào hùng.Thu Hiền mời Lân
vào nhà ngồi.Bà dì đi vắng. Đứa em con bà dì cũng đưa chồng vào bệnh viện để
khám bệnh.Thu Hiền rót nước từ ấm trà pha sẳn mời Lân và nói:
Hiền xin lổi anh Lân vì cứ tưởng anh không
tới sớm. Lân nhìn đồng hồ trên tường kim chỉ giờ mới 8 giờ sáng. Lân cười không
trả lời nhưng đôi mắt của chàng chới với vì những đường nét kiều diễm nhẹ nhàng
của Thu Hiền thoáng hiện ra trong bộ đồ ngủ màu xanh lơ. Biết Lân nhìn mình,
nàng đỏ mặt bối rối: “.Anh ngồi uống
trà…để Hiền vào trong thay đồ…”Nàng đi nhanh về phía bên trong.Tân nhìn
theo…chàng nghĩ mình đang nhìn một bức tranh tố nữ đang biến mất vào màn sương
khói bên trong.
Cũng với chiếc áo màu hoàng anh, Thu
Hiền trở ra với nụ cười e ấp. Lân đứng lên và nói:
- Hôm
nay tôi làm tài xế, Hiền kêu đi đâu thì tôi chở đi.
Thu
hiền đi theo sau Lân và nói:
-
Em đổi ý…không đi Thủ Đức nữa…nhờ anh Lân chở đi mua một ít đồ và đi một
vòng cho biết Sài Gòn. Lân đi hẳn ra ngoài lại gần chiếc Honda và nói:
-
Sẵn sàng đưa Hiền đi khắp nơi mà -đừng ngại.
Hôm đó Lân đưa Thu Hiền ra chợ Bến Thành
mua một it đồ trong chợ. Sau đó hai người đi dọc theo hai bên đường Bonard. Các
địa điễm bán hàng dọc theo hai lề đường nào sách báo, nào các đồ trang sức,
giày dép…Ghé khu nước mía Viễn Đông ăn khô bò cháy trộn đu đủ bào, bò bía…Chạy
xe vào sở thú đi bộ lòng vòng. Mõi chân hai người ngồi dưới bóng mát của một
cây cổ thụ tàn lá xum xuê. Hai người ngồi tựa nhẹ bên nhau với những mẫu chuyện
vui buồn. Bầy trẻ bán dạo đến quấy rầy hỏi mua các món hàng bán trên các xịa nhỏ,
có đứa bạo dạng đưa mấy tờ giấy số ra, kéo tay Lân và Hiền nói: “Số nầy hên lắm anh chị mua đi, chiều nay sổ
trúng liền”. Lân bực bội nói với Hiền:Thôi
mình đi chổ khác nha…tụi nhỏ nầy mất dạy quá!Lân nắm tay Hiền. Hai người
tay trong tay đi dạo tiếp về hướng sông Thị Nghè.Trời đã xế chiều, nắng nghiêng
nghiêng trên dãy nhà ven sông. Dòng sông nước đục một màu đen sánh. Cây cổ thụ
dưới dốc chân cầu tỏa tàn lá và những rể tua từ thân nhánh xuống như một màn
trúc đẹp.Hai người đi lên chiếc cầu và dừng lại nơi giửa cầu nhìn phía bên kia
xóm Thị Nghè nhà cửa san sát. Lân nhớ cái quán cà phê của họa sĩ Vị Ý cũng gần
đâu đó bên kia cầu, nên đề nghị Hiền đi về hướng đó để vào quán thưởng thức cà
phê đồng thời ngắm nhiều bức tranh rất nghệ thuật bên trong. Tiếng nhạc về Huế
qua giọng của Duy Khánh quá ngọt ngào.
Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về núi Ngự
Ai về sông Hương
Nước sông Hương
Còn thương chưa cạn
Trăng núi Ngự còn vẹn câu thề…
……………………
(Ai Ra Xứ Huế của Duy
Khánh)
Dưới ánh đèn mờ ảo của căn phòng -với những
âm thanh tiếp nối cũa những dòng nhạc tình dìu dặt. Lân say sưa nhìn Hiền và
chiếc bóng nàng in trên bức tranh lụa to treo phía sau lưng nàng.
Sau uống khi cà phê xong, Lân chở
Hiền về. Trên đường về chàng ghé khu vườn Tao Đàn. Lân chỉ chạy lòng vòng cho
Hiền ngắm cảnh và sau đó đưa nàng về lại nhà bà dì. Lân hẹn ngày mai sẽ đến đưa
Hiền đi chơi một ngày nữa. Hiền sẽ về lại ngoài kia vào ngày thứ ba.
Hôm sau Lân lại đến đón Hiền cũng
vào buổi sáng. Dường như buổi đi chơi hôm qua đã ghi vào Hiền một ấn tượng ấm
cúng và thân mật với Lân một cách vô tình mau chóng. Ngồi sau yên xe của Lân
nàng không còn e dè như hôm đầu tiên mà tựa sát chàng hơn. Nàng ngửi được mùi
da thịt của chàng từ phía sau lưng. Vòng tay nàng ôm chặt hơn. Hiền cảm nhận
được hơi ấm từ da thịt của chàng từ vòng bụng chuyển qua từng ngón tay muốn bấu
chặt thêm. Một niềm rung cảm dâng lên trong lòng ngực Hiền. Nàng chới với trong
một trạng thái bềnh bồng trong từng cái xốc nhẹ của chiếc bánh xe lăn. Nàng
nhấm mắt như người đang trong cơn mộng du.
Lân đưa nàng đi dạo phố-Lân đưa nàng
vào quán ăn-Lân dìu nàng vào xem phim. Bóng tối của rạp hát đồng lỏa với sự bạo
dạng hơn của đôi môi chàng-bóng tối làm nàng cũng ưng chìu theo vòng tay của
chàng. Hiền ngây ngất-mềm lòng không còn
giử gìn ý tứ mà thường ngày nàng có. Nàng quấn quít bên chàng mặc những đoạn
phim trên màn ảnh đang xôn xao di động.
Chiều xuống mờ tối. Lân đưa nàng về
phòng trọ của chàng. Hiền ngoan ngoản đi vào. Nàng ngồi trên chiếc gường nhà
binh của chàng nhìn bâng quơ căn phòng. Lân ngồi cạnh nàng và đưa tay đẩy nhẹ
Hiền nằm ngã ra. Hiền xụi lơ không phản ứng. Nàng ưng chìu theo Lân như một tín
đồ ngoan đạo. Nàng nhấm mắt-xuôi tay. Hôm nay là ngày cuối của một sự bắt
chợt-Ngày cuối của một dun rủi Hiền gặp chàng. Nàng mở ra tất cả những cánh cửa
của lòng nàng-Mở toang toát không ngại ngùng. Rồi mọi thứ trôi qua. Hiền nằm
yên. Bổng nhiên đôi mắt nàng ứa trào nước mắt… Buổi tối lan đầy ngoài trời một
màu đen thẫm.
Thu Hiền về lại Quảng Tín. Lân ra
trường Quân Y và đổi về Bạc Liêu.Từ đó
Thu Hiền và Lân không liên lạc nhau bởi lẻ khi Lân hỏi về chuyện thầm kín của
Hiền sau phút mặn nồng ở phòng trọ của chàng. Hiền buồn buồn kể lại chuyện của
nàng với Lộc. Nàng là vợ của Lộc sau ngày đám hỏi. Nàng là đàn bà từ sau đêm
đó. Lân nói với nàng một điều gì đó mà Hiền nghe như muốn vỡ toát trong hồn
đau…! Chàng xin lổi nàng vì sự quá trớn của chàng. Lân bị ám ảnh bởi cái lối
suy nghĩ của Khổng Giáo, sự trinh tiết như là một điều kiện cần thiết đối với
tiền hôn nhân. Lân mong rằng hai người sẽ là bạn với nhau thôi.
Ngày tháng trôi qua Lân như quên đi
hình bóng của Hiền, người con gái dòng họ
hoàng tộc đẹp-dịu dàng mà từ lúc đầu chàng thực sự thương yêu và muốn có
ngày hạnh phúc chồng vợ bên nhau suốt đời.Có lần chàng làm bài thơ để tặng
nàng.
Tôn nữ vô Nam
Ai xui Tôn Nữ vô Nam
Cho trai xứ nắng đem lòng tơ vương
Ai xui Tôn Nữ dể thương
Tóc vai một nữa nghiêng dường xoắn anh
Dạ thưa cái miệng trái xoan
Anh nầy… lạ rứa…mần răng…dị òm…
Em đem
cả một dòng Hương
Rót câu mái đẩy…chẻ đường tình si
Em về ngoài nớ …có khi
Trở vô xứ nắng…tôi ghì ở luôn
“Không mô…! Ốt dột…nói năng?
Người dưng chưa cưới mần răng ôm ghì…?”
Cái duyên Tôn Nữ xuân thì
Bổng dưng từ đó nhớ hoài em ơi…!
Riêng Hiền về lại ngoài đó bận rộn với
công việc suốt ngày nên nàng cũng không có thời gian để nghĩ ngợi về chuyện
buồn vừa qua. Trong lúc đêm về thao thức, nàng cũng còn nghĩ đến Lộc, nhưng còn
gì để mà mong mõi…! Nàng cố quên đi những tình cảm mặn nồng với Lân trong những
ngày ở Sài Gòn. Nàng cố quên những mơ ước về một tương vừa mở ra trong tâm hồn
khép lại sau ngày Lộc mất.
Một hôm đang làm việc ở sở Hiền thấy
chống mặt và muốn nôn ói. Hiền cố gắng làm cho xong việc tại văn phòng. Khi về
đến nhà thì nàng lả người hoa mắt. Cơn nôn ẹo cào cổ xoấy bụng. Nàng vội đến
nhìn mình từ chiếc gương soi. Nơi vòng cổ của Hiền những đường gân vỗ phập
phồng. Hiền thẩn thờ…Nàng ngồi thu mình trên chiếc gường nhỏ. Hiền lo sợ miên
man. Hiền biết triệu chứng như vậy là có thai từ một đứa bạn làm cùng sở
nói. Nàng lấy tay xoa xoa vùng bụng.
Hiền ứa nước mắt. Ôi trời! Đừng là vậy…chẳng lẻ lần ấy với Lân lại…Nàng nằm úp
mặt khóc nức nở.
Mọi sự che đậy không còn được nữa. Mạ
Hiền biết được. Mạ đánh Hiền một trận nhừ tữ. Bà khóc: “Hiền ơi! Mi làm tan nát tông môn nhà nầy rồi…mi dại với ai…mi nói ra…
tao bắt nó phải lạy thú tội và cưới mi ngay…”Hiền cắn răng chịu đòn roi của
mạ. Mạ đuổi Hiền ra khỏi nhà. Hiền đành đem một mớ đồ cần thiết ra mướn phòng
trọ ở sau khi cuối lạy mạ xin tha lổi.
Trong một tỉnh nhỏ nên mọi chuyện cứ
loang đi rất nhanh.Người ta đồn đoán đủ điều. Hiền âm thầm không hé môi. Nàng
âm thầm đi về từ sở làm như chiếc bóng. Nàng cũng chẳng viết thư cho Lân biết
sự việc buồn đau mà nàng đang gánh chịu. Đứa con của nàng và Lân chào đời. Lan
trong một dịp về quê ở Đà Nẵng biết được sự việc. Lan vào Quảng Tín đế thăm
nàng. Trong một căn phòng nhỏ với khói bay mù vì các mẻ thang đốt hơ nóng. Lan
bước vô phòng. Hiền đang ngồi cho con bú chợt ngước lên thấy Lan. Nàng sẩn sờ
cuối mặt khóc. Lan cũng khóc theo và nói:
-
Xin tha lổi cho tao vì đã giới thiệu mầy cho Lân…mầy có cho hắn biết
không? Hiền lắc đầu. Lan tức giận:
-
Khi về lại Sài Gòn tao sẽ gởi thư cho hắn biết …xem hắn lo liệu thế nào?
con của hắn mà!
Thu Hiền xua tay:
-Không…mầy đừng nói gì hết. Lân không
có lổi hoàn toàn, một phần cũng do lổi
của tao.Tao yếu đuối…không gìn giử- Tao chịu. Mầy thấy không…?Thằng con của tao
coi dể thương quá.Tao mang nó được, đẻ nó được thì sẽ nuôi nó được mà. Hiền
cười gượng. Khi Lan về rồi Hiền nhìn thằng bé:”Tân ơi! Nó giống anh lắm, nó giống nhất là cái mũi nở rộng. Em không
trách anh đâu, vì anh đã không ưng cưới em làm vợ từ hôm ở phòng trọ nhà anh
rồi. Bây giờ em có con. Nó là cái bóng của anh. Con trai em sẽ ở bên em mãi. Em
sẽ nuôi nó trưởng thành. Nó sẽ trở thành người tốt sau nầy, để có khi anh biết
được nó. Anh sẽ hảnh diện vì nó...”
Khi Lan về lại Sài Gòn, nàng đem
chuyện Hiền ra nói với Ngọc chồng nàng. Ngọc trố mắt ngạc nhiên. Sau đó Ngọc
nói với vợ: Anh sẽ kêu nó lên và anh cùng
với nó ra ngoài ấy liền…Bạn anh không tệ đâu…
Ngọc viết bức thư báo tin về sự
việc Hiền có con cho Lân biết, có đoạn Ngọc viết:“…Ít nhất mầy cũng phải ra đó để
tận mắt nhìn thằng bé…”
Lân xấp xếp công việc ở bệnh viện
và xin nghĩ phép 2 tuần. Được sự chấp thuận của thượng cấp, Lân cầm tờ phép lên
Sài Gòn. Ngọc đã chuẩn bị vé bay xong. Hai người đáp chuyến bay Hàng Không Việt
Nam ra Quảng Tín. Ngọc có một thời làm việc ở đây nên việc đi tìm nơi Hiền ở
không khó, nhất là có cậu em của Hiền ra đón tận phi trường. Khi gặp lại Lân
nàng không cầm được nước mắt buồn tủi và òa khóc nức nở. Lân buồn buồn thương
cảm khi nhìn hai mẹ con Hiền trong căn phòng nhỏ. Hiền ẫm đứa bé lên đưa cho
Lân. Ngọc bước tới nhìn thằng bé rồi Ah! lên một tiếng: “Cái thằng con …lổ mủi bự giống mầy như khuôn”
Qua sự xấp xếp của Lan với một bà dì
của Hiền ở Quảng Tín. Mạ Hiền đồng ý gặp mặt Lân. Mạ làm một con heo quay chặt
ra từng vuông nhỏ bắt Lân phải chạy khắp phố để biếu cho bà con hai họ nội,
ngoại hình thức như là thú phạt. Lân che dấu mọi việc qua lời xin lổi bà con vì
bận hành quân liên miên nên không về được sớm. Mọi người thân không hẳn tin,
nhưng khi có mặt của chàng với quà biếu đều xem Hiền đã có chồng thực sự. Mạ
nói: “Mạ cần danh dự …trả lại danh dự cho
mạ là mạ vui!
Chiều hôm đó một buổi tiệc nhỏ mừng đầy
tháng bé Nam Trung-tên do Lân đặt cho con được tổ chức đơn sơ nhưng rất nồng ấm
vì hầu hết là bạn của Hiền.Trong buổi tiệc có một anh bạn không biết có phải
làm chung với Hiền ở Thuế vụ không hỏi khó Lân: “Ở miền Nam có món ăn gì làm từ con gà mà người ta làm không cần cắt cổ
nhổ lông? Câu hỏi có phần trách cứ-Như một cách tạt rượu vào mặt Lân vì ăn
ở với Hiền có con mà chưa qua hôn phối lể nghi. Lân chưa trả lời thì Ngọc đứng
lên nói: “Cách làm món ăn tùy theo mỗi
miền có cách làm khác nhau…tựu chung cũng là chỉ món ăn… món ăn đó làm ra khi
ăn ngon miệng mới là cần thiết…Còn nếu đem món ăn mà so sánh với lể nghi tập
tục mỗi miền thì hoàn toàn sai. Một bên là văn hoá ẫm thực-Một bên là văn hóa
tập tục. Tập tục thì ở đâu cũng giống
nhau” Gã đàn ông ngồi yên. Buổi tiệc tàn trong không khí không vui. Mọi người ra về trong lặng lẻ.Tối hôm đó Lân
hỏi Hiền ông ấy là ai mà cay cú với anh như vậy? Hiền nói: “Có nhiều người thích hay châm chọc người
khác… anh đừng để ý.”
Cơn bão thình lình đổ ập xuống các
tỉnh miền Trung từ Tam Quang vào đến các tỉnh từ Đà Nẵng xuống Quảng Tín…Cơn
bão như trút nước ào ào…gió thổi tốc những miếng tôn từ các nốc nhà bay vút lên
không, quay vòng đi mút tận xa. Lân nhìn cơn bão bên ngoài như cơn bão lo âu
trong lòng. Mình phải làm gì đây? Đem Hiền và con về Nam…? Làm sao nói với ba
má và họ hàng nhà mình? Mình muốn gánh cái gánh mà mình chưa nghĩ tới và chưa
có một chuẩn bị gì cả thì sẽ ra sao? Còn tình cảm thực sự của mình đối với Hiền
thì sao? Mình thương yêu nàng hay là thương hại?Thương hại đâu phải là tình
yêu! Mình nhận trách nhiệm với đứa con…nhưng đời sống của mình với Hiền có suôn
sẽ không? Cái tâm lý không chấp nhận nàng khi biết nàng gần như có một đời
chồng, có làm rạng nứt mọi cố gắng với trách nhiệm của mình không? Không biết bao nhiêu câu hỏi dồn nén trong
tâm não chàng như cơn gió bão xoấy ngoài trời.
Còn lại hai ngày phép, Lân về lại quê
nhà nói với ba má về việc chàng đã làm. Ba má buồn vì chàng là đứa con lớn nhất
trong nhà, được ba má tin yêu nhất lại làm chuyện không tốt đó. Gia đình có một
buổi họp có bà nội, ông cậu và ba má. Bà nội ngồi buồn xo tay quẹt môi trầu
nói: “Cháu là đứa cháu đích tôn của
Nội…sao cháu làm chuyện dại dột như vậy…? Nội chờ uống rượu cưới của cháu…bây
giờ…”. Nội không nói nửa lấy tay quẹt nước mắt. Ông Cậu nói dứt khoát với
ba má Lân: “Nó không được bỏ con của nó,
nó phải có trách nhiệm với việc làm của nó…Nhưng từ nay xem nó như người ngoài
gia đình. Ông quay sang nói với ba Lân:
Giúp nó một số tiền để lo cho vợ con nó và từ nay xem nó như người ngoài…”
Sau ngày trở về đơn vị Lân nhận được
bì thư của Hiền chỉ vỏn vẹn một bức ảnh của con chàng. Hiền không viết một câu
nào. Lân nhìn hình con và suy nghĩ rất nhiều. Một bên là gia đình-Một bên là
trách nhiệm với đứa con. Phải làm sao cho tròn đây? Cuối cùng chàng chọn quyết
định là không rước nàng và con về Nam như trước đây chàng muốn làm. Chàng e sợ
chỉ với trách nhiệm với con…nhưng tình cãm với Hiền thì sao? Vết hằn trong tư
tưởng về Hiền sẽ làm cuộc sống với nhau là một cực hình và đau xót chứ không là
hạnh phúc. Con chàng lớn lên trong hoàn
cảnh vợ chồng sống tẻ lạnh với nhau thì sao? Chàng xót xa viết thư cho Hiền:
Hiền,
Anh không thể đem em và
con về Nam ở với anh được.Trách nhiệm anh có…nhưng sự chung đụng với nhau về
lâu về dài có làm hai đứa mình được hạnh phúc không?Thôi đành xa nhau từ bây giờ
để khỏi làm khổ cho nhau vì lý do mà anh
đã nói với em. Em xem anh như người đã chết. Anh mong rằng sau nầy em sẽ tìm
được một ai đó có lòng quản đại và yêu em thật lòng thì em sẽ có được hạnh phúc
trọn vẹn khi sống với người ấy…Xin tha lổi cho anh.
Bạc Liêu, ngày…tháng…năm
1971
Hoàng Lân
Sau bức thư đó thì mọi liên lạc với
Thu Hiền chấm dứt. Chiến tranh mỗi lúc mỗi khốc liệt, Lân bận rộn với quân vụ
mỗi lúc một nhiều hơn. Chàng cũng viết thư nói với ba má với quyết định của
mình. Ba má nói: “Con không được làm như
vậy…nhưng tùy con… ba má không can dự vào chuyện của con nữa…! Cuối cùng chàng lập gia đình khi hay tin sức
khoẻ của bà nội một ngày một kém. Chàng muốn dâng lên nội ly rượu trong ngày
cưới như sự mong ước của nội. Một sự chọn lựa mà chàng thấy không công bằng với
mạ của Hiền, nhưng biết làm sao…?
Mãi về sau nầy, Lân nghĩ lại cái quan
niệm về hôn nhân hồi đó của chàng quá lạc hậu. Chàng đã làm Hiền khổ sở, đau
buồn. Chàng đã bỏ trách nhiệm với giọt máu của chàng thật đáng bị khiển trách.
Hôn nhân phát xuất từ hai người yêu nhau chân thật, hai tâm hồn cùng nhìn về
một hướng và cạn chén giao bôi trong tinh thần giao ước cùng xẻ chia với nhau
ngọt bùi trong tình nghĩa vợ chồng từ đó…Khổng Giáo là một giáo điều ràng buộc
phụ nữ như là một nô lệ cho người đàn ông từ thể xác đến tinh thần…! Tất cả là
do lổi của chàng từ sự suy tôn giáo điều nầy.
Thế rồi ngày 30 tháng Tư năm 1975
tới. Lân bị bắt đi tù “cải tạo” chung với các sĩ quan khác của chánh quyền miền
Nam. Chàng đi không biết bao giờ trở lại? Một khoảng trời sẽ mù mịt tương lai
của đời chàng từ đây…!
Cởi chiếc áo bao năm ta làm lính
Ôi! Bất ngờ như một giấc chiêm bao
Nghe hơi thở bun trong lòng ngực nhói
Như ta rơi vào vực thẩm âm sâu
……………………………………..
Cuối năm 19… chàng được thả về. Có
dịp lên Sài Gòn, Ngọc cho Lân biết Hiền đã có chồng và hiện đang sống ở quê
chồng ngoài Quảng Trị và có thêm mấy đứa con nữa.
Chàng có những đứa con sau nầy. Các
con của chàng được nuôi nấn thương yêu
trong môi trường tốt và đầy đủ. Nhiều khi chợt nhớ đến đứa con đang sống với
Hiền, chàng lo lắng không biết thế nào? Bây giờ Hiền có đời sống thực sự bên
người chồng mà chàng nghĩ chắc là người phải có tấm lòng độ lượng và yêu thương
Hiền thực lòng. Với người chồng như vậy chắc con chàng cũng được nuôi dưởng
đàng hoàng. Chàng tin Hiền đủ lòng để bão bọc cho con chàng. Tuy nhiên chàng
luôn né tránh mọi liên lạc với Hiền vì sợ làm buồn lòng người chồng của Hiền và
nhất là không muốn khơi lại chuyện lòng giữa hai người khi thực tế đã an bày.
Mỗi người có một gia đình.
Đời người có nhiều cuộc tình. Có những
cuộc tình trôi qua đời trong vội vả- Rồi qua đi. Có những cuộc tình gieo vào
lòng buồn nhớ miên mang-nuối tiếc ngỡ ngàng. Có những mối tình hụt hẩn dở dang
bởi cảnh đời trôi dạt, không nối kết được. Có những mối tình với hệ lụy bất
chợt. Hậu quả của hệ lụy làm vướng mắc trong tâm não khó giãi bày khi bị bứt rời
vì cảnh ngộ của đời sống, như sợi rong rêu chìm trong biển khơi, như gió mây
ngậm ngùi.
Đâu bóng trăng xưa?
Mơ khúc nghê thường
Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương
Xa đưa gió mây ngậm ngùi…!
……………………………..
(Nhạc của Dương Thiệu
Tước)
Nam Trung con,
Con còn nhớ không?
Ngày hai cha con mình gặp nhau lần đầu. Cha con mình ôm nhau trong rưng rưng
lệ. Ba không ngờ có giây phút ba và con gặp nhau như thế nầy. Ba có nhiều điều
muốn nói với con, nhưng rồi không nói được. Có lúc con hỏi tại sao ba với mẹ
ngày xưa…? Ôi! Thật khó lòng mà nói hết với con chuyện của ba và mẹ. Ba chỉ nói
với con: Con ơi! Chuyện người lớn là chuyện quá khứ, chuyện quá khứ của ba mẹ
trong cảnh chia xa thì chắc không vui. Ba không muốn làm con buồn khi nghe ba
kể chuyện cũ và nói thêm: “Con hảy nhìn về tương lai... từ đây con biết được
người cha ruột của mình. Ba sẽ lo cho con trong điều kiện ba có thể lo được.
Bây giờ ba biết được đời sống của con khá vững đó không hẳn là nhờ sự giúp sức
hoàn toàn của ba cho con…ba chỉ giúp con một phần nhỏ trong bước đầu, còn sự
nghiệp bây giờ là do tài sức của con.
Đêm hai cha con ngủ
với nhau…ba nằm trằn trọc, còn con thì trùm kín đầu. Chiếc mền không phủ hết
thân mình con. Ba nghĩ chắc con đã ngủ say. Sợ con lạnh ba lấy tay kéo mền đấp
phủ cho con. Con vội lấy tay gạt phần chiếc mền mà ba vừa đấp. Thì ra con chưa
ngủ. Chắc con giận ba điều gì…chắc con chờ ba nói chuyện gì đó với con…mà ba
không nói nên con dỗi hờn.
Kế sau đó có vàì dịp
gặp lại con, ba thấy con lúc nào cũng ở tư thế phòng thủ và mặc cảm nên im lặng
trước mọi người trong họ của bên nhà ba. Có lẻ sự phòng thủ của con tạo ra một
cảm giác chưa được thấy gần với họ hàng nhà ba và ngược lại. Ba biết điều đó vì
con đâu có dịp gần gủi với các người ấy truớc đây và mọi người đâu biết con là
con của ba. Rồi từ đó hình như con lại có thái độ phòng thủ với ba nữa…dỉ nhiên
ba thấy có một khoảng cách nào đó giữa hai cha con. Khoảng cách cả khi con nói
chuyện đùa pha lẩn trách hờn về ba!
Năm 2013 vừa qua hai cha con lại có dịp
nằm gần nhau, ba kể cuộc sống của ba bên Mỹ thế nào để cho con hiểu thêm về
hiện tại của ba…Có lẻ con không muốn nghe chuyện nầy mà con muốn nghe chuyện
khác…nên con cắt ngang câu chuyện ba đang nói. Ba buồn lòng về chuyện nầy
lắm…nhưng thôi…! Ba hiểu con muốn gì rồi?
Năm nầy ba đã già rồi, tuy nhiên ba thấy mình
còn trí nhớ để ghi lại chuyển cũ. Ba sợ nếu để trể hơn nữa, lúc đó trí óc mù
mẩn sẽ không ghi được đầy đủ. Ba viết câu chuyện giữa ba và mẹ như truyện tiểu
thuyết để con đọc đở khô khan và ba nói được nhiều điều hơn.
Thế gian nầy không có gì
là hoàn hảo cả. Cuộc đời ba có nhiều lổi lầm…có những lỗi lầm mình có thể chuộc
được nhưng cũng có những lỗi lầm mình phải mang đến khi lìa đời. Đó là lỗi lầm với mẹ con. Ba mong con tha thứ cho ba trong những ngày tháng thiếu
trách nhiệm với con.
.
Ba của con
Nguyễn Hoàng Lân
(Cali đầu
năm Giáp Ngọ 2014)
No comments:
Post a Comment